Tuy F-35 Lightning II là máy bay chiến đấu xuất khẩu hàng đầu của Mỹ, không phải nước nào trên thế giới cũng có thể mua loại máy bay tân tiến này.
Quân đội Mỹ có những lý do riêng để ngăn xuất khẩu Lightning II đến một số quốc gia.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và là đồng minh, đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực. Đây là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Incirlik có phi đội số 39 và vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của chuỗi cung ứng cho dự án F-35 và đã từng mua máy bay này. Chiếc F-35 đầu tiên đã được giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống SAM S-400 của Nga trái với mong muốn của Mỹ. Nước này nhận cảnh báo từ Mỹ rằng họ không thể vận hành cả S-400 và F-35.
Cảnh báo này đã bị Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ. Vì vậy Mỹ đã loại nước này ra khỏi danh sách bán F-35 vào năm 2019.
Sáu chiếc F-35 đã được chế tạo và sẵn sàng bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng bị lưu lại tại căn cứ không quân Luke ở Arizona (Mỹ). Bloomberg đưa tin vào tháng 1 rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400, Mỹ sẽ sẵn sàng giao máy bay.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển, Mỹ đã đồng ý bán 40 máy bay F-16 Block 70/72 mới cùng với các bộ nâng cấp cho nhiều máy bay F-16 hiện có của nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến của riêng mình (KAAN).
Các quốc gia vùng Vịnh gồm UAE, Saudi Arabia và Qatar đều muốn mua F-35. Sau Hiệp định Abraham, trong đó UAE công nhận Israel, Mỹ đã chấp thuận bán 50 chiếc F-35 nước này.
Tuy nhiên, kể từ đó, thỏa thuận vẫn chưa có tiến triển. UAE trở nên thất vọng và đang cân nhắc mua máy bay phản lực thế hệ 5 F-20 của Trung Quốc để thay thế.
Qatar là một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực. Mặc dù là một quốc gia nhỏ, nhưng nước này đã xây dựng được một lực lượng không quân lớn và hiện đại với gần 100 máy bay chiến đấu tân tiến.
Vào năm 2020, Qatar yêu cầu mua máy bay phản lực F-35 từ Mỹ. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị từ chối. Saudi Arabia cũng được cho là quan tâm đến việc mua F-35 nhưng chưa đạt được mục đích.
Forbes đưa tin vào năm 2023 rằng Mỹ đã áp đặt các điều kiện "gây khó khăn" đối với việc bán F-35 cho Trung Đông. Nhiều nguồn tin cho biết Israel đã có tác động để ngăn Mỹ cung cấp F-35 cho những quốc gia này.
Thái Lan đã được chỉ định là đồng minh lớn của Mỹ không thuộc NATO kể từ năm 2003. Nhưng ngay cả như vậy, yêu cầu mua máy bay F-35 của Thái Lan đã bị từ chối.
Reuters đưa tin vào tháng 5/2023 cho biết Mỹ đã từ chối bán máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Thái Lan vì các vấn đề về đào tạo và yêu cầu kỹ thuật. Kể từ đó, Thái Lan chuyển sang mua Gripens của Thụy Điển thay thế.
Đài Loan (Trung Quốc) cũng được cho là quan tâm đến việc mua F-35. The Diplomat đưa tin rằng vùng lãnh thổ này muốn mua F-35B vào năm 2018.
Washington lo ngại gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh nếu chấp thuận lời đề nghị này. Thay vào đó, Mỹ cung cấp cho Đài Loan (Trung Quốc) 66 máy bay F-16V.
The National Interest nêu rằng ngoài việc không muốn mất lòng Bắc Kinh, Mỹ còn lo ngại công nghệ tân tiến của F-35 có thể rơi vào tay quân đội Trung Quốc.