Để tăng tính cạnh tranh và thứ hạng hộ chiếu Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần một chiến lược tổng thể, đẩy mạnh hợp tác song phương - đa phương với các đối tác chiến lược nhằm mở rộng hợp tác quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới, thu hút đầu tư vào du lịch và dịch vụ.
Thứ hạng cao của cuốn hộ chiếu phản ánh một quốc gia an toàn, ổn định, hấp dẫn khách quốc tế và đặc biệt thu hút dòng khách cao cấp đến từ các nước phát triển.
Điều này không chỉ góp phần định vị Việt Nam là điểm đến ưu tiên cho sản phẩm du lịch cao cấp, mà hình ảnh Việt Nam cũng trở nên đáng tin cậy và tăng uy tín với các quốc gia, để "tấm vé thông hành" là niềm tự hào giúp người Việt tự tin xê dịch khắp thế giới.
Tuy nhiên, theo công bố từ Chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley (Henley Passport Index) hồi đầu tháng 1, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp tụt hạng kể từ tháng 1/2024 (chỉ đứng thứ 91 toàn cầu).
Theo công bố từ Chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley (Henley Passport Index) đầu tháng 1, Việt Nam đứng thứ 91 toàn cầu. Đây là lần tụt hạng thứ hai liên tiếp của hộ chiếu Việt kể từ tháng 1/2024. Trong bảng xếp hạng của Henley quý I năm ngoái, hộ chiếu Việt Nam giữ vị trí thứ 87, sau đó tụt 3 bậc vào quý III, đứng vị trí 90.
Với thứ hạng này, công dân Việt Nam có thể nhập cảnh 51 điểm đến mà không cần visa hoặc chỉ cần xin e-visa, visa cửa khẩu, ETA (giấy phép du lịch điện tử) trên tổng số 199 quốc gia, vùng lãnh thổ (quyền lợi tương tự vị trí thứ 90). Song, từ ngày 30/1, công dân mang hộ chiếu Việt Nam sẽ được miễn thêm thị thực khi đến Belarus (theo Hiệp định miễn thị thực song phương giữa hai nước).
Cụ thể, danh sách 51 điểm đến miễn visa cho công dân Việt Nam, theo công bố của Henley đầu năm 2025, bao gồm:
Các điểm đến không cần visa (24 quốc gia và vùng lãnh thổ)
Du khách Việt Nam không cần visa để nhập cảnh vào các quốc gia sau:
- Châu Á: Brunei, Campuchia, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Malaysia, Myanmar, Mông Cổ, Philippines, Singapore, Thái Lan.
- Châu Mỹ: Barbados, Chile, Dominica, Panama, St. Vincent & the Grenadines, Suriname.
- Châu Phi: Rwanda, Madagascar.
- Châu Đại Dương: Quần đảo Cook, Micronesia, Niue.
Các điểm đến cần xin visa khi đến (VOA, 23 quốc gia và vùng lãnh thổ)
Những quốc gia sau cho phép xin visa ngay khi đến:
- Châu Á: Maldives, Nepal, Tajikistan, Timor-Leste.
- Châu Phi: Burundi, Djibouti, Guinea-Bissau, Malawi, Mauritania, Mauritius, Namibia, Sierra Leone, Somalia, Tanzania.
- Châu Đại Dương: Quần đảo Cape Verde, Comoro, Marshall, Palau, Samoa, Seychelles, St Lucia, Tuvalu.
Các điểm đến cần visa du lịch điện tử (ETA, 4 quốc gia, vùng lãnh thổ)
Một số điểm đến yêu cầu xin ETA trước khi nhập cảnh: Kenya, Mozambique, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc).
Trong top 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới của Henley, châu Á có 4 đại diện gồm Singapore (thứ nhất), Nhật Bản (top 2), Hàn Quốc (top 3) và UAE (top 10). Tại khu vực Đông Nam Á, Lào ở vị trí 93 còn Myanmar xếp thứ 94. Các nước còn lại xếp trên Việt Nam, từ vị trí 51 đến 89.
Theo đánh giá của Time Out, Trung Quốc là một trong những nước tăng hạng nhanh nhất trên Henley's Passport Index, khi từ vị trí 94 năm 2015 lên vị trí 60 sau 10 năm.
Thứ hạng hộ chiếu cao chính là công cụ marketing hiệu quả, giúp mở rộng hợp tác quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới, thu hút đầu tư vào du lịch và dịch vụ.
Để tăng tính cạnh tranh và thứ hạng hộ chiếu Việt trong bảng xếp hạng thế giới, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) - cho rằng Việt Nam cần tăng cường đàm phán, ký kết hiệp định miễn thị thực, đẩy mạnh hợp tác song phương với các đối tác chiến lược như ASEAN, EU cùng các nước phát triển khác.
Theo Martin Koerner - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) - những nỗ lực ngoại giao chủ động của Việt Nam gồm thiết lập các thỏa thuận song phương - đa phương, sẽ tăng cường lòng tin quốc tế, dẫn đến miễn thị thực hoặc đơn giản hóa quy trình thị thực khi nhập cảnh vào nhiều quốc gia. Tăng trưởng kinh tế ấn tượng, hội nhập vào các thị trường toàn cầu cũng góp phần củng cố uy tín của Việt Nam như một đối tác ổn định, đáng tin cậy.
Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và ổn định này giúp Việt Nam trở thành đối tác hấp dẫn, thúc đẩy các quốc gia dễ dàng chấp nhận miễn thị thực cho Việt Nam.
Hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển du lịch sẽ thắt chặt quan hệ quốc tế, tạo thuận lợi cho đàm phán chính sách thị thực. Đồng thời, quảng bá văn hóa, con người và điểm đến trên trường quốc tế giúp nâng cao uy tín và thiện cảm với Việt Nam.
Việt Nam có thể tham gia các chương trình chia sẻ dữ liệu, kiểm soát biên giới, chống di cư bất hợp pháp với các quốc gia khác cũng góp phần nâng cao chất lượng quản lý hộ chiếu của Việt Nam.
Xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia hòa bình và ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN để thúc đẩy chính sách hợp tác miễn thị thực trong khu vực cũng là giải pháp.
"Để nâng cao tính cạnh tranh của hộ chiếu Việt Nam, cần một chiến lược tổng thể, kết hợp giữa tăng cường quan hệ ngoại giao, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng quản lý hộ chiếu và cải thiện hình ảnh quốc gia", ông Chính cho biết.
Thứ hạng hộ chiếu cao góp phần mang lại lợi ích cho ngành du lịch nước nhà. Theo đại diện của TAB, hộ chiếu có thứ hạng cao phản ánh một quốc gia an toàn, ổn định, đáng tin cậy, thu hút khách quốc tế và đặc biệt là khách cao cấp đến từ các nước phát triển. Điều này định vị Việt Nam như một điểm đến ưu tiên cho các tour du lịch cao cấp.
Người Việt dễ dàng đi du lịch nước ngoài mà không gặp rào cản về thị thực, từ đó kích thích nhu cầu du lịch nước ngoài. Các công ty lữ hành trong nước cũng phát triển các sản phẩm và dịch vụ outbound, góp phần thúc đẩy ngành du lịch.
Thứ hạng hộ chiếu cao là công cụ marketing hiệu quả, tạo điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế, củng cố uy tín quốc gia, thu hút đầu tư vào du lịch và dịch vụ, nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Singapore là một ví dụ điển hình về việc tận dụng lợi thế của hộ chiếu quyền lực để phát triển du lịch. Nhờ chính sách miễn thị thực rộng rãi, Singapore đã trở thành một trung tâm du lịch hàng đầu khu vực và thế giới. Năm 2024, Singapore đã đón hơn 15 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế nước này.
Để tăng tính cạnh tranh cho hộ chiếu, khách Việt cũng cần tạo dựng hình ảnh đẹp khi du lịch quốc tế. Theo Martin Koerner, cũng như du khách từ các quốc gia khác, mỗi công dân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong đại diện cho hình ảnh của đất nước một cách tích cực. Mọi người cần tôn trọng phong tục, chuẩn mực văn hóa của nước sở tại, thể hiện sự hiểu biết và trân trọng các truyền thống địa phương.
Theo ông Chính, khách Việt nên học cách giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ nước sở tại để dễ dàng giao tiếp và hòa nhập. Chúng ta cũng cần tuân thủ quy định nhập cảnh, lưu trú, di chuyển, và tránh các hành vi như buôn lậu, gây rối trật tự công cộng hoặc vi phạm luật giao thông.
"Hành xử văn minh và đúng mực sẽ giúp mỗi công dân Việt Nam góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế", ông Chính nói thêm.
Theo các CEO của nhiều công ty du lịch, muốn thứ hạng hộ chiếu Việt Nam cao, khách Việt không nên gian dối, mua tour du lịch nhưng trốn lại để lao động bất hợp pháp. Điều này sẽ khiến những người đi du lịch thực thụ khó xin visa hơn.
Chị Nguyễn Minh Châu (35 tuổi, sống tại TP Hải Phòng) cho biết chính quyền đảo Jeju cho phép người nước ngoài lưu trú tối đa 30 ngày mà không cần visa, nhằm thúc đẩy du lịch. Những người nhập cảnh theo chương trình này không được phép rời đảo Jeju đến các vùng khác của Hàn Quốc.
"Những năm gần đây ghi nhận nhiều trường hợp người Việt nhập cảnh vào đảo theo diện này rồi tìm đường đến các tỉnh khác cư trú trái phép, tôi chỉ biết thở dài và xác định con đường xin visa du lịch Hàn Quốc của mình sẽ khó khăn hơn", Minh Châu nói.