Hãng khác

Những chàng David của ngành hàng không thế giới

Lộc Hà 16/03/2025 06:01

Embraer và COMAC, hai “chàng David” của ngành hàng không, đang nỗ lực khẳng định vị thế giữa hai gã khổng lồ Boeing và Airbus, với nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2024. hứa hẹn một năm 2025 bùng nổ.

c919 a
c919 a

Ngành hàng không thế giới từ lâu được xem là sân chơi của hai ông lớn Boeing và Airbus. Tuy nhiên, những năm gần đây, Embraer (Brazil) và COMAC (Trung Quốc) – hai tên tuổi nhỏ hơn – đã có những bước tiến đáng chú ý để tạo dấu ấn riêng.

Chặng đường của Embraer và COMAC: Từ tiềm năng đến tham vọng

Embraer, thành lập năm 1969 tại Sao Jose dos Campos (Brazil), bắt đầu với việc sản xuất máy bay cỡ nhỏ, chủ yếu phục vụ các tuyến nội địa, trong khu vực và Nam Mỹ. Qua hơn 50 năm phát triển, công ty vươn lên trở thành nhà sản xuất máy bay lớn thứ ba thế giới, với danh mục sản phẩm mở rộng bao gồm máy bay thương mại, máy bay riêng và máy bay quân sự. Embraer tập trung vào sản xuất đồng thời đạt nhiều thành tựu trong đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường quốc tế.

Trong khi đó, Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), thành lập muộn hơn vào năm 2008, mang theo sứ mệnh giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và xây dựng một ngành hàng không dân dụng nội địa mạnh mẽ cho Trung Quốc. Khởi đầu bằng việc phát triển dòng máy bay khu vực ARJ21, COMAC nhanh chóng tiến tới tham vọng lớn hơn với dòng máy bay thân hẹp C919, nhắm vào thị trường toàn cầu và cạnh tranh trực tiếp với Airbus A320 và Boeing 737.

Năm 2024 là một cột mốc quan trọng cho cả hai hãng. Embraer mở rộng mảng hàng không thương mại và hàng không tư nhân, đồng thời còn đầu tư mạnh vào mảng quốc phòng, đặc biệt là với dòng máy bay vận tải chiến thuật C-390 Millennium. Bosco da Costa Jr, CEO của Embraer Defense & Security, nhấn mạnh: “Chiến lược trở thành nhà cung cấp chính cho chính phủ Mỹ là mục tiêu chiến lược quan trọng ở cả mảng quốc phòng và cấp cao nhất của Embraer”.

Về phía COMAC, hãng đã đạt được những thành công bước đầu với C919. Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, C919 đã được đưa vào vận hành thương mại tại Trung Quốc, với gần 1.200 đơn đặt hàng chủ yếu từ các hãng hàng không nội địa. Dù vẫn còn gặp nhiều thách thức trên thị trường quốc tế, những bước tiến này đánh dấu sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của COMAC trong ngành hàng không toàn cầu.

Bước nhảy vọt trong năm 2024

Kết thúc quý III/2024, Embraer đạt doanh thu 1,69 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng giao hàng đạt 59 chiếc, tăng 26%, trong đó có 41 máy bay tư nhân, chiếm hai phần ba tổng giao hàng. Doanh thu từ mảng hàng không chung tăng 65%, đạt 561,5 triệu USD, mức cao nhất trong lịch sử một quý của công ty.

Dòng Praetor 600 và Phenom 300 tiếp tục là tâm điểm, với Praetor 600 gần gấp đôi số giao hàng so với năm trước, giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 21,8% lên 23,4%. Mảng hàng không dân dụng cũng ghi nhận bước tiến lớn với đơn hàng 90 chiếc E175 từ American Airlines và quyền mua thêm 43 chiếc, nâng tổng danh mục đơn hàng chắc chắn lên 21,1 tỷ USD – mức cao nhất trong bảy năm qua. Dòng E2 tiếp tục được khách hàng ưa chuộng nhờ khả năng tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải. Trong mảng quốc phòng, dòng máy bay vận tải chiến thuật C-390 Millennium mở rộng thị trường châu Âu với hợp đồng mới từ Hà Lan và Áo.

Đối với COMAC, mẫu máy bay C919 đã bắt đầu các chuyến bay thương mại tại Trung Quốc. Với gần 1.200 đơn đặt hàng, chủ yếu từ các hãng hàng không nội địa, C919 đánh dấu bước tiến lớn trong tham vọng giành thị phần toàn cầu. Dù chưa được chứng nhận bởi FAA (Mỹ) hay EASA (EU), COMAC đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng năng lực cạnh tranh quốc tế.

Christian Scherer, Giám đốc bộ phận máy bay thương mại của Airbus, nhận xét: “Chúng tôi coi COMAC là một đối thủ nghiêm túc, nhưng C919 vẫn chưa mang lại giá trị mới nào so với Airbus và Boeing”.

Được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn mạnh mẽ, C919 vừa thể hiện tham vọng tự chủ công nghệ vừa là biểu tượng cho sự phát triển của ngành hàng không dân dụng Trung Quốc.

Năm 2025: Thách thức lớn, cơ hội vàng cho những “chàng David”

Năm 2025 dự kiến sẽ là năm đầy cơ hội nhưng cũng không kém phần thách thức với Embraer và COMAC. Đối với Embraer, chiến lược mở rộng mảng quốc phòng tại Mỹ là trọng tâm. C-390 Millennium – dòng máy bay vận tải chiến thuật của hãng – đang dần chiếm lĩnh thị trường quốc tế, với đơn hàng từ Hà Lan và Áo trong năm 2024. Để củng cố vị thế, Embraer đang cân nhắc mở dây chuyền lắp ráp C-390 tại Mỹ, tạo lợi thế trong các dự án quân sự của Lầu Năm Góc.

Tuy nhiên, công ty vẫn đối mặt với áp lực từ các khoản đầu tư lớn và cạnh tranh khốc liệt từ Airbus và Boeing. Các mẫu máy bay thương mại của Embraer vẫn chủ yếu nằm trong phân khúc khu vực, khó có thể cạnh tranh trực tiếp với dòng A320 hay 737 MAX trong ngắn hạn.

vh_20230529-comac-919-vs-airbus-320_1.png
Inforgraphic: Rafa Estrada. Nguồn: Airbus, Boeing.

Đối với COMAC, việc đạt được chứng nhận từ FAA và EASA là điều kiện tiên quyết để thâm nhập thị trường phương Tây. Điều này không chỉ đòi hỏi công nghệ vượt trội mà còn phải vượt qua các rào cản chính trị. C919, dù có tiềm năng, vẫn bị giới hạn ở thị trường nội địa và một số quốc gia đang phát triển.

Sản lượng của COMAC hiện ở quy mô nhỏ, khó đáp ứng nhu cầu lớn. Richard Aboulafia, chuyên gia phân tích hàng không, nhận định: “C919 là một bộ sưu tập các công nghệ nhập khẩu, nhưng vẫn thua kém về hiệu suất so với đối thủ”.

Dù vậy, cả hai hãng đều có lý do để lạc quan. Với Embraer, các sản phẩm như Phenom 300 và Praetor 600 dự kiến sẽ tiếp tục là điểm sáng trong mảng hàng không doanh nghiệp, trong khi C-390 mở ra cơ hội mới ở mảng quốc phòng. Đối với COMAC, sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc là đòn bẩy quan trọng, giúp hãng duy trì tham vọng trở thành đối thủ thực sự của Airbus và Boeing trong tương lai.

Sự trỗi dậy của Embraer và COMAC đã làm phong phú thêm bức tranh thị trường hàng không đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh. Các hãng hàng không giờ đây có thêm lựa chọn, trong khi Airbus và Boeing cũng phải tăng tốc cải thiện sản phẩm và dịch vụ để duy trì vị thế dẫn đầu. Cả Embraer và COMAC đã cho thấy họ không còn là “những chàng David” trước hai “gã khổng lồ,” mà đã trở thành những đối thủ đáng gờm, với khả năng định hình lại cục diện ngành hàng không thế giới trong những năm tới.

Nổi bật
Mới nhất
Những chàng David của ngành hàng không thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO