Tàu bay

Nhật Bản gặp khó trong việc phát triển máy bay cạnh tranh Airbus và Boeing

Hoàng Vũ 04/05/2024 11:17

Tham vọng quốc gia thúc đẩy Nhật Bản ủng hộ việc phát triển loại máy bay thương mại mới thông qua một khoản đầu tư lớn, song mọi thứ đã không diễn ra tốt đẹp.

Giới chức Nhật Bản khẳng định trong 10 năm tới cần đầu tư khoảng 5.000 tỷ yen (33 tỷ USD) vào ngành công nghiệp sản xuất máy bay dân dụng. Quốc gia này đặt mục tiêu chế tạo máy bay dân dụng thế hệ tiếp theo dựa trên các công nghệ mà Nhật Bản có khả năng cạnh tranh, đồng thời góp phần vào việc khử carbon trong vận tải hàng không.

glcvuodwmaa79la.jpeg
Một chiếc máy bay thuộc biên chế của ANA, hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản. Ảnh: AirTeamImages.

“Nhằm giúp ngành công nghiệp hàng không của Nhật Bản đạt được sự tăng trưởng bền vững, chúng tôi không chấp nhận chỉ là nhà sản xuất phụ tùng. Chúng tôi đặt mục tiêu dẫn đầu và hợp tác với các công ty toàn cầu để phát triển máy bay thân hẹp trong các lĩnh vực kinh doanh mới liên quan đến công nghệ trung hòa carbon, bao gồm cả hydro”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kazuchika Iwata cho hay.

Mục tiêu vận hành máy bay do Nhật Bản tự sản xuất trong hơn nửa thế kỷ qua tiếp tục được chú ý, sau khi doanh nghiệp Mitsubishi Heavy Industries (MHI) rút lui khỏi dự án vào tháng 2 năm ngoái. Dự án mang tên SpaceJet đã tiêu tốn khoảng 7 tỷ USD trong 15 năm nhưng thời điểm giao máy bay bị trì hoãn nhiều lần do thiếu kinh nghiệm và chuyên môn trong ngành công nghiệp hàng không, cũng như sự thay đổi lãnh đạo ở MHI.

Nhiều yếu tố khác dẫn đến sự sụp đổ của SpaceJet, bao gồm các hoạt động kiểm định kéo dài, vấn đề quá trọng lượng, vi phạm các quy định về giới hạn kích thước máy bay do các nhà khai thác Mỹ yêu cầu.

Thay đổi cơ chế

Trung Quốc đã trình làng máy bay chở khách sản xuất trong nước đầu tiên tại Singapore vào tháng 2 năm nay, nhằm thách thức sự thống trị của Airbus và Boeing. Lần cuối cùng Nhật Bản tung ra máy bay thương mại là vào năm 1962 với dòng phản lực cánh quạt YS-11 - vốn chỉ tồn tại một thập kỷ.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) nhận định những bài học đắt giá đã được rút ra sau khi SpaceJet bị “khai tử”, bao gồm cả việc thừa nhận năng lực giới hạn của ngành công nghiệp nội địa.

METI dự đoán số lượng hàng khách đi máy bay trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Cũng theo cơ quan này, nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp hàng năm của Nhật Bản sẽ tạo ra mức tăng trưởng hàng năm trị giá 6.000 tỷ yen (39 tỷ USD), gấp 5 lần so với mức hiện tại.

Chiến lược mới của METI nhấn mạnh dự án phát triển máy bay thế thệ mới phải có sự tham gia của nhiều công ty. METI đang tập hợp các công ty Nhật lẫn nước ngoài tham gia với mục tiêu ra mắt mẫu máy bay dân dụng đầu tiên vào năm 2035. Liên doanh này dự kiến bao gồm hai tập đoàn công nghiệp lớp của Nhật Bản là MHI và Kawasaki Heavy Industries (KHI). Ngoài ra, còn có hãng sản xuất ô tô Subaru, nhà sản xuất máy móc hạng nặng IHI - các đơn vị hiện là những nhà cung cấp chính cho Boeing và Airbus. Đồng thời, Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và các tổ chức trong ngành năng lượng cũng được huy động tham gia.

Theo các nhà quan sát, bằng cách áp dụng cách tiếp cận đa quốc gia, tương tự như Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP) do Italy, Nhật Bản và Anh cùng thành lập, quốc gia mặt trời mọc có thể hy vọng vào một kết quả tốt hơn trong thời gian tới. Chính phủ Nhật mong muốn trao nhiều quyền hạn cho ngành hàng không vũ trụ Nhật Bản, đồng thời duy trì và phát triển ngành công nghiệp sản xuất.

Tuy nhiên, thách thức lớn là tìm được một đối tác có đủ kỹ năng và tài chính phù hợp, sẵn sàng làm việc với các công ty lớn trong nước. Nhật Bản cũng cần xem xét kỹ lưỡng những rủi ro khi theo đuổi việc sản xuất máy bay mới.

Máy bay mới có thể vận hành bằng nhiên liệu hydro

Hydrogen không thải ra carbon khi đốt cháy, khiến nhiên liệu này trở thành một mục tiêu tiềm năng trong dự án phát triển máy bay thế hệ mới của Nhật Bản.

Nhật Bản cũng có thể gặp rủi ro khi lựa chọn loại nhiên liệu này cho nền tảng tương lai, bởi công nghệ thiết yếu hỗ trợ nhiên liệu hydro vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều nhà vận động môi trường hoài nghi về việc sử dụng nguồn nhiên liệu này nếu không có chuỗi cung ứng đáng tin cậy từ ​​các nguồn năng lượng tái tạo.

Hiện nay, nhiều công ty khởi nghiệp đang chạy đua phát triển máy bay động cơ điện, sử dụng nhiên liệu lỏng hydro hoặc tế bào pin nhiên liệu hydro như H2FLY (Đức), Universal Hydrogen (Mỹ) và ZeroAvia (Anh). Mẫu máy bay HY4 của H2FLY có 40 chỗ với tầm bay lên tới 2.000 km.

“Về mặt khái niệm, đó là một ý tưởng tuyệt vời. Tôi cho rằng Nhật Bản có đủ điều kiện để phát triển máy bay vận hành bằng nhiên liệu hydro”, Edward Bourlet, nhà phân tích của Công ty môi giới và đầu tư CLSA nhận dịnh. Ông này đồng thời cảnh báo chi phí liên quan đến việc phát triển công nghệ hydrogen cho máy bay chở khách sẽ rất tốn kém.

“Các lựa chọn bao gồm điện lai, động cơ đốt hydro đang được cân nhắc. Đây có thể là những công nghệ thế hệ tiếp theo mà chúng tôi đang xem xét và hướng tới, nhằm tăng cường nghiên cứu trong việc phát triển dòng máy bay thế hệ mới”, một quan chức METI nói.

Theo France24
https://www.france24.com/en/live-news/20240327-japan-unveils-next-generation-passenger-plane-project , https://www.flightglobal.com/flight-international-opinion/should-japan-be-twice-shy-on-domestic-airliner-development/157877.article
Copy Link
https://www.france24.com/en/live-news/20240327-japan-unveils-next-generation-passenger-plane-project , https://www.flightglobal.com/flight-international-opinion/should-japan-be-twice-shy-on-domestic-airliner-development/157877.article
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhật Bản gặp khó trong việc phát triển máy bay cạnh tranh Airbus và Boeing
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO