Du lịch

Nâng cấp hàng loạt sân bay để phát triển du lịch

Nam Bình 28/02/2025 06:35

Thủ tướng yêu cầu nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không tại địa bàn trọng điểm và tiềm năng phát triển du lịch như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Vân Đồn... Qua đó, phục vụ tốt nhu cầu của lượng lớn khách du lịch trong giai đoạn tới.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 382/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn

Theo đánh giá, Quyết định này được xem là bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cụ thể, trong quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được ban hành, ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới.

Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Về mục tiêu cụ thể, năm 2025 Việt Nam phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm.

Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm. Ngành du lịch sẽ đóng góp trực tiếp 8- 9% trong GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP.

Nhu cầu buồng lưu trú đến năm 2025 khoảng 1,3 triệu buồng; đến năm 2030 khoảng 2 triệu buồng. Ngành du lịch cũng sẽ tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm trong năm 2025, trong đó có khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp. Đến năm 2030 tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp.

Riêng về khoản chi tiêu của du khách, Chính phủ cũng đặt mục tiêu nâng chi tiêu trung bình/ngày của khách du lịch trong và ngoài nước từ mức 3,2 triệu đồng/ngày/khách quốc tế năm 2025 lên 4 triệu đồng/ngày.

Trong khi chi tiêu bình quân ngày của khách du lịch nội địa năm 2025 dự kiến đạt 1,6 triệu đồng/người và tăng lên 2,5 triệu đồng/người vào năm 2030.

Về định hướng phát triển sản phẩm, ngành du lịch sẽ phát triển các dòng sản phẩm chính bên cạnh việc phát triển các loại hình du lịch mới theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với những xu hướng mới của thị trường như du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch giáo dục; du lịch công nghiệp…

Kế hoạch

Sẽ đẩy mạnh khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo để phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển và du lịch tàu biển.

Phát triển các trung tâm nghi đưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Tại các đô thị trọng điểm phát triển du lịch sẽ chú trọng gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm.

Nâng cấp hàng loạt sân bay phục vụ phát triển du lịch

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan có trách nhiệm chính trong việc thực hiện quy hoạch, huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu của quy hoạch.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng yêu cầu chủ trì xây dựng, rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, các phương thức vận tải khách du lịch, tập trung vào vận tải hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư mới cảng hàng không Long Thành, Chu Lai...

Đồng thời, Bộ GTVT phải nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không tại các địa bàn trọng điểm và tiềm năng, trước hết tại các cảng hàng không như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Vân Đồn... Đầu tư xây dựng một số cảng biển du lịch quốc tế và các tuyến đường bộ kết nối với các Khu du lịch quốc gia.

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết trong 2 ngày đầu nghỉ Tết Ất Tỵ (25-26/1, tức 26-27 tháng Chạp năm Giáp Thìn) có khoảng 1.177 lượt chuyến bay với hơn 190.000 lượt khách, trong đó gần 105.000 khách nội địa, 85.140 lượt khách quốc tế qua Cảng. Ảnh: Phan Công.
Hàng loạt các cảng hàng không trong nước sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng để phục vụ phát triển du lịch trong giai đoạn tới. Ảnh minh họa: Phan Công.

Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ về việc đầu tư hình thành một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế. Cơ quan này đồng thời chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế quản lý các loại hình lưu trú du lịch mới theo mô hình kinh tế chia sẻ và quy hoạch xây dựng tại các Khu du lịch quốc gia.

Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình, đề tài và đề án ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch; các tiêu chuẩn quốc gia về du lịch; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh du lịch; đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ du lịch trên nền tảng công nghệ số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong các cơ sở dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.

Các nhiệm vụ liên quan đến đầu tư Nhà nước cho du lịch, cơ chế chính sách đầu tư du lịch, xác định tỷ lệ ngân sách Nhà nước chi cho triển khai thực hiện quy hoạch... được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính.

Về định hướng đầu tư phát triển du lịch, tổng nhu cầu đầu tư dự kiến cần có để phát triển du lịch ở mức khoảng 3.600 nghìn tỷ đồng, tương đương 160 tỷ USD, theo tỷ giá hiện hành.

Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 3% - 5%, bao gồm cả vốn ODA; nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân chiếm 95% - 97%, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nâng cấp hàng loạt sân bay để phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO