Bamboo

Tính toán của Bamboo khi bỏ đường bay ra Côn Đảo

Đức Huy 28/02/2024 15:43

Trước thông tin Bamboo dừng khai thác đội tàu bay Embraer 190, đường bay ra Côn Đảo sẽ chỉ còn một nhà cung cấp, hành khách không còn sự lựa chọn.

Tàu bay Embraer tại sân bay Cỏ Ống của Côn Đảo. Nguồn: Bamboo Airways.
Tàu bay Embraer tại sân bay Cỏ Ống của Côn Đảo. Nguồn: Bamboo Airways.

Tháng 2 đến tháng 4 là khoảng thời gian người dân, du khách đến Côn Đảo rất đông. Đây cũng là những tháng thời tiết tại khu vực này ổn định cho các hoạt động du lịch khác. "Điều đáng buồn là Bamboo Airways lại dừng khai thác chặng bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo khiến không ít hành khách phải thất vọng. Một số người thậm chí còn đẩy lịch đi sớm hơn để không phải bay transit", chị Nguyễn Thị Hạnh (đại diện công ty Hải Đăng Travel) bày tỏ.

Việc dừng khai thác, trả bớt tàu bay ở các chặng không còn hiệu quả là một trong những lý do được Bamboo đưa ra nhằm xây dựng một đội bay tinh gọn, hiệu quả có sức cạnh tranh tốt hơn ở các tuyến chính.

Chỉ còn một đội tàu bay

Ngay khi lịch bay mùa đông kết thúc vào cuối tháng 3/2024, Bamboo Airways sẽ chấm dứt sớm hợp đồng thuê 3 tàu bay Embraer E190. Đây là những máy bay đã phục vụ các chặng Hà Nội và TP.HCM đi Côn Đảo, Huế và từ Hà Nội đi Đồng Hới (Quảng Bình). Để có thể trả tàu sớm, hãng hàng không Tre Việt và bên cho thuê tàu đã phải thương thảo và đưa ra phương án tránh bị phạt.

Theo lời CEO Bamboo, ông Lương Hoài Nam, trong quá trình khai thác, tàu bay Embraer không cho thấy hiệu quả rõ rệt. Mức tiêu thụ nhiên liệu ngang với A320/321 nhưng số hành khách chỉ bằng một nửa. Nguyên nhân khác còn có thể kể đến là điểm nạp nhiên liệu. Tàu Embraer bay từ Hà Nội vào Côn Đảo phải tính toán đủ dầu để quay ra Tân Sơn Nhất lấy xăng, dầu. Sau đó mới bay trở lại Côn Đảo và về Hà Nội.

Tàu bay Embraer tại sân bay Cỏ Ống của Côn Đảo. Nguồn: Bamboo Airways.
Tàu bay Embraer tại sân bay Cỏ Ống của Côn Đảo. Nguồn: Bamboo Airways.

Nhiều sân bay đang trong quy hoạch nâng cấp lên tiêu chuẩn 4C, 4E để đón các tàu bay 240 đến 340 chỗ, cùng với đó là xu hướng vận tải chuyển từ mô hình hub and spoke (trục nan) sang point to point (điểm tới điểm). Do vậy, những đội tàu bay nhỏ như Embraer sẽ khó trụ vững tại thị trường Việt Nam.

Trước đó, Bamboo cũng đã từ bỏ đội tàu bay Boeing B787-9. Các chuyến bay đường dài như Hà Nội - Hàn Quốc, Hà Nội - London, TP.HCM - Singapore… dừng khai thác.

Mục tiêu của hãng hiện tại là tập trung vào thị trường nội địa, trong đó có các chặng có thể tăng tính cạnh tranh với Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines là Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và ngược lại. Đồng thời, bên cạnh việc tiết kiệm nhiên liệu, Bamboo hướng đến việc tiết kiệm chi phí đào tạo, chi phí bảo dưỡng, kho phụ tùng vật tư. Ở Việt Nam đã có sẵn hạ tầng bảo dưỡng máy bay, huấn luyện, đào tạo cho dòng máy bay A320/321, Bamboo không phải mất công gửi máy bay hay nhân lực sang châu Âu để đào tạo như trước nữa.

Vận hành như hãng hàng không giá rẻ

Đội tàu bay hiện tại của Bamboo Airways gồm các tàu thân hẹp Airbus A320/321. Độ tuổi trung bình của đội tàu này là 9,4. Đây là dòng máy bay được đánh giá mang lại lợi ích về kinh tế khá cao. Chính vì vậy, không chỉ Bamboo, các hãng khác tại Việt Nam cũng khai thác A320/321 rất nhiều. Đơn cử như Vietjet có tới 82 tàu bay này.

Việc sử dụng một đội tàu bay duy nhất cũng tương ứng chiến lược với các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới như AirAsia hay Ryan Air. Nhờ việc sử dụng một đội tàu bay, hãng không phải tốn công đào tạo phi công. Một người có thể lái được bất kỳ tàu nào trong đội. Đồng thời, tất cả các phi hành đoàn cũng quen thuộc với một không gian cabin nên linh hoạt hơn. Phương hướng này thể hiện Bamboo sẽ tập trung hơn vào phục vụ hành khách ở khoang phổ thông bởi tỷ lệ khách đi hạng thương gia ở Việt Nam vẫn còn thấp.

Ông Võ Huy Cường (nguyên Phó cục trưởng Cục Hàng không) nhận định: “Giảm đường bay ra Côn Đảo, Đồng Hới cho thấy Bamboo Airways đang nỗ lực tái cấu trúc lại đường bay, tăng khai thác, tăng năng lực cạnh tranh và có cơ hội lớn hơn trong trục Bắc - Nam bằng đội tàu bay hiện có. Giữ được slot cất hạ cánh ở các sân bay lớn thì mới có thể phát triển”.

Các slot bay là điều quan trọng đối với các hãng hàng không. Chỉ khi có nhiều slot bay, hãng mới có thể mở rộng việc bán vé cho hành khách, đưa ra nhiều sự lựa chọn hơn. Bên cạnh đó, hãng cũng không phải rơi vào tình trạng hủy chuyến, chậm chuyến vì hết slot bay. Từ đó, duy trì được chỉ số bay đúng giờ (OTP) vốn vẫn khá cao trong năm 2023 (90,6%).

Sân bay Cỏ Ống hiện chỉ còn hãng Vasco khai thác. Nguồn: Sân bay Cỏ Ống.
Sân bay Cỏ Ống hiện chỉ còn hãng Vasco khai thác. Nguồn: Sân bay Cỏ Ống.

Đồng thời, khi tập trung hơn vào trục Bắc - Nam, Bamboo sẽ gia tăng cơ hội cạnh tranh được với Vietjet Air, Vietnam Airlines. Lượng khách cũng ổn định hơn so với các chặng khác như Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Rạch Giá hay một số chặng quốc tế trước đây. Trong các chặng kể trên, có những đường bay thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết theo mùa nên không thể tránh khỏi tình trạng bay không đủ khách. Vì vậy, Bamboo dồn sức vào trục Bắc - Nam cũng là để giảm hạn chế từ những tháng thấp điểm, lượng khách tụt giảm sâu, khó duy trì.

Dù vậy, động thái bỏ đường bay của Bamboo Airways sẽ đẩy chặng bay ra Côn Đảo trở về thế độc quyền của Vasco. Đội tàu bay Embraer sẽ không còn khai thác các đường bay nhỏ nữa, sự lựa chọn của hành khách đi ra những điểm khác như Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau trở nên hạn chế.

Người dân chỉ có thể trông đợi một đường bay thẳng từ Hà Nội và Côn Đảo trong bối cảnh Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra chủ trương mở rộng, kéo dài đường băng ở sân bay Côn Đảo để máy bay A320/321 cất/hạ cánh.

Vào tháng 4/2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đồng huy động nguồn vốn, xây dựng đề án xã hội hóa vốn đầu tư Cảng Hàng không Côn Đảo. Sân bay dự kiến nâng cấp lên tiêu chuẩn 4C với công suất 2 triệu khách/năm. Tuy nhiên, điều này sẽ phải tính bằng năm trước khi đi vào hiện thực hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tính toán của Bamboo khi bỏ đường bay ra Côn Đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO