Tối ưu hóa thời gian quay vòng tàu bay (TAT) không chỉ quyết định thành công của hãng hàng không mà còn giúp giảm chi phí hoạt động, giữ giá vé cạnh tranh, thu hút khách hàng.
Để tối ưu hóa và duy trì TAT, các hãng cần áp dụng chiến lược rõ ràng, khoa học và thực tiễn nhằm cải thiện khả năng khai thác tàu bay và chất lượng dịch vụ.
Để đạt được mục tiêu kể trên, các hãng hàng không cần triển khai một loạt các biện pháp từ lý thuyết đến thực tiễn, kết hợp giữa việc lập kế hoạch chiến lược và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Đặt mục tiêu tối ưu hóa TAT: Các hãng hàng không cần thiết lập các mục tiêu cụ thể về thời gian quay vòng cho từng loại tàu bay và từng sân bay. Đây là bước nền tảng để hãng xây dựng các quy trình và chiến lược nhằm giảm thiểu thời gian dừng đỗ của tàu bay.
Xây dựng và chuẩn hóa quy trình mặt đất: Một trong những yếu tố quan trọng nhất là việc xây dựng các quy trình mặt đất tiêu chuẩn, bao gồm việc đưa hành khách lên/xuống tàu bay, tra nạp nhiên liệu, vệ sinh và kiểm tra kỹ thuật. Các quy trình này phải được tối ưu hóa cho từng loại tàu bay và các tình huống khác nhau. Hầu hết các hãng sử dụng Hướng dẫn phục vụ mặt đất (GOM) dựa trên tiêu chuẩn quốc tế từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).
Kiểm tra và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện: Sau khi xây dựng các quy trình chuẩn, việc giám sát và kiểm tra quá trình thực hiện là cần thiết để đảm bảo các quy trình được tuân thủ đúng. Các công đoạn trong quá trình quay vòng phải được theo dõi kỹ lưỡng để phát hiện những yếu tố làm tăng TAT và có biện pháp cải thiện.
Liên tục cập nhật và điều chỉnh quy trình: Quy trình tối ưu hóa TAT phải được điều chỉnh liên tục dựa trên dữ liệu thực tế từ quá trình vận hành. Điều này bao gồm cả việc xem xét điều kiện sân bay, loại tàu bay và cả tình hình khai thác cụ thể từng ngày. Điều chỉnh này đảm bảo TAT luôn được giữ ở mức tối ưu, đồng thời không gây ảnh hưởng đến an toàn khai thác.
Áp dụng công nghệ và quản lý kỹ thuật hiện đại: Việc áp dụng công nghệ hiện đại, như các hệ thống quản lý chuyến bay và quản lý mặt đất tiên tiến, là yếu tố quan trọng giúp tối ưu hóa TAT. Chuyển đổi số trong quản lý điều hành không chỉ giúp cải thiện quy trình mà còn giúp giảm thiểu rủi ro và sự cố trong vận hành.
Các hãng hàng không lớn tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Bamboo Airways và VietJet Air đều đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm tối ưu hóa thời gian quay vòng tàu bay. Mỗi hãng có các sáng kiến riêng, áp dụng vào thực tế khai thác để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia, đã tiên phong trong việc sử dụng Thiết bị Chất xếp hành lý, hàng hoá Tiêu chuẩn (ULD) để giảm thiểu thời gian quay vòng tàu bay. Sáng kiến này giúp quá trình xử lý hành lý và hàng hóa diễn ra nhanh hơn, đồng thời đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác. Nhờ vậy, Vietnam Airlines đã rút ngắn được đáng kể thời gian quay vòng, giúp tăng số giờ bay trong ngày.
Sáng kiến này không chỉ giúp tăng số chuyến bay khai thác trong ngày mà còn giúp giảm chi phí lao động, nhiên liệu và các dịch vụ mặt đất – những yếu tố thường làm tăng giá vé của khách hàng.
Khi thời gian quay vòng tàu bay được giảm xuống, hiệu suất khai thác máy bay tăng lên. Cụ thể, các tàu bay của Vietnam Airlines, như A320 và A321, đang khai thác với mức trung bình 9-10 tiếng mỗi ngày và hãng đang phấn đấu để giảm thời gian quay đầu từ 45 phút xuống còn 30-35 phút.
Điều này cho phép Vietnam Airlines tối ưu hóa hoạt động khai thác mà không cần tăng chi phí vận hành quá mức. Nhờ đó, hãng có thể duy trì các mức giá vé ổn định, cạnh tranh hơn trên thị trường.
Một lợi ích quan trọng khác của việc tối ưu TAT là giúp Vietnam Airlines giảm thiểu tình trạng trễ chuyến hoặc hủy chuyến do tàu bay quay vòng chậm. Khi thời gian khai thác máy bay hiệu quả hơn, hãng có thể điều chỉnh các chuyến bay và đưa vào các giải pháp vé linh hoạt cho khách hàng, đặc biệt là trong các giai đoạn nhu cầu cao.
Điều này giúp Vietnam Airlines cung cấp dải giá vé từ phân khúc phổ thông đến cao cấp với mức chi phí hợp lý, đồng thời đảm bảo lợi nhuận mà không cần tăng quá nhiều chi phí cho hành khách.
Kết quả, Vietnam Airlines có thể mang lại cho khách hàng các dải giá vé linh hoạt hơn, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, từ những người tìm kiếm giá vé phải chăng đến những hành khách muốn trải nghiệm dịch vụ cao cấp. Nhờ sáng kiến này, hãng không chỉ duy trì được mức giá vé cạnh tranh mà còn tăng được sự hài lòng của hành khách nhờ trải nghiệm bay nhanh chóng, hiệu quả và tiện lợi hơn.
VietJet Air là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam áp dụng quy trình nạp nhiên liệu song song với việc đón và trả khách, nhằm rút ngắn thời gian quay vòng tàu bay. Quy trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận mặt đất và sân bay, đặc biệt là đội cứu hoả phải luôn trong tình trạng sẵn sàng để xử lý sự cố nếu có.
Sáng kiến này không chỉ giúp VietJet Air giảm được thời gian quay vòng mà còn tiết kiệm chi phí vận hành đáng kể, đồng thời tăng số giờ bay trung bình của tàu bay lên 12-13 tiếng/ngày – cao hơn mức trung bình của các hãng hàng không truyền thống. Điều nay cho phép Vietjet Air cung cấp các dải giá vé "mềm", linh hoạt hơn cho khách bay. Sau khi quy trình này được phê duyệt, nó đã trở thành một thực tiễn phổ biến tại nhiều sân bay Việt Nam.
Bamboo Airways nổi bật với khả năng đối phó linh hoạt trong các tình huống bất thường, đặc biệt là việc duy trì lịch bay ổn định ngay cả khi tàu bay gặp sự cố (AOG - Aircraft on Ground). Một trong những sáng kiến đáng chú ý của Bamboo là việc duy trì một động cơ hoạt động trong giai đoạn phục vụ tàu bay quay đầu trong các tình huống đặc biệt. Điều này giúp Bamboo giảm thiểu thời gian tàu bay "nằm sân" và tránh nguy cơ hủy chuyến, đặc biệt trên các tuyến bay nội địa.
Ví dụ, trong trường hợp thiết bị hỗ trợ khởi động động cơ tại sân bay không khả dụng hoặc gặp sự cố, Bamboo Airways có thể linh hoạt sử dụng quy trình này để đảm bảo tàu bay vẫn có thể cất cánh đúng giờ, duy trì tỷ lệ đúng giờ cao và giảm nguy cơ hủy chuyến. Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa lịch bay mà còn tiết kiệm chi phí vận hành đáng kể.
Theo ông Lương Hoài Nam, lãnh đạo của Bamboo Airways, rút ngắn thời gian quay vòng là một yếu tố quan trọng giúp hãng tăng số giờ bay trung bình mỗi ngày, đồng thời giảm thiểu chi phí.
Ông chia sẻ: "Thời gian quay vòng máy bay của các hãng truyền thống là 45-60 phút, còn giá rẻ là 25-30 phút. Chúng tôi sẽ rút ngắn thời gian quay vòng máy bay nhằm tăng giờ bay của máy bay." Việc này không chỉ giúp hãng bay nhiều chuyến hơn trong ngày mà còn tiết kiệm được chi phí, từ đó cung cấp các mức giá vé cạnh tranh hơn cho hành khách.
Nhờ các sáng kiến này, Bamboo Airways có thể duy trì mức giá vé phù hợp với nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng, giúp hãng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường hàng không giá rẻ trong nước và khu vực.
Vào tháng 8/2022, Bamboo Airways đã lập kỷ lục về TAT khi hoàn thành một chuyến bay chỉ trong 11 phút tại sân bay Côn Đảo. Trong tình huống mưa lớn làm trì hoãn chuyến bay từ Tân Sơn Nhất, Bamboo Airways đã lập tức kích hoạt phương án dự phòng để sẵn sàng phục vụ và hoàn tất thủ tục một cách nhanh chóng, giúp tàu bay cất cánh trước khi sân bay đóng cửa vào ban đêm.
Sự thành công của Bamboo trong việc rút ngắn TAT không chỉ nhờ vào quy trình mặt đất được tối ưu hóa mà còn từ sự phối hợp chặt chẽ giữa hãng và các cơ quan quản lý sân bay.
Bên cạnh những sáng kiến và thành công, một số khó khăn vẫn tồn tại cần được khắc phục để cải thiện TAT tại các sân bay Việt Nam. Sân bay Côn Đảo do chưa có hệ thống nạp nhiên liệu dân dụng, buộc các chuyến bay từ các sân bay lớn phải mang đủ nhiên liệu cho chuyến bay trở về. Thời gian nạp nhiên liệu phải được tính vào TAT, gây ra nhiều thách thức cho việc lập lịch bay và quay vòng tàu bay.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, do hạn chế về cơ sở hạ tầng khi Nhà ga T3 chưa hoàn thiện, nhiều chuyến bay nội địa thường phải kéo dài TAT do tình trạng kẹt xe và xung đột giao thông tại khu vực nhà ga. Để đối phó với những thách thức này, các hãng hàng không đã phải điều chỉnh lịch bay và áp dụng các giải pháp linh hoạt, như sử dụng thiết bị hỗ trợ di chuyển hành lý, giúp giảm thiểu tác động đến thời gian quay vòng.
Ryanair, một hãng hàng không giá rẻ của Ireland, đã đưa ra sáng kiến "Khách ưu tiên lên tàu bay trước," cho phép tối đa 100 hành khách mua thêm hành lý xách tay không quá 10kg. Sáng kiến này giúp hành khách cảm thấy có “đặc quyền” và quá trình lên tàu bay diễn ra nhanh chóng hơn, nhờ đó thời gian quay vòng được rút ngắn. Đồng thời, hãng còn tăng doanh thu từ dịch vụ này.
Qantas từ tháng 6/2024 cũng triển khai quy trình mới, chia khách hàng thành các nhóm theo vị trí ghế và hạng thành viên, nhằm giảm ùn tắc và tạo trải nghiệm lên máy bay thoải mái hơn, giúp rút ngắn thời gian quay vòng tàu bay đáng kể.
Việc tối ưu và duy trì thời gian quay vòng tàu bay là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của các hãng hàng không. Các sáng kiến như nạp nhiên liệu trong khi đón khách của VietJet, sử dụng ULD của Vietnam Airlines và khả năng xử lý tình huống khẩn cấp của Bamboo Airways... kể trên đã giúp rút ngắn TAT, tăng hiệu quả khai thác và nâng cao chất lượng dịch vụ. Những cải tiến này giúp các hãng hàng không tại Việt Nam cạnh tranh quốc tế và mang lại trải nghiệm an toàn, tiện lợi hơn cho hành khách.