Cảng hàng không

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chờ ngày vươn mình

Nguyệt Quỳnh - Nguyễn Thắng 30/07/2024 05:58

Được đầu tư bài bản và có tầm nhìn dài hạn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang nỗ lực để vươn mình trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của Quảng Ninh cũng như khu vực Đông Bắc Bộ.

Tháng 11

8h sáng thường là thời gian nhà ga nội địa cảng hàng không quốc tế Vân Đồn nhộn nhịp nhất trong ngày. Hàng người nối nhau chờ làm thủ tục. Một đoàn giáo viên tranh thủ chụp ảnh trước khi lên chuyến bay đi TP.HCM. Tiếng gọi, thúc giục nhau không ngớt. Ba nhân viên của Vietnam Airlines làm việc không ngơi tay.

Khung cảnh không khác bất cứ một nhà ga sân bay nào khác đang hoạt động. Tuy nhiên, tính chung cả ngày, cảng hàng không này hiện chưa hoạt động hết công suất.

z62_6158(1).jpg
Hành khách chuẩn bị lên chuyến bay từ Vân Đồn tới TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Không riêng Vân Đồn, mục tiêu vận hành đủ công suất là bài toán khó cho các sân bay nhỏ trong thời gian gần đây.

Một trong những cảng hàng không quan trọng của miền Tây là Cần Thơ cũng chỉ khai thác các đường bay trong nước với khoảng 15% công suất đường băng. Ngay cả thời điểm hoạt động sôi nổi nhất trước Covid-19, sân bay này cũng chỉ sử dụng khoảng 40% công suất nhà ga. Các cảng hàng không nhỏ hơn như Cà Mau chỉ khai thác 4 chuyến/tuần.

TÌNH TRẠNG CHUNG

Xu hướng di chuyển bằng ôtô cho những chặng du lịch 300-500 km gần đây làm tăng thêm tình trạng vắng khách tại các sân bay địa phương.

Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy tỷ lệ đặt chỗ bình quân trên các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đến các điểm du lịch đạt khoảng trên 50% trong các ngày cận kề. Với các ngày xa hơn, tỷ lệ này dao động ở mức 20-40%.

Trong khi đó, khủng hoảng thiếu máy bay khiến các hãng hàng không trong nước ưu tiên cho những đường bay chính. Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến tháng 5, tổng số tàu bay của các hãng hàng không trong nước là 199 chiếc, giảm 32 tàu so với 2023. Thực tế, chỉ khoảng 165-170 chiếc đang được khai thác.

z62_6266(1).jpg
Từ sau đại dịch Covid-19, số lượng các chuyến bay đến Vân Đồn giảm dần. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Trong cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải ngày đầu tháng 7, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết 12 máy bay A321neo, 2 máy bay A350 của hãng đang phải nằm chờ do yêu cầu triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney và Rolls-Royce.

Ông Hà cho biết đến cuối năm nay, số máy bay dừng hoạt động của hãng sẽ tăng lên 17 chiếc A321neo và 3-5 chiếc A350. Quá trình sửa chữa và bảo dưỡng động cơ dự kiến kéo dài 300 ngày, gần gấp ba lần thời gian trước kia. Do đó, thực trạng thiếu máy bay sẽ còn tiếp diễn đến nửa đầu năm 2025.

Đối với Vietjet Air, hãng hàng không chiếm vị trí số một về thị phần nửa đầu năm nay, tình trạng thiếu máy bay cũng gây khó khăn không kém.

opensky_z5682424707849_ee984811b79cfca2c849da83152f9e69.jpg
Ảnh: Nguyễn Thắng.

Để sân bay phát triển được thì phải nhìn tổng thể, không riêng gì câu chuyện đi tìm hãng hàng không hay nguồn khách

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

DẤU HIỆU TÍCH CỰC

Chia sẻ với OpenSky, ông Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cho biết từ đại dịch Covid-19, cảng đã phải áp dụng nhiều giải pháp để tăng hiệu quả hoạt động.

Các chi phí được tiết kiệm đến mức tối thiểu. Nội bộ doanh nghiệp quản lý cảng có ý kiến tiết giảm thêm chi phí, giảm thời gian hoạt động, song chủ đầu tư vẫn quyết duy trì vận hành sân bay 24/7 đúng với vai trò của một cảng hàng không quốc tế.

z62_6772(1).jpg
Do ít được sử dụng, cơ sở vật chất của sân bay Vân Đồn vẫn như mới. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Vị phó giám đốc cảng khẳng định ông và các nhân viên cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tin tưởng hoạt động bay sẽ nhộn nhịp trở lại.

Nhìn vào thực tế, niềm tin này hoàn toàn có cơ sở.

Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, cảng có kết quả khả quan. Khi đó Vân Đồn có đường bay tới Đà Nẵng và TP.HCM, cùng với các chuyến bay charter tới Thâm Quyến, Hồ Nam (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc), Narita và Osaka (Nhật Bản)…

Tính riêng năm 2019, Vân Đồn đón 2.028 chuyến bay, phục vụ hơn 240.000 hành khách.

Năm 2020, Vân Đồn được World Travel Awards trao hai giải thưởng "Sân bay khu vực hàng đầu châu Á 2020" và "Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á 2020". Trước đó, vào năm 2019, Vân Đồn cũng giành hai giải thưởng Sân bay mới hàng đầu châu Á và Sân bay mới hàng đầu thế giới.

z62_6413(1).jpg
Sân bay Vân Đồn từng khá nhộn nhịp trước đại dịch. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Sau cú chạy đà ấn tượng, sân bay Vân Đồn liên tiếp gặp những bất lợi từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tình trạng thiếu máy bay của các hãng hàng không. Tuy nhiên, ông Dũng tính toán đây chỉ là những khó khăn nhất thời. Ngành hàng không sẽ luôn phát triển vì nhu cầu đi lại bằng phương tiện này ngày một tăng cao.

Tại Mỹ, hàng không đã phục hồi và vượt qua mức trước đại dịch. Ngày 7/7, cả nước Mỹ ghi nhận trên 3 triệu lượt khách đi máy bay, trở thành kỷ lục mới tại quốc gia này. Toàn bộ 10 hãng hàng không lớn nhất thế giới đều báo cáo doanh thu trên 10 tỷ USD vào năm 2023.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay. Ngay cả khu vực phục hồi chậm nhất là châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ đạt lợi nhuận 1,1 tỷ USD. Cục Hàng không Việt Nam dự báo thị trường hàng không Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung của thị trường khu vực.

Các hãng sản xuất máy bay lớn trên thế giới đã bắt đầu tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Cuối năm 2022, hãng máy bay sang trọng bậc nhất thế giới Gulfstream đến tổ chức triển lãm giới thiệu dòng máy bay chủ lực của mình là G700, G650ER, G600.

ght8h8bbsaajlig.jpg
Vân Đồn là một trong những sân bay đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đón máy bay C919. Ảnh: SCMP.

Đầu năm nay, tập đoàn COMAC của Trung Quốc cũng lựa chọn Vân Đồn là địa điểm tổ chức sự kiện COMAC Air Show giới thiệu dòng máy bay C919 và ARJ21.

Ông Đàm Vạn Canh, Chủ tịch COMAC Air, cho biết cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được trang bị đồng bộ công nghệ, hạ tầng tiên tiến… chính là điều kiện mà các hãng hàng không Trung Quốc đang tìm kiếm để mở đường bay.

Trong cuộc làm việc với Phó Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc Lý Học Lợi, Chủ tịch UBND Quảng Ninh Cao Tường Huy đề nghị phía Trung Quốc nghiên cứu mở các tuyến bay kết nối các tỉnh, thành phố của nước này với Quảng Ninh.

Mục tiêu của tỉnh là đưa sân bay Vân Đồn thành một trung tâm vận tải của Việt Nam, cửa ngõ trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN.

TẦM NHÌN DÀI HẠN

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một phần trong tầm nhìn đầu tư dài hạn của Sun Group trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ cảng hàng không, tập đoàn này còn xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Cảng tàu biển Hạ Long - Bãi Cháy đón tàu du lịch quốc tế tải trọng lớn. Đây đều là những công trình có số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và cần ít nhất 50 năm để thu hồi vốn.

Ông Dũng chia sẻ cảng hàng không quốc tế Vân Đồn ngay từ đầu đã được đầu tư bài bản, hướng tới hoạt động lâu dài. Đây là thành viên trẻ nhất trong hệ thống cảng hàng không tại Việt Nam và cũng là sân bay đầu tiên do tư nhân xây dựng.

Tập đoàn Sun Group đã chi 7.463 tỷ đồng để biến khu đất rộng 345 ha tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn thành sân bay cấp 4E, đón được những tàu bay phổ biến như Airbus A320, A321, Boeing 737 và tàu bay thân rộng Boeing B787, Airbus A350 và tương đương.

z62_6302(1).jpg
Ngay từ đầu, Vân Đồn được đầu tư trở thành cảng hàng không quốc tế với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Đường cất hạ cánh dài 3,6 km, rộng 45 m là một trong những đường băng dài nhất Việt Nam. Đài không lưu có mức đầu tư 178 tỷ đồng, cao 42 m với tầm nhìn 360 độ. Hệ thống dẫn đường bay ILS Cat II có khả năng bao quát vùng trời bán kính 30 km. Một số hệ thống vận hành chỉ có ở sân bay này như nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật...

Đến năm 2030, Vân Đồn dự kiến nâng công suất lên 5 triệu khách/năm và trở thành sân bay xanh. Mục tiêu đến năm 2050, sân bay mở rộng quy mô lên 470 ha để có thể đón 12 triệu khách/năm.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế Chính phủ, nhìn nhận hạ tầng giao thông chính là nhân tố đi đầu, kéo theo sự hồi phục của nền kinh tế thông qua thúc đẩy hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch. Đặc biệt hàng không sẽ là con đường ngắn nhất giúp Việt Nam vươn ra thế giới.

Các chuyên gia quốc tế tính toán rằng hàng không tăng trưởng 2,5% thì góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP. Trong 10 năm gần đây, hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 18% mỗi năm, đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á.

GIẢI PHÁP

Để tháo gỡ khó khăn, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn gia tăng kết nối với các đơn vị lữ hành, các tour du lịch trong và ngoài nước, đồng thời phối hợp với các khối của tập đoàn Sun Group bao gồm khách sạn và khu vui chơi giải trí. Ông Hoàng Văn Dũng cho biết hành khách bay tới Vân Đồn sẽ được giảm giá vào cửa Sun World từ 300.000 đồng xuống còn 50.000 đồng/vé.

Tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ thu hút hành khách qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Hành khách đến và đi qua sân bay được miễn phí tham quan trên Vịnh Hạ Long, Khu di tích và danh thắng Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh, vé xe buýt từ cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Hạ Long và ngược lại.

Tới đây cảng sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa và hangar sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay. Theo tiết lộ của ông Dũng, nhà đầu tư đã về khảo sát 9 lần, khoanh vùng được khu đất 84 ha xây dựng điểm bảo dưỡng được 3 tàu bay Code E như Airbus A350, Boeing 787 cùng lúc. Các thủ tục pháp lý cần thiết đang được nhà đầu tư xúc tiến.

dji_0263.jpg
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Ảnh: VDO.

Đầu năm nay, chương trình phát triển đô thị sân Vân Đồn đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt với tầm nhìn biến nơi đây trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp. Trước đó, quy hoạch tổng thể dự án đô thị sân bay Vân Đồn đã được tỉnh phê duyệt vào tháng 8/2021.

Đô thị sân bay đang là xu hướng ở các nước phát triển như khu đô thị quốc tế Songdo của Hàn Quốc và tại Schiphol, Amsterdam của Hà Lan. Khi xây dựng xong đây sẽ là một trong những đô thị sân bay đầu tiên của Việt Nam cùng với Long Thành (Đồng Nai) và Cam Lâm (Khánh Hòa).

Ngoài ra, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng được đánh giá là một trong những sân bay có cảnh quan ấn tượng khi nhìn qua cửa sổ máy bay với vị trí nằm cạnh Vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên (nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội), nhận định kinh tế khó khăn khiến các dự án đầu tư sẽ cần nhiều thời gian hơn để hoàn vốn. Tuy nhiên, ông cho rằng rằng việc xây dựng sân bay là bước đi đúng đắn của Sun Group.

"Hàng không không phải nguồn thu chính mà là hạ tầng quan trọng làm tăng thu hút đến những khu du lịch, khu đô thị của doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh", Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên đánh giá.

Nổi bật
Mới nhất
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chờ ngày vươn mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO