Phương tiện bay không người lái (UAV) một mặt giúp cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn, nhưng mặt khác khiến chiến tranh thêm phần phức tạp, khó lường.
Trong hoàn cảnh chiến sự, ngay cả các trang thiết bị dân sự cũng có thể trở thành vũ khí. Binh sĩ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine có lẽ là những người hiểu rõ điều này nhất.
Trên chiến trường tỉnh Dnipropetrovsk, Ukraine, một người lính có bí danh “Kakrurt” thuộc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 35 của Ukraine chia sẻ về vũ khí của mình: Một UAV thương mại bốn động cơ trị giá 300 USD có khả năng mang thuốc nổ.
“Chúng tôi đã tiêu diệt xe tăng, trang thiết bị quân sự hạng nặng và nhân lực của đối phương. Đây là khí tài rất hiệu quả”, Kakrurt nói, theo bài viết được Reuters đăng tải tháng 5/2023. “Chúng tương đối dễ sử dụng và phù hợp với mục tiêu của chúng tôi”.
Câu chuyện của Kakrurt thể hiện tính “lưỡng dụng” của UAV: Một mặt, thiết bị này giúp đỡ con người tiết kiệm thời gian và công sức lao động, mặt khác, nó có thể trở thành vũ khí đáng sợ trên chiến trường.
Thị trường trị giá hàng tỷ USD
Mới 20 năm trước, “máy bay không người lái” vẫn là khái niệm tương đối xa lạ. Giờ đây, UAV đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, trở thành bộ phận quan trọng của ngành hàng không.
Flycam có lẽ là loại UAV quen thuộc, xuất hiện nhiều nhất trong đời sống hàng ngày. Ngoài mục đích chụp ảnh thông thường, flycam còn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác, từ tìm kiếm cứu nạn, khảo sát đất đai đến kiểm tra hệ thống điện ở những khu vực xa xôi hẻo lánh…
Bên cạnh đó, những năm gần đây, công nghệ vận chuyển hàng hóa bằng UAV đã được thí điểm ở hàng loạt quốc gia, từ Trung Quốc, UAE tới Mỹ. Công nghệ này đặc biệt hữu dụng ở những khu vực khó tiếp cận.
Kể từ tháng 8/2023, hàng hóa và thư từ gửi đến hai hòn đảo hẻo lánh tại quần đảo Orkney, miền Bắc nước Anh, được vận chuyển bằng UAV thay vì bằng phà như trước. Đây là tuyến vận chuyển cố định sử dụng UAV đầu tiên trong mạng lưới bưu chính Anh. Nhờ công nghệ UAV, hệ thống bưu chính kết nối các cộng đồng hẻo lánh "đang trải qua một cuộc cách mạng", giúp vận chuyển hàng hóa hiệu quả hơn.
Theo báo cáo của hãng tư vấn McKinsey, tổng số đơn hàng được giao bằng UAV năm 2022 đã tăng tới 80% so với năm 2021, đạt con số gần 875.000 đơn trên toàn thế giới. Ước tính tổng số đơn hàng trong năm 2023 đạt 1,044 triệu, lập kỷ lục mới.
Trong khi đó, theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường UAV giao hàng toàn cầu tăng trưởng trung bình 42,65%/năm trong giai đoạn 2023-2028, từ 1,97 tỷ USD lên tới 11,66 tỷ USD.
Châu Á - Thái Bình Dương là thị trường vận chuyển hàng hóa bằng UAV lớn nhất, chiếm 43% tổng số đơn hàng trong nửa đầu năm 2023. Châu Phi chiếm 32% - tăng mạnh so với con số 13% của năm 2022. Trong khi đó, Bắc Mỹ và châu Âu - nơi tập trung các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới - chỉ chiếm lần lượt 15% và 9% thị phần.
Trong nông nghiệp - đặc biệt ở các nông trại lớn - UAV giúp tiết kiệm đáng kể sức lao động. Nhờ thiết bị này, nông dân có thể rải phân bón, phun thuốc trừ sâu hay kiểm tra mùa màng mà không cần tốn công tới từng khoảnh ruộng.
UAV cũng dần trở thành nhân vật chính của các buổi trình diễn ánh sáng về đêm. Nhiều công ty tổ chức sự kiện chuộng UAV vì nó không gây ra nguy cơ cháy rừng hay ô nhiễm, trong khi có thể phô diễn khả năng tạo hình đẹp mắt.
Tham gia chiến sự
Dù vậy, sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhìn vào các ứng dụng dân sự của UAV. Trên thực tế, giống như các phương tiện hàng không nói chung, việc sử dụng UAV phục vụ mục đích quân sự không phải điều quá mới mẻ khi chúng đã xuất hiện ở nhiều điểm nóng trong suốt thế kỷ XX. Tuy nhiên, tác dụng vượt trội của UAV trong quân sự chỉ được nhắc đến rộng rãi sau cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh năm 2020.
Giới phân tích quân sự nhận định UAV là nhân tố then chốt giúp Azerbaijan giành chiến thắng tại Nagorno-Karabakh chỉ sau chưa đầy hai tháng. UAV cho phép quân đội Azerbaijan tìm kiếm, xác định và tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao. Thậm chí, binh sĩ và khí tài Armenia ở hậu phương cũng không thoát khỏi phạm vi tìm diệt.
“Dù Armenia triển khai một số UAV tự sản xuất - các đoạn video sau này cho thấy họ dùng cả UAV Orlan-10 của Nga - Azerbaijan mới là bên kiểm soát bầu trời”, hai nhà nghiên cứu Shaan Shaikhand và Wes Rumbaugh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), chỉ ra.
Tuy vậy, việc sử dụng UAV phục vụ mục đích quân sự kèm theo nhiều mặt trái. Một trong số đó là nguy cơ gây thương vong cho dân thường. Theo số liệu của Cơ quan Báo chí Điều tra (BIJ), khoảng 800-1.750 người dân đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Mỹ tại Afghanistan, Pakistan, Somalia và Yemen trong giai đoạn 2002-2020.
Quản lý thế nào?
Trước sự phát triển nhanh chóng của UAV, giới chức hàng không các quốc gia đang dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường quản lý. Cuối tháng 11/2023, Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (CAA) đề xuất quy định yêu cầu mọi phi công điều khiển UAV - kể cả loại dưới 250 gram, thường được sử dụng để quay phim và chụp ảnh - phải làm bài kiểm tra năng lực trực tuyến. Trước đó, bài kiểm tra này chỉ áp dụng cho các UAV từ 250 gram trở lên.
“Đề xuất này giúp quy định của Anh về UAV phù hợp với hiện tại lẫn tương lai. Chúng tôi muốn người dùng hiểu rõ các điều khoản này và đảm bảo rằng họ tuân thủ tiêu chuẩn an toàn - an ninh cần thiết”, ông Kevin Woolsey, lãnh đạo bộ phận phụ trách UAV tại CAA, nói.
Trung Quốc cũng thắt chặt kiểm soát hoạt động của UAV trên khắp đất nước. Cuối tháng 6/2023, Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương Trung Quốc ban hành “Quy định tạm thời về quản lý bay đối với máy bay không người lái”, có hiệu lực từ 1/1/2024. Theo đó, chủ sở hữu UAV cần xuất trình giấy tờ chứng minh nhân thân khi đăng ký với cơ quan chức năng.
Ngược lại, quy định của luật pháp quốc tế về sử dụng UAV vì mục đích quân sự hiện còn nhiều lỗ hổng. “UAV không được nhắc đến trực tiếp trong các hiệp ước về vũ khí hay các công cụ pháp lý của luật nhân đạo quốc tế”, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) chỉ ra.
“Đa số đồng thuận rằng về bản chất, UAV không phải khí tài bất hợp pháp theo luật quốc tế. Tuy nhiên, cách thức áp dụng điều khoản cụ thể của luật chiến tranh hay luật nhân đạo vào hoạt động của UAV là vấn đề còn nhiều bất đồng”, ông Christof Heyns, cựu Ủy viên Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc cùng các cộng sự nhận định.
Bản thân chính sách của các nước cũng không nhất quán. Ngay trong ngày ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ (20/1/2021), Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan yêu cầu quân đội và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) xin phép Nhà Trắng nếu muốn dùng UAV không kích những nơi binh sĩ Mỹ hiện diện hạn chế như Yemen và Somalia.
Trước đó, dưới thời Tổng thống Donald Trump, quân đội và CIA có quyền tự quyết dựa trên tình hình thực địa, miễn là thỏa mãn một số điều kiện nhất định.