Dàn chiến đấu cơ sao chép của Trung Quốc (phần 2)
Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển sức mạnh không quân với nhiều dòng máy bay hiện đại, bao gồm những mẫu được cho là kết hợp công nghệ từ Nga và Mỹ.
Trong báo cáo năm 2023 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Lầu Năm Góc lưu ý rằng Trung Quốc có tổng cộng hơn 3.150 máy bay chiến đấu. Nền công nghiệp sản xuất chiến đấu cơ của Trung Quốc đang tiến rất nhanh một phần nhờ tiếp thu các công nghệ từ Nga và Mỹ.
Shenyang J-15: Bản sao của Sukhoi Su-33
Shenyang J-15, còn được gọi là "Flying Shark", là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, hai động cơ, hoạt động trên tàu sân bay của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN).
Một nguyên mẫu Su-33 chưa hoàn thiện tên gọi T-10K-3 đã được Trung Quốc mua lại từ Ukraine vào năm 2001. Việc phát triển J-15 được nước này bắt đầu ngay sau đó.
Được cho là dựa trên cấu trúc của nguyên mẫu Su-33, máy bay chiến đấu nội địa này được trang bị các công nghệ từ chương trình J-11B.
Vào tháng 2/2018, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc tuyên bố rằng J-15 thuộc về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 hoặc 4.5.
Do đó, J-15 được coi là máy bay chiến đấu trên tàu sân bay cho đến khi máy bay thế hệ thứ 5 đi vào hoạt động, có thể là J-20 hoặc J-31/J-35.
Đây là là một máy bay chiến đấu trên tàu sân bay có thiết kế cánh gấp và hình dáng tổng thể giống Su-33, cùng với một số cải tiến của Trung Quốc, như kết hợp nhiều vật liệu tổng hợp hơn để giảm tổng trọng lượng.
J-15 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 31/8/2009 và được đưa vào biên chế PLAN vào năm 2013. Ban đầu, đây là phiên bản một chỗ ngồi, nhưng phiên bản hai chỗ ngồi J-15S đã bay lần đầu tiên vào năm 2012.
J-15 bị hạn chế nghiêm trọng bởi thiết bị phóng khiến nó mang được ít vũ khí hơn. Tuy nhiên gần đây truyền thông nhà nước Trung Quốc đã hé lộ phiên bản J-15B với cấu hình CATOBAR (cất cánh có hỗ trợ máy phóng, hạ cánh bằng cáp hãm).
Phúc Kiến là tàu đầu tiên của Trung Quốc có hệ thống phóng điện từ. Những tiến bộ công nghệ này giúp J-15B thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn, tăng đáng kể phạm vi chiến đấu và tải trọng của máy bay. Khả năng này rất cần thiết để duy trì ưu thế trong các hoạt động trên biển.
JF-17 “Thunder”: Sự kết hợp của MiG-21 và F-16
J-7 của Trung Quốc về cơ bản là một chiếc MiG-21. Sau khi tiếp cận được thông số kỹ thuật thiết kế F-16 thông qua chương trình Lavi của Israel, Trung Quốc đã kết hợp 2 công nghệ này để tạo ra máy bay FC-1 (hay JF-17 ở Pakistan).
Máy bay có phần mũi và đuôi của F-16 được kết hợp với thiết kế cánh đặc trưng của MiG-21. Biến thể mới nhất của JF-17 hiện bao gồm radar AESA, khả năng tiếp nhiên liệu trên không, sử dụng nhiều vật liệu composite hơn, công nghệ điện tử hàng không và tên lửa không đối không mới nhất của Trung Quốc.
Ngoài Pakistan, khách hàng khác của JF-17 bao gồm Myanmar và Nigeria.
Chengdu J-20: Bản sao của F-22 Raptor
J-20 được thiết kế như một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không với khả năng tấn công chính xác. Nó thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 11/1/2011 và được chính thức ra mắt tại Triển lãm hàng không Trung Quốc năm 2016.
Máy bay được đưa vào sử dụng vào tháng 3/2017 và bắt đầu giai đoạn huấn luyện chiến đấu vào tháng 9/2017. Đơn vị chiến đấu J-20 đầu tiên được thành lập vào tháng 2/2018.
J-20 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên của Trung Quốc và thứ 3 trên thế giới sau F-22 và F-35.
Mỹ cho rằng thiết kế tuyệt mật F-22 của Lockheed Martin đã bị đánh cắp bởi một công dân Trung Quốc có tên Su Bin. Người đàn ông này đã bị toàn án liên bang Mỹ kết án 46 tháng tù.
Ngoại trừ việc bổ sung thêm các cánh phụ phía trước trên J-20, hai máy bay này trông gần như giống hệt nhau.
Tuy nhiên, Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm trong công nghệ máy bay tàng hình. Các chuyên gia quốc phòng Mỹ cho biết J-20 của Trung Quốc có độ phản xạ radar lớn hơn nhiều so với F-22.
Thiết kế tàng hình của J-20 bị hạn chế bởi lớp phủ hấp thụ radar kém hơn. Vật liệu và các cánh phụ được sử dụng trên máy bay khiến nó dễ nhận biết hơn so với F-22.
Mỹ đã ngừng chương trình F-22 vào năm 2011, với khoảng 180 chiếc được chế tạo. Trong khi đó, Trung Quốc đã chế tạo 300 chiếc J-20 và sẽ tiếp tục sản xuất với số lượng lớn trong nhiều năm tới.
Shenyang J-31/J-35: Bản sao của F-35 Lightning II
Shenyang FC-31 là chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, với 2 động cơ, cỡ trung, của Trung Quốc.
Một bức ảnh về một mẫu máy bay có nhãn F-60 của chương trình đã được đăng trên Internet vào tháng 9/2011. Những bức ảnh về một chiếc máy bay hoàn chỉnh đang đỗ trên một sân bay đã xuất hiện vào ngày 16/9/2012.
F-60 được cho là phiên bản xuất khẩu, trong khi J-31 sẽ là phiên bản nội địa của cùng một máy bay chiến đấu.
Vào ngày 31/10/2012, nguyên mẫu số 31001 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên. Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ có 2 thiết kế máy bay chiến đấu tàng hình được thử nghiệm thực địa cùng một lúc.
Theo các báo cáo từ Trung Quốc, J-31 nhiều khả năng có 2 biến thể. Một biến thể máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, trong khi phiên bản còn lại là máy bay cất cánh trên đất liền để xuất khẩu.
Các quan chức của Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) cho hay máy bay này được dự định xuất khẩu để cạnh tranh với F-35.
Một nguyên mẫu nâng cấp gồm: bộ ổn định thẳng đứng; cánh và khung máy bay; hệ thống nhắm mục tiêu quang điện; tải trọng; khả năng tàng hình; thiết bị điện tử... đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2016.
Vào tháng 11/2018, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng chương trình FC-31 đã nhận được tài trợ của chính phủ.
Giống như F-22, Mỹ cũng cho rằng thiêt kế F-35 của Lockheed Martin đã bị Su Bin đánh cắp, dẫn đến chương trình J-31 của Trung Quốc.
Máy bay phản lực này, vẫn đang được phát triển, sở hữu phạm vi hoạt động lớn hơn và khả năng tải trọng lớn hơn so với F-35.
J-31 mà hiện nay gọi là J-35 sẽ trở thành máy bay chiến đấu trên tàu sân bay chính của Trung Quốc, thay thế cho J-15 gặp nhiều vấn đề. Giống như chương trình J-20, J-31 bị hạn chế bởi sự thiếu kinh nghiệm của Trung Quốc với máy bay tàng hình.
Về mặt bên ngoài, J-31 dường như vay mượn rất nhiều từ cả chương trình F-35 và F-22. Pakistan đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua J-31/J-35.