Trong đêm 9/9 và sáng 10/9, lũ trên sông Hồng (sông Thao) tại Lào Cai, Yên Bái tiếp tục lên, dự báo vượt mức lũ lịch sử năm 1968 và 2008. Tại Hà Nội, nước lũ dâng cao có nguy cơ ngập vào các quận nội thành.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), báo cáo của các địa phương về một số thiệt hại bước đầu thống kê đến 6h ngày 10/9 cho thấy đã có 104 người tử vong, mất tích (65 người tử vong, 39 người mất tích) do bão và mưa lũ.
Một số địa phương có số người tử vong và mất tích nhiều như: Cao Bằng có 33 người tử vong và mất tích (17 người tử vong, 16 người mất tích); Lào Cai 30 người (19 người tử vong, 11 người mất tích); Quảng Ninh 9 người tử vong (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người); Phú Thọ 8 người mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu...
Hơn 750 người bị thương được ghi nhận, tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng.
Mưa bão số 3 làm 85 tàu, thuyền các loại ở Quảng Ninh bị chìm tại nơi neo đậu; 136.228 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 46.548 ngôi nhà hư hỏng (Quảng Ninh 20.245 nhà, Hải Phòng 13.927 nhà, Bắc Ninh 3.450 nhà, Lạng Sơn 2.627 nhà...).
Đến chiều 9/9, các địa phương vùng ảnh hưởng mưa bão vẫn hàng nghìn ngôi nhà bị ngập nước. Trong đó, Thái Nguyên hơn 3.000 nhà, Yên Bái 4.545 nhà, Lào Cai 1.109 nhà, Cao Bằng 579 nhà, Lạng Sơn 4.254 nhà, Bắc Giang 1.953 nhà, Phú Thọ 692 nhà và Bắc Ninh 2.627 nhà.
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến 11/9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện thêm một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động 2 (BĐ2) - báo động 3 (BĐ3), có sông trên BĐ3.
Do nước lũ lên cao dẫn đến nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm. Một số khu vực tại nhiều tỉnh, thành có nguy cơ ngập lụt cao, gồm:
Tỉnh Yên Bái: các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Trạm Tấu, TP Yên Bái.
Tỉnh Bắc Giang: TP Bắc Giang và các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang, Lục Nam.
Tỉnh Thái Nguyên: TP Thái Nguyên, TP Sông Cầu, T.X Phổ Yên, các huyện: Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ.
Tỉnh Bắc Ninh: TP Bắc Ninh, huyện Yên Phong.
Tỉnh Phú Thọ: các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Tam Nông, Yên Lập, Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê, Lâm Thao.
Tỉnh Tuyên Quang: các huyện: Hàm Yên, Chiêm Hóa.
TP Hà Nội: các quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm và huyện Gia Lâm.
Tại Hà Nội nguy cơ ngập do nước sông Hồng gần sát mức BĐ1. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 40-70 mm, có nơi trên 80 mm.
Mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 10-20 cm, một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu 25-30 cm. Các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến phố ngập sẽ bị ảnh hưởng, khó khăn khi di chuyển có thể gây tắc nghẽn cục bộ.
Lũ sông Hồng dâng cao trong đêm 9 và rạng sáng 10/9 khiến cư dân sống ven sông ở các bãi Phúc Tân, Phúc Xá, bến Chương Dương Độ (thuộc hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình) phải chạy lũ trong đêm.
Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở GTVT Hà Nội thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương từ 8h30 ngày 10/9.
Theo đó, cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ, cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn, xe buýt được phép hoạt động. Các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.
Tại Phú Thọ, do nước lũ dâng cao, chảy xiết, nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, chưa xác định cụ thể số người mất tích vụ sập cầu Phong Châu.
Tỉnh Phú Thọ đang phối hợp với Bộ GTVT, Quân khu 2 và các lực lượng chức năng tích cực, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện và các biện pháp cần thiết để tìm kiếm người mất tích, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông và bảo đảm an ninh trật tự.
Tại Thái Nguyên, do lượng nước từ thượng nguồn đổ về còn lớn cùng với cơn mưa sáng nay khiến nhiều tuyến phố, khu dân cư tại khu vực thành phố Thái Nguyên vẫn ngập sâu trong nước. nước lũ vẫn ở mức cao, nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước. Theo cơ quan khí tượng thủy văn Thái Nguyên, mực nước lũ tại trạm Gia Bảy lúc rạng sáng nay là 28,75 m, giảm 6 cm so với đêm qua nhưng vẫn ở mức cao, trên BĐ3.
Tại Lào Cai, sáng 10/9, thông tin từ Ban chỉ huy PCTT và TKCN Lào Cai, trong 3 ngày từ 7-9/9, mưa lũ, sạt lở, lũ quét đã làm 20 người chết, 11 người mất tích và 14 người bị thương.
Đặc biệt, lũ trên sông Hồng đã vượt mức báo động 3 gây ngập lụt nhiều khu vực của TP Lào Cai và các địa phương ven sông, khiến hàng trăm nhà dân bị ngập úng.
Dự báo trong ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lũ trên sông Hồng và Sông Chảy vẫn duy trì ở mức cao, trên báo động 3 từ 2,5-4 m.
Tại Yên Bái, do mưa lớn xối xả kéo dài, mực nước tại các tuyến đường đêm 9/9 đã dâng cao gần 2 m so với chiều cùng ngày. Đến thời điểm sáng sớm ngày 10/9, nước đã rút hàng khoảng 1 m, nhưng vẫn rất cao.
Tại Cao Bằng, thống kê ban đầu có 17 người chết, 12 người bị thương, 16 người mất tích. Trong đó, tại xã Ca Thành xảy ra 1 vụ sạt lở taluy dương vào khoảng 5 giờ 45 phút sáng ngày 9/9 trên quốc lộ 34 khiến 1 ôtô khách BKS: 11B- 002.11, 1 ôtô con BKS 11A-097.22 và 4-5 xe máy bị vùi lấp, nước cuốn trôi. Xác định thiệt hại ban đầu 7 người chết, 1 người bị thương, khoảng 4 người mất tích.
Về đường giao thông, nhiều vị trí vẫn đang tiếp tục sạt lở gây nguy hiểm, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng và các đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương xử lý, khắc phục.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, khu vực trung du và miền núi phía bắc từ đêm 10 đến đêm 11/9 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80 mm, có nơi trên 150 mm.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa.