Từ có lãi không đáng kể năm 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận của VATM đã tăng trở lại trong năm 2022 (350 tỷ đồng) và 2023 (880 tỷ đồng). Riêng nửa đầu năm nay, con số này là 576 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) vừa công bố tình hình tài chính 6 tháng đầu năm với tổng doanh thu 2.025 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 576 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2023, doanh thu của VATM tăng 20% còn lợi nhuận tăng gấp đôi.
Doanh thu của công ty tăng trưởng nhờ thị trường hàng không phục hồi, các đường bay nội địa và quốc tế đều nhộn nhịp so với năm ngoái. Cụ thể, doanh thu điều hành bay quá cảnh đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 42%; doanh thu bay đi và đến đạt 858 tỷ đồng, tăng 32%; doanh thu bay nội địa đạt 347 tỷ đồng, bằng 80% cùng kỳ năm ngoái.
Do đặc thù hoạt động, chi phí nhân sự chiếm phần lớn trong cơ cấu chi phí của VATM. Trong nửa đầu năm, công ty ghi nhận 738 tỷ đồng chi phí nhân viên và hơn 188 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Các chi phí này chủ yếu để thanh toán lương cho cán bộ, nhân viên và lãnh đạo công ty, tổng cộng gần 4.000 người đang làm việc tại VATM.
Lợi nhuận của công ty còn được tăng thêm gần 70 tỷ đồng trong nửa đầu năm nhờ lãi tiền gửi tiết kiệm số tiền gửi ngân hàng khoảng 2.700 tỷ đồng. Một phần số tiền này nằm trong kế hoạch đầu tư các dự án của VATM với tổng mức 8.368 tỷ đồng, riêng năm nay dự kiến giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, dự án lớn nhất là công trình phục vụ quản lý bay thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, tổng giá trị 3.435 tỷ đồng. Bên cạnh đó là dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh (ATCC/HCM) quy mô gần 1.500 tỷ đồng.
Hồi đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải giao kế hoạch kinh doanh và đầu tư năm nay cho VATM với nhiệm vụ bảo đảm hoạt động bay an toàn, điều hòa, hiệu quả và doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Cụ thể, VATM cung ứng dịch vụ đảm bảo hoạt động bay cho hơn 800.000 chuyến bay, tăng gần 6% so với năm ngoái.
Tổng công ty được giao chỉ tiêu doanh thu dự kiến hơn 3.897 tỷ đồng, tăng 6% và lợi nhuận sau thuế tăng 4% lên 885 tỷ đồng (sau khi trích quỹ khoa học công nghệ). Mức nộp ngân sách Nhà nước tăng 19% lên 2.428 tỷ đồng.
Được tách ra từ Vietnam Airlines từ năm 1993, VATM hiện là doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Bộ Giao thông Vận tải sở hữu 100% vốn. Công ty có vốn điều lệ 3.921 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 5.544 tỷ đồng.
Đây là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được giao cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho tất cả tàu bay dân dụng hoạt động tại các cảng hàng không trên toàn quốc; trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý, cùng các vùng không phận được ủy quyền hợp pháp khác.
Bên cạnh các khoản thu phí điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được tính vào doanh thu, VATM đang thu hộ Nhà nước khoản phí bay qua vùng trời Việt Nam.
Theo Thông tư 146 của Bộ Tài chính, VATM thu tối thiểu 115 USD và tối đa 520 USD cho mỗi chuyến bay thường lệ qua vùng trời Việt Nam và từ 61 USD đến 274 USD cho mỗi chuyến bay thường lệ qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý, tùy theo trọng tải cất cánh tối đa và cự ly điều hành. Các chuyến bay không thường lệ áp dụng mức thu phí bằng 120% theo quy định.
Toàn bộ khoản thu này thuộc ngân sách nhà nước và được quyết toán hàng năm. Riêng năm ngoái, phí điều hành bay qua vùng trời Việt Nam được VATM nộp ngân sách nhà nước 1.316 tỷ đồng.
Ngoài dịch vụ quản lý không lưu, VATM còn cung cấp thông tin dẫn đường, giám sát, thông báo tin tức hàng không, khí tượng hàng không, quản lý luồng không lưu và dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không.