Thanh tra Bộ Tài chính kết luận các hãng hàng không trong nước đang nợ ACV gần 5.700 tỷ đồng, trong đó nhiều khoản quá hạn chưa được thanh toán. Dù vậy, ACV vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận chưa chia lên tới 21.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính vừa ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Theo đó, Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu ACV thực hiện hạch toán doanh thu, chi phí theo đúng quy định. Đồng thời yêu cầu ACV điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp tăng qua thanh tra là 5,8 tỷ đồng. Đặc biệt, kết luận Thanh tra Bộ Tài chính công bố cho thấy, hàng loạt những ông lớn về hàng không trong nước đang nợ ACV gần 5.700 tỷ đồng.
Kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, ACV đã hạch toán tăng không đúng chi phí số tiền 22,3 tỷ đồng. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Chi nhánh ACV hoạch toán tăng không đúng chi phí số tiền 4,8 tỷ đồng, gồm: Hạch toán tăng không đúng chi phí sửa chữa tài sản cố định trong năm 2023 số tiền 1,9 tỷ đồng, hạch toán tăng không đúng chi phí thay mới thảm Nhà khách Vip A trong năm 2023 số tiền 2,9 tỷ đồng.
Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Chi nhánh ACV hạch toán tăng không đúng chi phí sửa chữa đường Lăn V đoạn từ V5 đến V6 trong năm 2023 số tiền 17,4 tỷ đồng. Ngoài ra, việc phân bổ chi phí thuế tài nguyên nước và chi phí tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong và ngoài khu bay không đúng số tiền 489,5 triệu đồng.
Về báo cáo kết quả kinh doanh, theo Thanh tra Bộ Tài chính, Công ty mẹ - ACV báo cáo kết quả kinh doanh thiếu lợi nhuận năm 2023 số tiền 22,2 tỷ đồng do hạch toán tăng không đúng chi phí năm 2023.
Điều chỉnh bổ sung tăng số phải nộp Ngân sách Nhà nước (NSNN) gần 6 tỷ đồng. Có 02/03 đơn vị được thanh tra phải kê khai điều chỉnh, bổ sung số phải nộp NSNN tăng thêm qua thanh tra số tiền gần 6 tỷ đồng.
Trong đó, Thuế thu nhập doanh nghiệp: 02/03 đơn vị được thanh tra kê khai điều chỉnh, bổ sung số phải nộp NSNN tăng thêm qua thanh tra gồm: Công ty mẹ - ACV là 4,46 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) là 1,4 tỷ đồng.
Nguyên nhân phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ SASCO là do khoản chi phí thuê đất mà SASCO đã nộp NSNN tương ứng 7 tỷ đồng, sau đó SASCO cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines sử dụng.
Khoản chi phí tiền thuê đất 7 tỷ đồng nêu trên không liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 của SASCO; do đó không đủ điều kiện xác định chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính. Thuế TNDN năm 2023 phải nộp NSNN tăng thêm là 1,4 tỷ đồng.
Về đầu tư tài chính của ACV, theo kết luận thanh tra, tại ngày 31-12-2023, doanh nghiệp này có 25.790 tỷ đồng gửi ngân hàng. Còn đầu tư tài chính dài hạn, ACV đầu tư 2.435 tỷ đồng, thu lợi nhuận, cổ tức hơn 339,7 tỷ đồng trong năm 2023.
Tuy nhiên, ACV đầu tư hơn 67,5 tỷ đồng vào 2 doanh nghiệp mà kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ mất vốn (Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh và Công ty cổ phần Thương mại hàng không Miền Nam). Do đó ACV đã phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính đến cuối năm 2023 63,5 tỷ đồng, bằng 94% số vốn đầu tư.
Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu ACV thực hiện hạch toán doanh thu, chi phí theo đúng quy định, hạch toán tăng lợi nhuận thực hiện năm 2023 là 22,2 tỷ đồng. Cùng với đó, yêu cầu ACV điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp tăng qua thanh tra là 5,8 tỷ đồng.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang phải đối mặt với tình trạng nợ quá hạn thanh toán lên tới gần 5.700 tỷ đồng từ các hãng hàng không trong nước. Điều đáng nói, nhiều hãng chưa có khả năng thanh toán nợ gốc, khiến ACV chưa thể thu lãi chậm thanh toán theo hợp đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số tiền các hãng hàng không quốc nội nợ quá hạn ACV lên tới 5.692 tỷ đồng. Trong đó, Bamboo Airways nợ 2.099 tỷ đồng, Pacific Airlines nợ 839 tỷ đồng, Vietjet nợ 1.233 tỷ đồng, Vietnam Airlines nợ 1.231 tỷ đồng, Vietravel Airlines nợ 244,5 tỷ đồng, Air Mekong (đã dừng khai thác từ năm 2012) nợ gần 26 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Hoàng Long Yến nợ 2,8 tỷ đồng và một số khoản phải thu khác.
Đây là các khoản thu hộ giá dịch vụ phục vụ hành khách; giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý mà ACV ủy quyền cho các hãng bay thu hộ từ khách hàng. Tuy nhiên đến thời điểm 31/12/2023, các hãng hàng không trong nước nợ quá hạn thanh toán hơn 3.190 tỉ đồng.
Ngoài ra khoản chênh lệch thu chi tiền dịch vụ hạ cất cánh theo quy định phải nộp ngân sách. Nhưng đến cuối năm 2023, các hãng bay quốc nội cũng không thanh toán cho ACV mà để nợ quá hạn hơn 1.379,9 tỉ đồng.
Do tình trạng nợ kéo dài, ACV đã phải trích lập dự phòng tới 3.725 tỷ đồng nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính. Đến cuối năm 2024, một số hãng hàng không như Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines đã ký hợp đồng tính lãi chậm thanh toán nhưng chưa có khả năng trả nợ gốc, đồng thời đề nghị ACV miễn lãi phạt hoặc áp dụng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn để tính lãi chậm thanh toán.
Nếu áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cao nhất của một trong bốn ngân hàng thương mại nhà nước, số lãi mà Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines phải trả cho ACV trong năm 2023 là 56,5 tỷ đồng. Còn nếu áp dụng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, con số này là 1,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Chi nhánh ACV chưa thực hiện kiểm tra, đối chiếu doanh thu năm 2023 đối với hoạt động nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không. Việc này khiến ACV chưa thể xác định chính xác doanh thu cũng như tiền phạt chậm thanh toán từ các công ty nhận quyền khai thác.
Nguyên nhân khiến nợ xấu của các hãng bay tăng mạnh, theo báo cáo của ACV là do đại dịch COVID-19, nhiều đường bay quốc tế, quốc nội phải dừng bay, tác động nghiêm trọng đến doanh thu, dòng tiền, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các hãng. Còn trước năm 2020, các hãng hàng không quốc nội đều thanh toán đúng quy định của hợp đồng, không có nợ quá hạn, nợ xấu.