Phản hồi tích cực từ các cơ quan quản lý châu Âu đã làm tăng thêm hy vọng máy bay C919 của Trung Quốc có thể được phép hoạt động tại khu vực này.
Cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU) vừa kiểm tra thực tế máy bay chở khách C919 do Trung Quốc tự sản xuất vào tháng 7 tại Thượng Hải. Chính quyền Trung Quốc tỏ ra lạc quan hơn về việc nhận được chứng nhận của EU cho máy bay vào năm 2025, South China Morning Post (SCMP) dẫn lời một nguồn tin.
"Phái đoàn từ Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) đã đưa ra phản hồi tích cực", người này cho biết.
Các kỹ thuật viên châu Âu trong chuyến làm việc đã vận hành và đánh giá các máy mô phỏng cấp D của C919. Đây là thiết bị buồng lái được thiết kế để mô phỏng quá trình cất cánh, hạ cánh và nhiều trường hợp khẩn cấp khác nhau một cách chân thực nhất có thể.
Các chuyên gia của EASA cũng đã lên một chiếc máy bay C919, dành nhiều giờ để kiểm tra buồng lái, cabin và thảo luận các thông số cụ thể với các đối tác Trung Quốc. Đây là lần thứ hai EASA tiếp xúc với C919 sau chuyến thăm trước đó vào tháng 3.
"Họ quan sát mọi thứ và hỏi rất nhiều chi tiết, đặc biệt hoạt động thương mại của C919 trên các hãng hàng không nội địa", nguồn tin cho biết.
Cuộc kiểm tra vào tháng 7 được thực hiện như một phần của hoạt động trình diễn tuân thủ, giai đoạn thứ ba và quan trọng nhất trong quy trình chứng nhận bốn vòng của EASA.
Trong quá trình trình diễn tuân thủ, nhà sản xuất máy bay phải chứng minh sản phẩm của mình đáp ứng các yêu cầu theo quy định về cấu trúc, động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống điện và hiệu suất bay.
Các nhà phân tích của EASA tiến hành thử nghiệm trên mặt đất, cũng như trong quá trình bay. Đây là giai đoạn dài nhất của quá trình chứng nhận loại.
Không có chuyến bay thử nghiệm nào được tổ chức trong quá trình đánh giá vừa rồi. Việc bay thử nghiệm có thể sẽ được thiết lập vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Các quan chức hàng không Trung Quốc cho biết chuyến làm việc của EASA là bước đột phá khi cơ quan quản lý châu Âu ngày càng tiến xa hơn trong việc hiểu về mẫu tàu bay C919.
Sự chấp thuận của EASA được coi là rất quan trọng đối với việc mở rộng hoạt động ở thị trường nước ngoài của C919. Mẫu máy bay thân hẹp này được cho sẽ cạnh tranh với dòng A320 của Airbus và 737 của Boeing.
COMAC lần đầu tiên nộp đơn xin chứng nhận EASA vào năm 2019. China Eastern Airlines hiện là hãng hàng không duy nhất trên thế giới khai thác loại máy bay này. Hãng có 7 chiếc C919 đang khai thác 5 đường bay kết nối các thành phố lớn nội địa Trung Quốc.
Tính đến cuối tháng 7, C919 đã phục vụ 420.000 hành khách với trên 3.100 chuyến bay. Air China và China Southern Airlines, hai hãng hàng không lớn khác do nhà nước Trung Quốc sở hữu, sẽ nhận được những chiếc C919 đầu tiên của họ trong tháng 8.
Suparna Airlines có trụ sở tại Thượng Hải đã được xác nhận là hãng hàng không tư nhân đầu tiên cam kết mua C919.
Nỗ lực của COMAC nhằm giành được chứng nhận EASA là một phần trong kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu cho máy bay chủ chốt của hãng. Đông Nam Á và Trung Đông là những thị trường mà hãng sản xuất nhắm tới.
Hãng hàng không giá rẻ TransNusa của Indonesia và công ty khởi nghiệp GallopAir của Brunei được coi là những đơn vị mua tiềm năng.
Dù chứng nhận EASA không phải là điều kiện tiên quyết để bán máy bay ra nước ngoài, việc được châu Âu chấp thuận sẽ củng cố danh tiếng và tăng thêm sức hấp dẫn của C919.