NASA đã phóng thành công kính viễn vọng Spherex lên quỹ đạo thực hiện nhiệm vụ lập bản đồ chi tiết toàn bộ bầu trời theo cách chưa từng có trước đây, cung cấp dữ liệu quan trọng về sự tiến hóa của các thiên hà và lịch sử ánh sáng vũ trụ từ thuở sơ khai.
Ngày 12/2, tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX đã đưa kính viễn vọng Spherex vào quỹ đạo từ Căn cứ Lực lượng không gian Vandenberg tại California. Sau khi tách khỏi tầng đẩy trên của Falcon 9, Spherex trôi dần vào không gian.
Nhiệm vụ của Spherex là nghiên cứu để giải thích cho quá trình hình thành và tiến hóa của các thiên hà trong suốt hơn 13 tỷ năm lịch sử vũ trụ, khảo sát tốc độ giãn nở của vũ trụ ngay từ những giai đoạn đầu tiên sau Vụ Nổ Lớn (Big Bang). Spherex cũng sẽ tìm kiếm hơi nước và các hợp chất hữu cơ trong các đám mây phân tử lạnh để nghiên cứu điều kiện tiền sinh học trong vũ trụ.
Spherex có thiết kế hình nón – nặng khoảng 500 kg, tương đương một cây đại dương cầm, trang bị những công nghệ tiên tiến nhất. Điều đáng kinh ngạc là SPHEREx chỉ tiêu thụ từ 270 đến 300 watt điện năng, thấp hơn cả một chiếc tủ lạnh gia đình thông thường, thể hiện sự tinh tế trong thiết kế và hiệu quả trong vận hành.
Spherex cho phép lập bản đồ toàn bộ bầu trời trong vòng sáu tháng bằng máy dò hồng ngoại và trường nhìn rộng. Đồng thời, bốn cuộc khảo sát toàn diện bầu trời cũng sẽ được thực hiện trong vòng hai năm, quét toàn bộ bầu trời từ cực này sang cực kia của Trái Đất ở độ cao 650 km.
Spherex không tập trung vào quan sát chi tiết từng thiên hà như các kính viễn vọng Hubble và James Webb mà sẽ đo tổng cường độ ánh sáng nền vũ trụ, bao gồm cả ánh sáng từ những thiên hà đầu tiên hình thành sau vụ nổ Big Bang. Kinh phí cho các nhiệm vụ của Spherex lên tới 488 triệu USD.
Spherex được trang bị máy quang phổ hồng ngoại có khả năng phân biệt 102 dải phổ khác nhau, nhiều hơn hẳn so với phổ khả kiến của mắt người. Dữ liệu thu được sẽ tạo nên bản đồ quang phổ toàn bầu trời chi tiết nhất từ trước đến nay, cho phép các nhà thiên văn học nghiên cứu thành phần vật chất của các thiên hà và truy vết dấu hiệu của vật chất tối.
Nhà khoa học trưởng của dự án tại Viện Công nghệ California (Caltech), ông Jamie Bock cho rằng đây là cách rất khác đề tìm hiểu vũ trụ, cho phép các nhà khoa học thấy được những nguồn sáng nào có thể đã bị bỏ lỡ trong quá khứ. Thậm chí, các nhà khoa học còn kỳ vọng có thể tách ánh sáng từ các thiên hà đầu tiên và tìm hiểu cách chúng hình thành.
Để duy trì hoạt động ổn định trong môi trường không gian, Spherex được bảo vệ bởi hệ thống che chắn nhiệt đa lớp, bao gồm ba lớp vỏ tổ ong bằng hợp kim nhôm, giúp duy trì nhiệt độ hoạt động ở mức -210°C và hạn chế ảnh hưởng từ bức xạ Mặt Trời.
Bên cạnh kính viễn vọng không gian Spherex, tên lửa Falcon của SpaceX cũng đưa bốn vệ tinh của NASA có tên là Punch vào quỹ đạo. Các vệ tinh này thực hiện nhiệm vụ quan sát vành nhật hoa của mặt trời hay còn được biết đến là lớp khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời./.