Các hãng bay bắt đầu mở bán vé máy bay giá ưu đãi hoặc vé 0 đồng cho một số chặng bay vào dịp cuối năm.
Chia sẻ với OpenSky, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết hàng không đang được hưởng lợi khi “cầu tăng, cung giảm”, giúp họ thu lời nhiều hơn. Đứng ở góc độ doanh nghiệp hàng không thì thời điểm giá vé tăng cao chính là “thời cơ” để sớm bù đắp thiệt hại các giai đoạn trước và có cơ sở để vượt qua khó khăn.
“Dù giá cao, các chuyến bay trong giai đoạn này đều chật chỗ, tỷ lệ lấp đầy đạt 90-100%. Vì vậy, ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ vận tải, việc tối ưu hóa lợi nhuận là điều dễ hiểu”, ông nói.
Cũng vì thế, bán vé giá rẻ hay 0 đồng trong thời gian này không thật sự là bài toán kinh tế hợp lý.
Ông Võ Quang Hoàng, CEO Công ty Săn vé rẻ, nhận định các chương trình vé máy bay giá rẻ hay vé 0 đồng có thể xem là một hình thức “xoa dịu" khách hàng của các hãng hàng không. Thực tế, giá vé này không áp dụng ngay cho đợt cao điểm hè mà dành cho các chuyến bay vào thời điểm cuối năm. Khách hàng phải có kế hoạch sớm mới có thể hưởng ưu đãi này.
Tuy nhiên, số lượng vé được áp dụng chương trình khuyến mại không nhiều, được bán theo khung giờ cố định của hãng và thường dành cho các đường bay “lệch đầu". Cộng thêm việc không quen thao tác, phần trăm khách mua được vé ưu đãi theo đúng nhu cầu không nhiều.
“Khách thường mất 3 phút để thao tác đặt vé, nhưng các công ty chuyên săn vé sẽ chỉ mất khoảng 15 giây (sử dụng công cụ tự động)”, ông Hoàng ước tính.
Các chương trình này không quá mới mẻ mà đã xuất hiện nhiều năm nay. Giá vé 0 đồng là giá chưa gồm thuế, phí. Tuỳ vào từng hãng, chi phí khách hàng bỏ ra sẽ khác nhau. Ông Hoàng ước tính theo tình hình thực tế, tổng tiền khách phải chi trả cho một chuyến bay 0 đồng dao động từ 700.000 đồng.
Phó tổng giám đốc thương mại Vietjet Air Nguyễn Bá Toán cho biết bên cạnh giá vé cơ bản là 0 đồng thì khách hàng vẫn phải chi trả thêm một số khoản phí khác. Với chặng TP.HCM - Hà Nội, sau khi tính thêm các khoản thuế, phí giá vé dao động từ 583.000 đồng. Con số này sẽ có sự thay đổi tuỳ theo đường bay.
“Thuế, phí càng cao giá vé càng đắt. 10 năm trước, giá vé 0 đồng đã bao gồm thuế, phí chỉ khoảng 70.000 đồng. Con số này giờ tăng gấp 10", ông Hoàng nói.
Thuế, phí không chỉ áp dụng riêng cho các chương trình ưu đãi mà dành cho tất cả các loại vé. Mức phí này càng cao thì kể cả có là vé 0 đồng, khách hàng vẫn phải trả một mức đáng kể.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Săn vé rẻ, vé máy bay cho cao điểm du lịch hè sắp tới “đã có phần dịu hơn" so với đợt nghỉ lễ 30/4-1/5.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi việc lên kế hoạch sớm, đặt vé xa ngày luôn được các hãng hàng không khuyến cáo để khách hàng có thể mua được vé với mức giá tốt nhất.
Đại diện Vietnam Airlines chia sẻ với OpenSky rằng việc khách hàng hình thành được thói quen này sẽ giúp các hãng hàng không lên kế hoạch và chủ động hơn trong hoạt động khai thác, đặc biệt là những dịp cao điểm.
Bên cạnh đó, việc hãng tung ra thêm chương trình ưu đãi cho các chuyến bay đêm vào thời gian mong muốn giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn với mức giá hợp lý hơn, thay vì tập trung vào các chuyến bay ban ngày, thường được đặt chỗ nhiều.
Cục Hàng không Việt Nam cũng dự báo tình trạng lệch cung cầu sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn hè năm nay. Điều này gây áp lực nhất định lên giá vé nội địa, đặc biệt là các đường bay đến với các điểm du lịch.
Để có được mức giá hợp lý, cơ quan quản lý khuyến cáo hành khách cần sớm xây dựng kế hoạch di chuyển, thực hiện mua vé qua các kênh bán vé chính thức và chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng bay.
Đại diện của một số hãng hàng không cho biết mục đích bán vé giá rẻ là tối ưu hoá doanh thu, kích thích nhu cầu mua vé của khách hàng. Mức giá này được áp dụng vào những tháng cuối năm, tức là sau giai đoạn cao điểm du lịch hè.
Với Vietjet Air, hãng tung ra giá vé rẻ, chương trình khuyến mại trong tháng 9-12, giai đoạn thấp điểm của du lịch nội địa, bao gồm các chương trình khuyến mãi giá 0 đồng hạng vé Eco (chưa gồm thuế, phí và các khoản phụ thu) với nhiều chặng bay nội địa trong khung giờ từ 12-14h mỗi ngày.
Chặng Hà Nội - Phú Quốc, hãng có vé 0 đồng vào các ngày từ chủ nhật đến thứ năm trong tháng 9 với các giờ bay đêm muộn hoặc sáng sớm. Đối với chiều về, giá vé 0 đồng xuất hiện từ thứ ba đến thứ bảy. Nếu may mắn săn được vé 0 đồng ở cả hai chặng, du khách phải trả chưa tới 1,2 triệu đồng/khứ hồi, đã bao gồm thuế phí cho đường bay này. Mức giá này chỉ bằng 1/4 so với các giai đoạn cao điểm hè hay nghỉ lễ.
Ngoài ra, một số đường bay như Hà Nội - Huế, Nha Trang hay TP.HCM đến Nha Trang, Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, Vinh… đều có vé giá dao động 70.000-90.000 đồng (chưa gồm thuế, phí).
Tương tự, hành khách cũng có thể mua vé chặng TP.HCM - Phú Quốc của Vietnam Airlines từ 1.098.000 đồng/chiều (giá vé đã bao gồm thuế, phí). Trong giai đoạn cao điểm hè, hãng đã tăng chuyến đêm và sáng sớm trong giai từ 2.200 lên 5.200 chuyến, tăng 134% so với năm ngoái và tung ra gần 300.000 vé máy bay với giá ưu đãi.
Theo đó, khách hàng có thể mua vé máy bay nội địa với mức giá từ 1.098.000 đồng/chiều cho hạng phổ thông và từ 1.905.000 đồng/chiều cho hạng thương gia (giá này đã bao gồm thuế, phí) với các chuyến bay sáng sớm hoặc tối muộn.
Vietravel Airlines cũng triển khai chương trình vé máy bay giá 8.000 đồng dành cho khách hàng cá nhân. Chương trình diễn ra từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, trong khung giờ 12-14h, áp dụng cho tất cả các đường bay thương mại thường lệ của hãng. Đây là chương trình hãng đã áp dụng từ khi mới thành lập nhằm giúp khách hàng có được mức giá hợp lý hơn.