Tro bụi núi lửa có thể làm tê liệt hàng không, như khi núi lửa ở Iceland phun trào năm 2010 khiến hơn 100.000 chuyến bay bị hủy, 7 triệu hành khách mắc kẹt và thiệt hại tới 2,5 tỷ euro. Tại Indonesia, mỗi năm, nhiều sân bay phải đóng cửa do hoạt động núi lửa. Trước mối đe dọa ngày càng lớn, ngành hàng không buộc phải có biện pháp ứng phó hiệu quả hơn.
Khi một núi lửa phun trào, hàng tấn tro bụi có thể bị đẩy lên bầu khí quyển và lan rộng trên diện tích hàng nghìn km2. Đám mây tro này có thể đạt độ cao từ 9.000-12.000 m, trùng với tầm bay của hầu hết máy bay thương mại. Tro bụi núi lửa chứa các hạt thủy tinh và khoáng chất có tính ăn mòn cao, có thể gây hỏng động cơ máy bay, làm mờ kính chắn gió và ảnh hưởng đến hệ thống điện tử.
Một trong những sự cố nghiêm trọng nhất liên quan đến tro bụi núi lửa xảy ra vào năm 1982 khi chuyến bay số 9 của British Airways bay vào đám mây tro từ núi lửa Galunggung ở Indonesia. Tất cả 4 động cơ của chiếc Boeing 747 ngừng hoạt động khiến máy bay rơi tự do trong vài phút. Khi đó, phi hành đoàn còn quan sát thấy hiện tượng phóng điện tĩnh St. Elmo’s Fire trên kính lái, một dấu hiệu đặc trưng khi bay vào vùng có tro bụi.
Cơ trưởng Eric Moody nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng đó: “Đột nhiên, kính chắn gió sáng rực như thể bị bao phủ bởi ánh sáng St. Elmo. Chúng tôi chưa từng thấy điều gì tương tự trước đây”. May mắn, phi hành đoàn đã khởi động lại được động cơ và hạ cánh an toàn.
Tác động của tro bụi núi lửa lên ngành hàng không không chỉ dừng lại ở những sự cố cá biệt mà có thể gây ra gián đoạn trên quy mô toàn cầu. Một trong những ví dụ điển hình nhất là vụ phun trào núi lửa Eyjafjallajökull ở Iceland năm 2010.
Đám mây tro bụi khổng lồ từ vụ phun trào này đã khiến toàn bộ không phận châu Âu bị phong tỏa trong nhiều ngày, làm tê liệt hơn 100.000 chuyến bay, ảnh hưởng đến 7 triệu hành khách và gây thiệt hại từ 1,5 đến 2,5 tỷ euro. Các sân bay lớn như Heathrow (Anh), Charles de Gaulle (Pháp) và Frankfurt (Đức) gần như đóng cửa hoàn toàn, trong khi hành khách bị mắc kẹt không có phương án thay thế.
Bên cạnh Eyjafjallajökull, những vụ phun trào gần đây như Lewotobi Laki-Laki (Indonesia, 2024) cũng gây tác động nghiêm trọng. Núi lửa này đã khiến hơn 80 chuyến bay đến và đi từ Bali bị hủy do tro bụi bao phủ không phận. Các hãng như Jetstar, Qantas và Virgin đã buộc phải tạm dừng khai thác, trong khi sân bay quốc tế Ngurah Rai phải đóng cửa tạm thời để đảm bảo an toàn.
Trước mối nguy hiểm từ tro bụi núi lửa, ngành hàng không toàn cầu đã triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu rủi ro. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là thiết lập Trung tâm Tư vấn Tro bụi Núi lửa (VAAC), do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) điều phối. Các VAAC sử dụng dữ liệu từ vệ tinh, radar và báo cáo từ phi công để giám sát và cảnh báo sớm về hoạt động núi lửa, giúp các hãng hàng không điều chỉnh lộ trình bay phù hợp.
Hiện nay, có 9 VAAC trên toàn thế giới đặt tại London, Toulouse, Tokyo, Darwin, Anchorage, Montreal, Washington, Wellington và Buenos Aires. Mỗi trung tâm chịu trách nhiệm giám sát một khu vực nhất định và phát hành các thông báo tư vấn tro bụi (Volcanic Ash Advisory) để cảnh báo các cơ quan kiểm soát không lưu và hãng hàng không.
ICAO cũng đã ban hành tài liệu hướng dẫn số 9974, cung cấp các phương án đánh giá rủi ro và quản lý chuyến bay trong điều kiện có tro bụi núi lửa. Tổng Thư ký ICAO Raymond Benjamin nhận định: “Các tác động đến du lịch hàng không của vụ Eyjafjallajökull là chưa từng có. Nó buộc chúng tôi phải điều chỉnh các tài liệu hướng dẫn để phù hợp với những tiến bộ công nghệ và khoa học mới nhất”.
Ngoài việc giám sát, các hãng hàng không cũng chú trọng hơn đến việc đào tạo phi công về quy trình xử lý khi gặp tro bụi núi lửa. Phi hành đoàn được huấn luyện để nhận diện dấu hiệu tro bụi, thực hiện các bước an toàn như thay đổi độ cao hoặc lộ trình nhằm tránh nguy cơ động cơ bị hỏng. Một số hãng còn trang bị cảm biến phát hiện tro bụi trên máy bay, cho phép phi công đưa ra quyết định kịp thời để tránh các vùng không khí bị ô nhiễm.
Bên cạnh đó, Airbus và Nicarnica đang phát triển hệ thống cảm biến AVOID (Airborne Volcanic Object Imaging Detector), giúp phát hiện mây tro từ khoảng cách 100 km bằng tia hồng ngoại. Nếu được triển khai rộng rãi, công nghệ này sẽ cho phép phi công tránh vùng nguy hiểm mà không cần phụ thuộc hoàn toàn vào cảnh báo mặt đất.
Bên cạnh đó, các chính phủ và tổ chức hàng không trên thế giới cũng phối hợp chặt chẽ hơn trong việc lập kế hoạch ứng phó. Khi núi lửa Merapi ở Indonesia phun trào vào tháng 3/2020, chính quyền nước này đã nhanh chóng nâng cảnh báo hàng không lên mức cao nhất, yêu cầu các hãng hàng không tạm dừng khai thác trong khu vực bị ảnh hưởng. Cơ quan Quản lý Thảm họa Indonesia (BNPB) cũng đưa ra các hướng dẫn an toàn, yêu cầu hành khách và nhân viên sân bay đeo khẩu trang và tránh xa khu vực nguy hiểm.
Một số quốc gia như Nhật Bản và Indonesia còn áp dụng hệ thống cảnh báo màu cho hàng không, phân loại nguy cơ từ xanh (an toàn), vàng (cảnh giác), da cam (nguy hiểm cao) đến đỏ (cực kỳ nguy hiểm, cấm bay). Hệ thống này giúp các hãng hàng không chủ động điều chỉnh lịch trình bay khi có dấu hiệu núi lửa hoạt động mạnh.
Những vụ phun trào như Eyjafjallajökull (2010), Agung (2017), Sinabung (2018) hay Puyehue-Cordón Caulle (2011) đã cho thấy tầm quan trọng của việc giám sát hoạt động núi lửa và sự phối hợp giữa các cơ quan hàng không. Việc dự báo sớm, chuẩn bị phương án ứng phó linh hoạt và nâng cao công nghệ giám sát tro bụi là những giải pháp then chốt giúp ngành hàng không đảm bảo an toàn cho hành khách và giảm thiểu tác động tiêu cực từ các vụ phun trào núi lửa trong tương lai. Khi biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của các hoạt động núi lửa, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và tổ chức hàng không càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.