Hàng không vũ trụ

Tàu vũ trụ bí mật của Trung Quốc: Sứ mệnh chưa được hé lộ

Hoàng Hà 30/09/2024 11:39

Sau hơn 8 tháng hoạt động trên quỹ đạo, tàu vũ trụ thử nghiệm của Trung Quốc đã hạ cánh an toàn. Tân Hoa Xã tuyên bố sứ mệnh đã “thành công hoàn toàn” nhưng chi tiết về nhiệm vụ và các hoạt động của tàu vẫn chưa được công bố.

Đám đông đang theo dõi ba phi hành gia phóng lên tàu Trường Chinh 2F tại Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan của Trung Quốc vào ngày 30/5/2023. Mẫu tên lửa tương tự được sử dụng để phóng con tàu vũ trụ hồi tháng 12. Ảnh: Getty Images.
Đám đông đang theo dõi ba phi hành gia phóng lên tàu Trường Chinh 2F tại Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan của Trung Quốc vào ngày 30/5/2023. Mẫu tên lửa tương tự được sử dụng để phóng con tàu vũ trụ hồi tháng 12. Ảnh: Getty Images.

Một tàu vũ trụ “thử nghiệm tái sử dụng” của Trung Quốc, được cho là tàu vũ trụ bí mật của nước này, đã trở về Trái Đất sau 268 ngày trên quỹ đạo. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến lớn trong tham vọng không gian của Bắc Kinh.

Con tàu được phóng lên vũ trụ vào ngày 14/12/2023 và quay trở về vào đầu tháng 9/2024. Trong khi tên gọi và thiết kế của tàu vẫn chưa được xác nhận, nhiều nhà quan sát tin rằng đây là mẫu tàu vũ trụ “Thần Long” - một dự án đã được phát triển trong hai thập kỷ qua.

Theo Tân Hoa Xã, tàu vũ trụ này được sử dụng để “kiểm chứng công nghệ tái sử dụng và tiến hành các thí nghiệm khoa học trong không gian theo kế hoạch, nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc khai thác không gian phục vụ mục đích hòa bình”. Tuy nhiên, không có thông tin cụ thể nào được cung cấp thêm, khiến dư luận quốc tế tiếp tục tìm kiếm các thông tin xung quanh chương trình này.

Bí ẩn về sứ mệnh và công nghệ

Kể từ khi Trung Quốc triển khai dự án hàng không vũ trụ năm 2020, rất ít thông tin được công bố cho công chúng. Video từ Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) chỉ hiển thị một dòng chữ: “Công nghệ này quá hiện đại nên không thể công bố”.

CNN đưa tin các chuyên gia đã theo dõi hoạt động của tàu trên quỹ đạo và phát hiện rằng tàu đã thả một vật thể nhỏ được cho là “vệ tinh phụ” vào cuối tháng 5 và sau đó thực hiện thao tác di chuyển quanh vật thể này. Trung Quốc từng thực hiện những thử nghiệm tương tự trong các sứ mệnh trước, cho thấy họ đang không ngừng nâng cao khả năng điều khiển và vận hành trên quỹ đạo.

Juliana Suess, chuyên gia an ninh không gian tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định: “Việc tiếp cận gần với các vật thể khác trong không gian có thể được sử dụng để kiểm tra tình trạng của vệ tinh hoặc dọn dẹp rác vũ trụ. Tuy nhiên, nó cũng có thể được dùng cho những mục đích không lành mạnh, chẳng hạn như đánh chặn tín hiệu hoặc thậm chí gây hư hại vật lý cho các tàu vũ trụ khác”.

Tân Hoa Xã không cung cấp chi tiết về việc tàu vũ trụ đã thả ra những vật thể nào trên quỹ đạo cũng như mục đích cụ thể của các hoạt động này, khiến cho giới quan sát quốc tế tiếp tục đặt câu hỏi về bản chất thực sự của sứ mệnh.

Trung Quoc
Tàu vũ trụ của Trung Quốc được phóng lên hồi tháng 5/2023. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Dù chưa có bằng chứng cho thấy tàu vũ trụ của Trung Quốc được phát triển với mục đích quân sự, theo chuyên gia Clayton Swope, Phó giám đốc Dự án An ninh Không gian tại CSIS: "Dù mục đích chính của tàu vũ trụ này là gì, những kinh nghiệm mà Trung Quốc thu được trong quá trình vận hành sẽ đóng góp đáng kể cho việc phát triển công nghệ không gian của họ".

Cuộc đua không gian với Mỹ

Trung Quốc đang nỗ lực để thu hẹp khoảng cách với Mỹ, quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực không gian nhờ chương trình tàu vũ trụ X-37B. X-37B đã thực hiện tổng cộng 7 sứ mệnh kể từ lần ra mắt đầu tiên vào năm 2010, với sứ mệnh dài nhất kéo dài 908 ngày trên quỹ đạo.

X-37B có khả năng tiến hành nhiều thí nghiệm công nghệ tiên tiến như kiểm tra ảnh hưởng của bức xạ lên vật liệu của NASA và nghiên cứu sự phát triển của cây trồng trong môi trường không gian.

SpaceX 2
Tàu vũ trụ X-37B của quân đội Mỹ cất cánh trong nhiệm vụ thứ 7 lên quỹ đạo bằng tên lửa SpaceX Falcon Heavy vào ngày 28/12/2023. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, các sứ mệnh của tàu vũ trụ Trung Quốc đều kết thúc tại căn cứ quân sự Lop Nur ở Tân Cương, phía tây bắc đất nước nhưng Trung Quốc không cung cấp thông tin chi tiết về những thí nghiệm đã thực hiện hoặc kế hoạch cho các sứ mệnh tiếp theo.

“Không có gì ngạc nhiên khi người Trung Quốc quan tâm đến tàu vũ trụ của chúng ta và chúng ta cũng rất quan tâm đến tàu của họ”, Tướng Chance Saltzman, Chỉ huy trưởng Lực lượng Không gian Mỹ, phát biểu trong một hội nghị vào tháng 12/2023. “Khả năng đưa một vật thể lên quỹ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ, rồi mang nó trở về để phân tích kết quả là một năng lực rất đáng chú ý”.

“Thần Long” - con át chủ bài trong cuộc đua không gian?

Nhiều chuyên gia tin rằng tàu vũ trụ này chính là “Thần Long” - một dự án bí mật đã được phát triển suốt hơn hai thập kỷ qua. Nếu điều này được xác nhận, thành công của sứ mệnh lần này sẽ là một bước tiến lớn cho Trung Quốc, cho thấy nước này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển các phương tiện không gian tái sử dụng, giúp giảm chi phí cho các sứ mệnh trong tương lai.

Tân Hoa Xã nhấn mạnh rằng tàu vũ trụ của Trung Quốc đã mang lại những thành quả quan trọng trong việc “cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc sử dụng không gian một cách hòa bình”. Dù chưa có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang phát triển tàu vũ trụ để sử dụng như vũ khí không gian, những gì nước này đạt được qua các sứ mệnh đều có thể được áp dụng cho mục đích quân sự.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực để trở thành một cường quốc không gian toàn diện và có thể sẵn sàng cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trong tương lai.

Sự thành công của sứ mệnh lần này gửi đi thông điệp rằng Bắc Kinh không chỉ có khả năng chế tạo và vận hành các phương tiện không gian phức tạp mà còn cho thấy họ đã sẵn sàng tiến xa hơn trong cuộc đua chinh phục không gian đầy khốc liệt.

Theo CNN, Business Insider
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tàu vũ trụ bí mật của Trung Quốc: Sứ mệnh chưa được hé lộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO