Mưa bão, áp thấp nhiệt đới được dự báo xuất hiện nhiều trong giai đoạn cuối năm 2024, đầu 2025 khiến Cục Hàng không Việt Nam phải ra cảnh báo.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 9 và tháng 10 trở đi, hiện tượng La Nina xuất hiện, với xác suất 60-70%. Từ tháng 11 năm nay đến tháng 1/2025, trạng thái La Nina duy trì với xác suất khoảng 70-80%.
Dự báo từ nay đến tháng 10, Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 1-3 cơn đổ bộ vào đất liền. Từ tháng 11 đến tháng 1/2025, Biển Đông tiếp tục có 3 đến 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 1-2 cơn đổ bộ vào đất liền.
Càng về cuối năm, mưa, bão, lũ có nguy cơ xảy ra dồn dập với nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các sân bay khu vực miền Trung.
Trước tình hình này, Cục Hàng không yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống thông tin liên lạc... để kịp thời phát hiện và xử lý các hư hỏng có thể xảy ra, bảo đảm an toàn bay khi điều kiện thời tiết bất lợi.
Đồng thời, các đơn vị cần triển khai phương án phòng chống mưa, bão, ngập úng, khơi thông dòng chảy của hệ thống thoát nước tại sân bay, bảo vệ an toàn cho các công trình, phương tiện và thiết bị...
Đối với Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Cục yêu cầu tăng cường kiểm tra các công trình phục vụ quản lý, điều hành bay để kịp thời phát hiện và xử lý các hư hỏng. VATM cần chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong ngành hàng không.
Với các hãng bay, nhà chức trách hàng không yêu cầu tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết các tháng cuối năm để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay phù hợp, đảm bảo an toàn chuyến bay.
Đồng thời, các hãng hàng không cần căn cứ tình hình thực tế để triển khai hoạt động ứng phó, giảm thiểu tác động và bảo đảm an toàn khai thác trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), sau một năm hứng chịu tác động mạnh từ El Nino, nửa cuối năm 2024, thế giới đối mặt với hiện tượng La Nina.
El Nino (nghĩa là "Cậu bé" trong tiếng Tây Ban Nha) năm 2023-2024 đã gây thời tiết nóng, khô ở châu Á; và gây mưa lớn bất thường, lũ lụt ở nhiều vùng của châu Mỹ. Còn định nghĩa La Nina (nghĩa là "Cô bé" trong tiếng Tây Ban Nha), cơ quan Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết hiện tượng này đề cập đến sự giảm nhiệt định kỳ của nhiệt độ bề mặt đại dương ở vùng xích đạo và phía đông Thái Bình Dương.
Thông thường, La Nina xảy ra khoảng 3-5 năm một lần, nhưng đôi khi có thể xảy ra trong nhiều năm liên tiếp. La Nina gần đây nhất diễn ra từ tháng 9/2020 đến cuối năm 2022.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, cả El Nino và La Nina đều là những kiểu khí hậu ở Thái Bình Dương có thể có tác động toàn cầu đến thời tiết, cháy rừng, hệ sinh thái và nền kinh tế.
Sự xuất hiện của La Nina tạo điều kiện cho các cơn bão lớn, cuồng phong xuất hiện ở Thái Bình Dương (các nước vùng Đông Nam Á, châu Á hứng chịu nhiều mưa, tuyết, bão hơn), đồng thời khiến các vùng ở châu Mỹ khô, nóng hơn, gây hạn hán ở Nam Mỹ.
Riêng với Việt Nam, sự xuất hiện của La Nina có thể khiến bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn. Miền Trung và miền Nam đối mặt với mưa lớn và lũ lụt thường xuyên hơn.