Thổ Nhĩ Kỳ đang đầy tự tin về KAAN, máy bay chiến đấu thế hệ 5 do nước này sản xuất. Tuy nhiên, khả năng chiến đấu cơ này có thể tung hoành trên bầu trời vẫn còn là dấu hỏi.
Thổ Nhĩ Kỳ vừa thực hiện thành công lần bay thử thứ 2 của KAAN. Chuyến bay đầu tiên của KAAN diễn ra vào ngày 21/2, đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm các quốc gia được chọn có khả năng phát triển độc lập máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Tuy nhiên, tiêm kích này vẫn đang vấp phải sự nghi ngờ về độ hiệu quả. Nó mới chỉ trải qua 2 lần thử nghiệm trong vòng 4 tháng. Trên trang National Interest, tác giả Harison Kass, đặt câu hỏi đây có phải là “tiểu F-35”.
Hình dáng của KAAN không có nhiều khác biệt so với tiêm kích tiên tiến nhất của Mỹ. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ từng là đối tác sản xuất các linh kiện cho dự án máy bay chiến đấu đắt đỏ nhất thế giới. Liệu rằng đây có phải là một bản sao chép?
Đáp lại, Temel Kotil, Tổng giám đốc TAI (Công ty Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ) đang rất tự tin với sản phẩm của mình. “Máy bay này tốt hơn F-35”, ông Kotil nói trong một sự kiện ở Ankara.
Theo phân tích của Tổng giám đốc TAI, F-35 chở được 6 tấn vũ khí trong khi KAAN mang theo được 10 tấn. Máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ có hai động cơ so với 1 động cơ trên máy bay của Mỹ. Điều đó có nghĩa là KAAN có thể bay nhanh và xa hơn so với F-35.
KAAN được thiết kế tàng hình với cánh chéo dọc thân và không có cánh mũi. Máy bay dài 21 m, cao 6 m, sải cánh 14 m. Tiêm kích đạt tốc độ tối đa Mach 1.8 và trần bay là 18 km.
Temel Kotil cũng thông báo rằng TAI dự kiến sẽ giao 20 máy bay vào năm 2028 với giá bán dự tính 100 triệu USD mỗi chiếc. Hiện, máy bay dùng động cơ do GE sản xuất. Mục tiêu đến năm 2029, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự chủ được động cơ.
Theo chuyên gia quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Can Kasapoglu, KAAN trước đây có tên gọi TF-X. Dự án phát triển máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không bắt đầu triển khai từ năm 2016. Sau nhiều lần thay đổi đến nay KAAN trở thành một chiếc máy bay đa chức năng.
Năm 2019, Mỹ từ chối cung cấp 100 chiếc F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ theo như đặt hàng ban đầu. Việc này khiến chương trình TF-X càng được đẩy mạnh. Nước này là thành viên NATO duy nhất còn giữ quan hệ với Nga. Cùng với với vị trí địa chính trị đặc thù của mình việc Thổ Nhĩ Kỳ phát triển dòng máy bay chiến đấu của riêng mình là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, chuyên gia Kasapoglu cũng đánh giá, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là chi phí. Quốc gia này đang phải đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao trong vài năm trở lại đây.
Theo báo cáo của Capital Economics, trong tháng 2, lạm phát tiêu dùng của Thổ Nhĩ Kỳ ở mức 67,07%. Đã có thời điểm mức lạm phát ở nước này lên tới 82% vào năm 2022.