Cả 4 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đều có nợ xấu tại ACV với số nợ gần 5.700 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Tài chính mới đây thông báo kết luận thanh tra số 179/TB-KLTTr tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), thời kỳ thanh tra là năm 2023. Tại kết luận này, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý tài chính, kế toán và nghĩa vụ thuế tại ACV.
Đặc biệt, ACV đang là chủ nợ của các hãng hàng không quốc nội khi nợ quá hạn lên tới hơn 5.692 tỉ đồng, tính đến thời điểm 31/12/2023.
Cụ thể, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính nêu rõ, đối với nợ phải thu, có 3 đơn vị có nợ phải thu chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ số nợ phải thu số tiền là gần 537,8 tỷ đồng. Ngoài ra, có 3 đơn vị được thanh tra để phát sinh nợ phải thu quá hạn thanh toán với số tiền là hơn 7.413 tỷ đồng, chiếm 41,7% số nợ phải thu.
Các đơn vị có nợ quá hạn với ACV gồm công ty mẹ - ACV, Công ty CP dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn.
Kết luận thanh tra nêu rõ, trong quá trình phối hợp xử lý các khoản nợ chưa thanh toán, ACV đã trích lập dự phòng gần 4.177,9 tỷ đồng. Theo báo cáo của các đơn vị thanh tra, các khoản nợ này chủ yếu phát sinh từ những năm trước. Việc quản lý, theo dõi đã được các đơn vị áp dụng các biện pháp xử lý như đối chiếu xác nhận, tích cực đôn đốc thanh toán, bù trừ công nợ. Tuy nhiên, do tình hình sản xuất kinh doanh của các đối tác gặp khó khăn nên vẫn chưa thu hồi được.
Điểm đáng chú ý, ACV đang là chủ nợ của các hãng hàng không quốc nội khi số nợ quá hạn lên tới hơn 5.692 tỉ đồng, tính đến thời điểm 31/12/2023.
Cụ thể, Bamboo Airways đứng đầu danh sách có nợ quá hạn tại ACV với 2.099 tỉ đồng. Tiếp sau là Vietjet Air, số nợ quá hạn 1.233,8 tỉ đồng. Vietnam Airlines 1.231,5 tỉ đồng. Pacific Airlines nợ 839,3 tỉ đồng…
Đây là các khoản thu hộ giá dịch vụ phục vụ hành khách; giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý mà ACV ủy quyền cho các hãng bay thu hộ từ khách hàng. Tuy nhiên đến thời điểm 31/12/2023, các hãng hàng không trong nước nợ quá hạn thanh toán hơn 3.190 tỉ đồng.
Ngoài ra, khoản chênh lệch thu chi tiền dịch vụ hạ cất cánh theo quy định phải nộp ngân sách. Nhưng đến cuối năm 2023, các hãng bay quốc nội cũng chưa thanh toán cho ACV với số tiền hơn 1.379,9 tỉ đồng.
Trong kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính cũng nêu dù các hãng hàng không nội địa đã thanh toán cho ACV 16.680 tỉ đồng, kể từ đầu năm 2023 đến hết ngày 31/12/2024. Nhưng số nợ còn lại vẫn ở mức đáng lo ngại.
Theo báo cáo của ACV, trước năm 2020, các hãng hàng không quốc nội đều thanh toán đúng quy định của hợp đồng, không có nợ quá hạn, nợ xấu.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều đường bay quốc tế, quốc nội phải dừng bay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, dòng tiền hoạt động, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các hãng.
Các hãng hàng không quốc nội đã có nhiều văn bản báo cáo các Bộ, ngành và Chính phủ về khó khăn và khả năng phá sản do đại dịch COVID-19 và hậu COVID-19 gây ra trong thời gian qua và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Kể từ khi các hãng đồng thuận trích tiền thanh toán tự động đến nay, tổng dòng tiền thanh toán bằng phương thức trích tiền tự động bình quân mỗi tháng là 761,5 tỷ đồng.
Trong năm 2023-2024, các hãng hàng không đã nỗ lực thanh toán công nợ cho ACV. Tuy nhiên, bên cạnh việc thanh toán các khoản nợ phát sinh mới năm 2023-2024, các hãng phải thanh toán thêm các khoản nợ cũ rất lớn từ năm 2022 trở về trước. Do đó, các hãng chưa thực hiện thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho ACV. Kết quả từ đầu năm 2023 đến cuối năm 2024, các hãng hàng không quốc nội đã thanh toán cho ACV số tiền 16.680,5 tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến ngày 17/9/2024, ACV cũng đã có 12 văn bản gởi Ủy ban quản lý vốn nhà nước, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng), Cục Hàng không Việt Nam về việc đôn đốc, thu hồi công nợ đối với các hãng hàng không.
Ngoài ACV, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - đơn vị mà ACV góp vốn, có nợ quá hạn thanh toán rất lớn với hơn 393,6 tỉ đồng, chiếm hơn một nửa nợ phải thu.
Số nợ quá hạn lên đến 297,5 tỉ đồng, có nguy cơ không có khả năng thu hồi mà kết luận thanh tra nêu là do công ty liên danh cổ phần nhà Việt (Viethaus) nợ. Thực tế, Viethaus đã hoàn thành thủ tục phá sản tại Đức và bị xóa tên khỏi sổ đăng thương mại của Đức từ năm 2022.
Hay Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (BAV) nợ quá hạn 41 tỉ đồng. Dù Công ty dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất liên tục đôn đốc BAV trả nợ nhưng BAV không đủ nguồn lực tài chính.