Ngành hàng không Việt Nam và mục tiêu phát triển xanh, bền vững
Nam Bình•21/03/2025 06:00
Ngành hàng không Việt Nam cam kết không ngừng nghỉ trong các mục tiêu phát triển bền vững, sẵn sàng trở thành trung tâm logistics hàng không xanh và bền vững của khu vực với những “bước đi” như chuyển đổi nhiên liệu bền vững hay xây dựng hệ sinh thái kết nối cao…
Sự hồi phục sau đại dịch và những tiến bộ công nghệ khiến xu hướng tự động hóa và số hóa trong vận tải hàng không tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ với vai trò của AI và phân tích dữ liệu.
Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam khiến nhu cầu và yêu cầu giao hàng nhanh tăng cao, tạo cơ hội cho vận tải hàng không. Đồng thời đòi hỏi sự đổi mới trong vận tải hàng không và chuỗi cung ứng.
Theo đuổi không ngừng nghỉ mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu
Tại Hội nghị thượng đỉnh hàng không Việt Nam – VAS 2025 diễn ra mới đây ở TP.HCM, bà Đỗ Diệu Huyền, Chuyên viên điều hành sân bay, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục nâng cấp các sân bay hiện có để các cơ sở ngày càng hiện đại và thông minh, tiến tới mô hình sân bay "thông minh/kết nối-sinh thái".
Đối với mục tiêu phát triển bền vững, ACV cam kết không ngừng nghỉ đối với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đồng thời, tích cực ủng hộ các sáng kiến môi trường đa dạng, đảm bảo di sản thịnh vượng của sân bay được truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Hàng không Việt Nam không ngừng theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững. Trong ảnh: hành khách tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Khánh Huyền.Quầy check in tự động của Vietjet Air. ảnh tư liệu.Dịch vụ thu phí tự động không dừng ETC tại sân bay Nội Bài. Ảnh tư liệu.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của ACV bao gồm nâng cao hiệu quả tiêu thụ năng lượng, thúc đẩy và triển khai việc sử dụng năng lượng xanh kết hợp với các tiêu chuẩn ISO:14001.
Ngoài ra, thực hành giảm phát thải carbon và chất thải, đồng thời mở rộng không gian xanh trong sân bay để tạo ra môi trường sân bay thân thiện với môi trường.
Đến năm 2050, doanh nghiệp này sẽ thực hiện chuyển đổi đáng kể sang năng lượng điện và xanh để đạt chứng nhận Carbon cấp độ 3+ và nhận chứng chỉ Sân bay sinh thái. Một mục tiêu khác nữa của ACV là đạt được chỉ tiêu phát thải khí Carbon bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Để tăng cường ứng dụng kỹ thuật trong hoạt động tác nghiệp, hiện doanh nghiệp này đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến tại các sân bay như iCUTE, ACV DCS, AODB, FIDS, PAS, VeriPAX…
Theo đó, ACV i-Cute cho phép nhiều hãng hàng không nội địa sử dụng cơ sở hạ tầng sân bay hiện có (cùng phần cứng và thiết bị tại một sân bay cụ thể) để kiểm soát hành khách và xử lý chuyến bay thông qua máy chủ của ACV.
Doanh nghiệp này cũng phát triển nhiều ứng dụng phục vụ tự động hóa như ki-ốt làm thủ tục, hệ thống gửi hành lý tự động… Các ứng dụng này hiện đã được triển khai tại tất cả các sân bay Cấp độ 2 và 3 do ACV quản lý. VietJet Air là hãng hàng không đã áp dụng các dịch vụ này.
Ông Đinh Đăng Định - PGĐ Trung tâm điều hành sân bay - Cảng HKQT Nội Bài đang giới thiệu về A-CDM tại màn hình A-CDM portal. Ảnh: Hoàng Anh.
Trong năm 2025, ACV tiếp tục phối hợp với tất cả các hãng hàng không nội địa khác để triển khai đưa ứng dụng vào quy trình vận hành.
Hay như A-CDM giúp giảm sự chậm trễ và tối ưu hóa hoạt động của sân bay bằng cách tăng cường quy trình quay vòng hiệu quả và cải thiện khả năng dự đoán chuyến bay thông qua trao đổi dữ liệu thời gian thực cho các dịch vụ điều hướng hàng không.
Theo tính toán của ACV, bằng cách triển khai A-CDM, có thể giúp các hãng hàng không tiết kiệm được 5.338 tấn nhiên liệu, tương đương với 16.814 tấn khí thải carbon mỗi năm.
Sẵn sàng để trở thành trung tâm logistics hàng không
xanh và bền vững
Chia sẻ tại sự kiện VAS 2025, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, Việt Nam với vị trí chiến lược tại trung tâm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành hàng không trực tiếp tạo ra 100.000 việc làm, đóng góp 1.9 tỷ USD vào GDP, chiếm 0.4% tổng GDP của Việt Nam. Tổng đóng góp của ngành hàng không bao gồm cả tác động gián tiếp là 17.5 tỷ USD, tương đương 4.1% GDP, tạo ra 2.5 triệu việc làm.
“
Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ khiến nhu cầu và yêu cầu giao hàng nhanh tăng cao, tạo cơ hội cho vận tải hàng không Việt Nam, đồng thời đòi hỏi sự đổi mới trong vận tải hàng không và chuỗi cung ứng.
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)
Cũng theo ông Khoa, lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không tại Việt Nam đã đạt 1.3 triệu tấn vào năm 2023 và đạt mốc hơn 1,5 triệu tấn vào năm 2024, đứng thứ 20 thế giới về quy mô thị trường vận tải hàng không và thứ 22 về thương mại quốc tế liên quan đến vận tải hàng không .
“Con số này phản ánh tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam trong việc kết nối các trung tâm sản xuất và tiêu dùng trên toàn thế giới. Hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đã dần phục hồi, hoạt động vận tải hàng không cơ bản đảm bảo an toàn”, ông Đào Trọng Khoa khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch VLA, hạ tầng hàng không tại Việt Nam cũng đang được nâng cấp mạnh mẽ. Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Long Thành sẽ trở thành những trung tâm logistics chiến lược, kết nối Việt Nam với hơn 88 sân bay quốc tế tại 30 quốc gia.
Những dự án này không chỉ giúp mở rộng năng lực vận tải, mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ logistics khu vực.
Bên cạnh đó, kể từ năm 2014, chỉ số kết nối hàng không quốc tế của Việt Nam đã tăng 63% trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 126% với các khu vực khác trên thế giới.
Điều này cho thấy sự mở rộng mạnh mẽ của mạng lưới hàng không quốc tế của Việt Nam, giúp thúc đẩy thương mại, du lịch và hợp tác kinh tế.
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cùng với sự hỗ trợ của AI tạo cơ hội cho vận tải hàng không Việt Nam phát triển vượt bậc. Ảnh: Hoàng Anh.Để sẵn sàng trở thành trung tâm logistics hàng không xanh và bền vững, Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ vào công tác đào tạo nguồn nhân lực... Ảnh: VAA....cũng như đầu tư mạnh mẽ vào nhiên liệu hàng không bền vữngvà mở rộng hàng loạt các nhà ga, sân bay hiện hữu cũng như các dự án xây mới như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Gia Bình...
Khẳng định vận tải hàng không tại Việt Nam vào năm 2025 sẽ đóng vai trò then chốt đối với ngành logistics của đất nước, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.
Với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 6,1%, vận tải hàng không có tiềm năng phục hồi và mở rộng to lớn, khiến nó trở thành một triển vọng hấp dẫn để đầu tư.
“Việt Nam cam kết thúc đẩy chuyển đổi xanh trong logistics hàng không bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào nhiên liệu hàng không bền vững (SAF - Sustainable Aviation Fuel), nâng cấp hệ thống quản lý logistics bằng công nghệ AI và IoT, cũng như tối ưu hóa tuyến bay để giảm thiểu khí thải CO₂”, ông Khoa cho biết.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ đối tác với các hãng hàng không, các tập đoàn logistics hàng đầu, và các tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực.
“Chúng tôi mong muốn tạo ra một hệ sinh thái logistics hàng không có tính kết nối cao, nơi các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể hợp tác để cùng phát triển”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.
Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Assessment of Risks in 2025, một trong những thách thức lớn của ngành logistics Việt Nam là thiếu hụt nhân lực có trình độ cao.
Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào các chương trình đào tạo chuyên sâu, tạo điều kiện cho thế hệ nhân lực mới sẵn sàng dẫn dắt ngành logistics hàng không bước vào kỷ nguyên số hóa.
“Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm logistics hàng không xanh và bền vững của khu vực. Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để hiện thực hóa tầm nhìn này, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành logistics toàn cầu”, Chủ tịch VLA khẳng định.
Hội nghị thượng đỉnh Hàng không Việt Nam Vietnam Aero Summit 2025 (VAS 2025) vừa diễn ra tại TP.HCM với sự tham gia của hơn 200 khách mời, 30 diễn giả là các chuyên gia trong ngành hàng không đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
VAS được xem như là hội nghị hàng không thường niên hàng đầu dành cho các chuyên gia tại thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới.
Năm nay, VAS 2025 tiếp tục thảo luận về những mối quan tâm cấp bách nhất trong thị trường hàng không Việt Nam và ASEAN như tình trạng thiếu máy bay, thiếu phụ tùng, gián đoạn chuỗi cung ứng, hạn chế về cơ sở hạ tầng, nhu cầu tăng cao về giảm phát thải carbon trong ngành hàng không, thiếu hụt nguồn nhân lực...
Khách mời tham dự trao đổi thông tin tại VAS 2025. Ảnh: VAS.Các diễn giả thảo luận các vấn đề được quan tâm tại hội nghị như phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực, ảnh hưởng AI đối với sự phát triển của ngành hàng không trong tương lai...Ông Võ Huy Cường - Nguyên Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam đặt vấn đề trao đổi với một doanh nghiệp hàng không Thái Lan.Trao đổi thông tin tại sự kiện. Ảnh: VAS.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.