Cảng

Sau sân bay Gia Bình, Sun Group muốn đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc

Nam Bình 02/03/2025 16:38

Tập đoàn Sun Group đề xuất được nghiên cứu, đầu tư xây dựng Cảng HKQT Phú Quốc giai đoạn 2 theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT).

Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn Sun Group) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, (giai đoạn 2) theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

Theo văn bản của Tập đoàn Sun Group, Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) sẽ có cấp sân bay 4E, với công suất nhà ga hành khách đáp ứng khoảng 18-20 triệu khách/năm. Công suất ga hàng hóa dự kiến 50.000 tấn/năm và quy mô Nhà ga VVIP dự kiến khoảng 6.000m2.

Đối với đường cất hạ, cánh, sân bay Phú Quốc sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh hiện hữu (đường cất hạ cánh số 1) lên 3.500x45m, quy hoạch mới đường cất hạ cánh mới (đường cất hạ cánh số 2) lên 3.500x45 m, các hệ thống đường lăn kết nối đồng bộ.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cần gấp rút được nâng cấp, mở rộng để phục vụ sự kiện APEC 2027 đang đến gần. Ảnh: ACV.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cần gấp rút được nâng cấp, mở rộng để phục vụ sự kiện APEC 2027 đang đến gần. Ảnh: ACV.

Tổng số vị trí đỗ tàu bay phù hợp với công suất nhà ga hành khách. Về công trình kỹ thuật hàng không, xây dựng hangar phía Bắc của cảng với diện tích dự trữ khoảng 230.000 m2, cùng bãi tập kết phương tiện thiết bị mặt đất (GSE), khu nạp nhiên liệu,...

Các công trình phụ trợ hàng không có quy mô đáp ứng công suất khai thác của cảng. Đồng thời, điều chỉnh vị trí Đài kiểm soát không lưu và hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hoạt động bay đồng bộ.

Nếu được lựa chọn là nhà đầu tư, Sun Group cam kết đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc với công nghệ hiện đại nhất thế giới, hoàn thành dự án trong thời gian từ 16-18 tháng kể từ khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Sun Group cũng cho biết, trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành, khai thác các dự án hạ tầng giao thông theo phương thức PPP (hợp đồng BT và hợp đồng BOT), tập đoàn này đã có nhiều năng lực và kinh nghiệm.

san-bay-van-don-quang-ninh.jpg
Sân bay Vân Đồn, dự án cảng hàng không đầu tiên do Sun Group làm chủ đầu tư, vận hành và khai thác. Ảnh: Sun Group.

Có thể kể đến như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư đồng thời là đơn vị vận hành, khai thác sân bay.

Hiện nay, sân bay Vân Đồn khai thác chuyến bay cố định Vân Đồn - TP. HCM với tần suất trung bình khoảng 6 chuyến/tuần cùng một số chuyến bay charter quốc tế.

Gần đây nhất, Sun Group cũng là đơn vị được chọn để thi công sân bay Gia Bình (Bắc Ninh). Dự án được khởi công hồi đầu tháng 12/2024. Sun Group cam kết hoàn thành xây dựng sân bay Gia Bình trong 12 tháng.

Gia Binh
Minh họa phối cảnh nhà ga sân bay Gia Bình do Sun Group là đơn vị thi công. Ảnh: Sun Group.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, trong thời kỳ 2021-2030 Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc có công suất 10 triệu hành khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm; có 30 vị trí đỗ máy bay, mở rộng khi có nhu cầu tại khu đất dự trữ phát triển sân đỗ máy bay; khai thác các loại máy bay thân rộng.

Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc sẽ giữ nguyên Nhà ga T1 hiện hữu công suất khoảng 4 triệu hành khách/năm phục vụ khai thác quốc nội và quốc tế.

Cùng với đó, quy hoạch mới Nhà ga hành khách T2 về phía Đông nhà ga hành khách T1 hiện hữu, công suất đạt khoảng 6 triệu hành khách/năm; có dự trữ đất để có thể mở rộng Nhà ga hành khách khi có nhu cầu.

Ngoài ra, Sân bay Phú Quốc được quy hoạch nhà khách VIP tại phía Đông đài kiểm soát không lưu để phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 tổ chức tại Phú Quốc.

Sau khi kết thúc Tuần lễ Cấp cao APEC 2027, nhà khách VIP sẽ được sử dụng để khai thác quốc tế hoặc khai thác hàng không chung.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc có công suất được tăng lên 18 triệu hành khách/năm và 50.000 tấn hàng hóa/năm; 45 vị trí đỗ máy bay; giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh đã được quy hoạch trong giai đoạn trước.

Giai đoạn này, sân bay Quốc tế Phú Quốc giữ nguyên Nhà ga T1 hiện hữu công suất khoảng 4 triệu hành khách/năm, phục vụ khai thác quốc nội.

Đồng thời, quy hoạch mở rộng Nhà ga hành khách T2 bảo đảm công suất khai thác khoảng 8 triệu hành khách/năm, phục vụ khai thác quốc nội; quy hoạch bổ sung Nhà ga hành khách T3 về phía Tây nhà ga hành khách T1, công suất đạt khoảng 6 triệu hành khách/năm, phục vụ khai thác quốc tế.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng lập quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc là việc làm cần thiết, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050...

Ngoài ra, yêu cầu nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc là điều cấp thiết nhằm phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 đang đến gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sau sân bay Gia Bình, Sun Group muốn đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO