Hãng bay

Sự lụi tàn của hãng bay biểu tượng nước Mỹ

Thắng Nguyễn 18/07/2024 07:22

Từng định hình ngành hàng không thế giới và được coi là hãng hàng không quốc gia của Mỹ, Pan Am nhanh chóng lụi tàn vì những chiến lược kinh doanh không hiệu quả.

ghows-cc-b5d5ce89-019d-4792-a243-9bd68dea07af-d4e53ca6.jpg
Pan Am từng là biểu tượng văn hóa Mỹ trong thế kỷ 20. Ảnh: Cape Cod Times.

Pan American World Airways, thường được gọi với cái tên Pan Am, là hãng hàng không quốc tế chính của Mỹ trong phần lớn thế kỷ 20. Đúng như khẩu hiệu “Hãng hàng không Mỹ đi ra thế giới”, Pan Am đạt nhiều thành công ở nước ngoài hơn thị trường nội địa.

Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1968, Pan Am chỉ có 226 máy bay - một đội bay nhỏ so với những gã khổng lồ ngày nay như American Airlines (956 máy bay) và Delta Air Lines (879 máy bay). Tuy nhiên, Pan Am đã liên kết các điểm đến ở 86 quốc gia, trên tất cả các châu lục, chỉ trừ Nam Cực.

Bắt đầu từ thủy phi cơ

Pan Am ra đời khi Juan Trippe sáp nhập 3 hãng hàng không nhỏ để thực hiện hợp đồng chuyển phát thư tín quan trọng từ Bưu điện Mỹ. Hãng bắt đầu vận chuyển hành khách và thư báo vào ngày 19/10/1927 theo lịch trình giữa Key West (Florida, Mỹ) và Havana (Cuba).

Trippe là một doanh nhân khôn ngoan và hiểu biết về chính trị. Trong vài năm tiếp theo, Pan Am đã mua lại một số hãng hàng không yếu kém, không còn tồn tại ở Trung và Nam Mỹ. Ông cũng đàm phán với các quan chức bưu chính trong khu vực để giành được một số hợp đồng vận chuyển béo bở.

coming_ashore_at_cat_cay_pahf_ernest_hemingway_collection_jfk_library_rsz.jpg
Chiếc thủy phi cơ đầu tiên của Pan Am. Ảnh: Pan Am Historical Foundation.

Sự nhạy bén của ông được thể hiện khi thuê Charles Lindbergh làm cố vấn cho Pan Am. Lindbergh trở nên nổi tiếng thế giới khi một mình thực hiện chuyến bay thẳng đầu tiên giữa New York và Paris vào tháng 5/1927.

Pan Am nhanh chóng mở rộng sang Nam Mỹ bằng cách sử dụng các tàu bay Consolidated Commodore và Sikorsky S-38. Nhưng Trippe để mắt đến Thái Bình Dương, bất chấp những thách thức to lớn.

Vượt hai đại dương lớn

Pan Am phải khảo sát tuyến đường hàng không vượt biển dài nhất thế giới, đồng thời xây dựng cảng thủy phi cơ và khách sạn trên các hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương.

Pan Am đã ký kết hợp đồng với Boeing để thiết kế, phát triển tàu bay Boeing 314 Clipper đủ lớn và mạnh để vận chuyển trọng tải nặng qua Thái Bình Dương rộng lớn.

Năm 1936, Pan Am khai trương chuyến bay xuyên Thái Bình Dương đầu tiên giữa San Francisco (Mỹ) và Manila (Philippines) với chiếc China Clipper nổi tiếng.

Chỉ 3 năm sau, hãng thực hiện các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên giữa New York (Mỹ) và Lisbon (Bồ Đào Nha) bằng máy bay Yankee Clipper.

fly1019_tak__001-1.jpg
Máy bay China Clipper huyền thoại giúp Pan Am thực hiện chuyến bay vượt Thái Bình Dương. Ảnh: Flying Magazine.

Do đó, Pan Am trở thành hãng hàng không đầu tiên có đường bay thường lệ vận chuyển hành khách và thư tín xuyên Đại Tây Dương.

Pan Am nổi tiếng nhờ phi hành đoàn được đào tạo nghiêm ngặt, điều hướng trên mặt nước chính xác, vận hành thủy phi cơ an toàn và bảo trì lành nghề.

Thế chiến 2 kìm hãm sự phát triển nhưng vào năm 1942, Pan Am trở thành hãng hàng không đầu tiên hoàn thành chuyến bay vòng quanh thế giới.

Đến năm 1947, Pan Am mở chuyến bay thường lệ vòng quanh thế giới đầu tiên từ New York đến New York Eastbound, đều ở Mỹ. Từ thời điểm đó, Pan Am trở thành hãng hàng không quốc tế hàng đầu và giữ danh hiệu này trong khoảng 30 năm tiếp theo.

Định hình hàng không thế giới

Năm 1955, với hy vọng mở cửa thị trường quốc tế và giảm giá vé máy bay, Pan Am cam kết mua 20 máy bay chở khách Boeing 707 và 25 máy bay chở khách Douglas DC-8.

Chuyến bay B707 vào ngày 26/10/1958 là chuyến bay thương mại đầu tiên trên thế giới được thực hiện bằng tàu bay phản lực. Chỉ một năm sau, dịch vụ máy bay phản lực vòng quanh thế giới đã xuất hiện.

Pan Am định hình hàng không quốc tế bằng những khía cạnh như đội bay toàn máy bay phản lực, ra mắt máy bay phản lực cỡ lớn và giới thiệu hệ thống đặt chỗ trên máy vi tính. Hãng cũng là thành viên sáng lập của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA).

Hầu hết hãng hàng không thời kỳ đó đều thuộc sở hữu toàn bộ hoặc một phần của chính phủ nhưng Pan Am - mặc dù thuộc sở hữu tư nhân - là hãng hàng không quốc gia không chính thức của Mỹ. Pan Am cũng là một biểu tượng văn hóa của thế kỷ 20.

82391_1640140738(1).jpg
Boeing 747 làm nên danh tiếng của Pan Am và cũng là nguyên nhân dẫn đến sự đi xuống của hãng. Ảnh: Jet Photos.

Pan Am thực hiện các chiến dịch quảng cáo hào nhoáng hơn bất cứ hãng hàng không nào trong lịch sử. Cái tên Pan Am liên tục xuất hiện trên các bộ phim Hollywood ăn khách, đưa hình ảnh của hãng đến toàn thế giới.

Vào những năm 1960, khi lưu lượng giao thông trên toàn thế giới tăng vọt, Juan Trippe thuyết phục Boeing sản xuất máy bay phản lực đường dài, công suất lớn và Boeing 747 đã ra đời.

Ngày 22 /1/1970, chiếc Pan Am 747 đầu tiên chở hành khách cất cánh từ New York và hướng tới châu Âu.

Sự lụi tàn của một huyền thoại

Tuy nhiên, chính B747 đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái và cuối cùng là sự sụp đổ của Pan Am. Giá nhiên liệu cao vào những năm 1970 do chiến tranh Arab - Israel và mối đe dọa khủng bố nổi lên đã làm tê liệt ngành công nghiệp hàng không. Pan Am gặp khó khi tìm cách lấp đầy số ghế của 747.

s133953274736171074_p28_i2_w3600-scaled.jpg
Lịch sử đáng tự hào của Pan Am. Ảnh: Pan Am Historical Foundation.

Khủng hoảng của Pan Am càng gia tăng sau sự ra đi của Juan Trippe vào năm 1981. Sau Trippe, không ban quản lý nào có thể kiếm được lợi nhuận.

Chuyến bay Pan Am 103 trên một chiếc 747 từ Frankfurt (Đức) đến Detroit (Mỹ) ngày 21/12/1988 bị đánh bom khiến tổng cộng 270 người thiệt mạng đã giáng đòn chí tử vào hãng này.

Thảm kịch này ăn sâu vào tiềm thức của công chúng về những mối đe dọa trên không đối với Pan Am. Mặc dù nỗ lực hết sức để phục hồi, cuối cùng biểu tượng nước Mỹ buộc phải ngừng hoạt động bay vào ngày 4/ 12/1991.

Một hãng hàng không lớn đã đi vào quên lãng.

Theo SPS Aviation
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sự lụi tàn của hãng bay biểu tượng nước Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO