Chính sách

Thủ tướng: Cần cơ chế khai thác không gian vũ trụ, không gian biển

Nam Bình 22/02/2025 07:41

Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng cơ chế, chính sách khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm… như xây dựng tàu điện ngầm kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay Long Thành hay từ Cần Giờ về TP.HCM, đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án, khơi thông nguồn lực để sớm đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.

Sáng nay, 21/2, Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tăng trưởng cao nhưng phải bền vững

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phấn đấu đạt 2 mục tiêu 100 năm của cả nước, gồm tới năm 2030 là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao và tới năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện 2 mục tiêu nói trên, tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.

Nhìn chung, các nền kinh tế trở thành nước có thu nhập cao đều duy trì tăng trưởng cao trong khoảng trên dưới 30 năm. Trong khi đó, theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,4% trong gần 40 năm đổi mới từ 1986 đến nay. Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD.

TT Pham Minh Chinh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc tại Hội nghị sáng ngày 21/2. Ảnh: VGP.

“Tuy nhiên, nếu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 7% mỗi năm thì rất khó đạt 2 mục tiêu 100 năm. Như vậy, trong 2 thập kỷ tới cần tăng tốc bứt phá mới có thể đạt mục tiêu chiến lược đề ra. Chặng đường chúng ta đi còn rất gian lao”, Thủ tướng nêu rõ.

Theo Thủ tướng, muốn tăng trưởng được thì phải làm mới các động lực truyền thống đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…

Ngoài ra, khai thác các không gian phát triển mới như không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ. Muốn vậy phải có nguồn lực về con người, vốn, công nghệ, thể chế…

Thủ tướng nêu rõ, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%.

“Không thể chỉ có một vài địa phương, một vài bộ ngành, một vài doanh nghiệp tăng trưởng cao rồi kéo cả nước lên, điều này là rất khó”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng lưu ý rằng, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững, phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sáng xanh sạch đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Nhiều động lực mới cho phát triển kinh tế

Tại Hội nghị, Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Trong khi đó, Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu được giao, ở mức vượt hơn 14%.

Về phía Đà Nẵng, địa phương này sẽ khởi công những dự án lớn được khởi công với tổng vốn trên 100.000 tỷ đồng trong quý I, II/2025. Đặc biệt, Đà Nẵng đang thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội đối với Khu thương mại tự do Đà Nẵng và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng.

Đà Nẵng cũng đang chuẩn bị Đề án Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính khu vực, khẩn trương hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 trong tháng 5/2025 tới đây.

Khu vực sẽ phát triển tổ hợp khu thương mại tự do Đà Nẵng, cảng biển và khu công nghệ cao, công nghệ thông tin (khoanh đỏ) trong toàn cảnh quy hoạch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt của Đà Nẵng. Ảnh: UBND thành phố Đà Nẵng.
Khu vực sẽ phát triển tổ hợp khu thương mại tự do Đà Nẵng, cảng biển và khu công nghệ cao, công nghệ thông tin (khoanh đỏ) trong toàn cảnh quy hoạch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt của Đà Nẵng. Ảnh: UBND thành phố Đà Nẵng.

Riêng với Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức tự tin tăng trưởng 2 con số ngay từ năm 2025. Theo đó, trong năm 2025, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ giao tăng trưởng kinh tế là 10%.

Theo ông Đức, đây là nhiệm vụ nặng nề khi các cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh như sân bay Long Thành, 5 khu đô thị - công nghiệp được Chính phủ phê duyệt chủ trương đang trong quá trình xây dựng, chưa đưa vào sử dụng.

Trong trong ngắn hạn, Đồng Nai sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công năm 2025, ưu triển khai các dự án trọng điểm, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, xây dựng các kế hoạch, chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi nhất đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Phước An... đưa vào sử dụng, tạo điều kiện phát triển những năm tiếp theo.

Đồng Nai cũng đang hoàn thiện hồ sơ thành lập khu công nghệ thông tin tập trung, đề nghị Chính phủ cho phép thành lập khu thương mại tự do, khu công nghệ cao, xây dựng cơ sở dữ liệu số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…; kiến nghị Thủ tướng cho phép nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Sân bay Long Thành là siêu sân bay của Việt Nam với quy mô lên đến 5.000 ha, tổng số vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, công suất khoảng 100 triệu lượt người/năm và hàng hóa 5 triệu tấn/năm. Ảnh: Simple Flying.
Sân bay Long Thành là siêu sân bay của Việt Nam với quy mô lên đến 5.000 ha, tổng số vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, công suất khoảng 100 triệu lượt người/năm và hàng hóa 5 triệu tấn/năm. Ảnh tư liệu.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cũng cho rằng, lĩnh vực giao thông luôn giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, xóa bỏ khoảng cách địa lý, mở ra thị trường và không gian phát triển kinh tế mới cho đất nước, là công cụ tạo động lực tăng trưởng, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp dịch vụ, du lịch phát triển…

Với những nỗ lực của ngành, năm 2024, ngành xây dựng, vận tải và kho bãi ghi nhận đóng góp 12,5% GDP cả nước; trong đó ngành Xây dựng là 6,6%, ngành Vận tải là 5,9%; đóng góp 1,13 điểm % vào mức tăng trưởng 7,09% GDP cả nước.

Về các giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho rằng, ngành GTVT đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm nay, đồng thời, triển khai các dự án đầu tư làm sao để hoàn thành các mục tiêu như trên 3.000 km đường bộ, 1.000 km đường biển, hoàn thành cơ bản Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ với các cảng hàng không

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh đã biểu dương một số địa phương như Bắc Giang, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng cao, trong đó Quảng Ninh đặt mục tiêu 16%, cao hơn cả chỉ tiêu Chính phủ giao (12%).

Sau khi phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo, điều hành. Theo đó, tăng trưởng kinh tế phải nhanh và bền vững, phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao, coi là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng đề nghị phát huy các vùng động lực tăng trưởng gồm Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng (12 địa phương trong 2 vùng này đóng góp 60% GDP), các cực tăng trưởng như Hà Nội và TPHCM (Hà Nội đóng góp 13,2% GDP, 25% thu ngân sách của cả nước, TPHCM đóng góp 17,9%, 25% thu ngân sách cả nước).

Đồng thời, không bỏ quên những vùng khó khăn, 4 vùng còn lại phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để đi lên.

Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Cụ thể, phấn đấu vượt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào cuối năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực tế tiến độ thi công sân bay Long Thành sáng 3/12. Ảnh: Nam Bình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực tế tiến độ thi công sân bay Long Thành hồi đầu tháng 12/2024. Ảnh: Nam Bình.

Cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu…

Khẩn trương khởi động các dự án lớn, trọng điểm như điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng… Tập trung triển khai các dự án khai thác không gian phát triển mới (không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ).

Cũng theo Người đứng đầu Chính phủ, cần xây dựng cơ chế, chính sách khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Chẳng hạn như xây dựng tàu điện ngầm từ Cần Giờ về TP.HCM và giữa sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay Long Thành. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án, sớm khơi thông nguồn lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc xử lý các vấn đề phát sinh cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đặc biệt là già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...

"Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, phải phát huy trách nhiệm với lịch sử, với Đảng, Nhà nước, với Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ ngành khẩn trưởng, tích cực chủ động xử lý các đề xuất, kiến nghị của các địa phương theo tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng: Cần cơ chế khai thác không gian vũ trụ, không gian biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO