Chính quyền thủ đô mới Nusantara (OIKN) của Indonesia dự kiến bắt đầu thử nghiệm dịch vụ taxi bay vào tháng 7 tới.
Việc thử nghiệm taxi bay đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển hệ thống giao thông tiên tiến cho đô thị mới ở Đông Kalimantan.
Chiếc taxi bay dành cho máy bay cá nhân/chở khách được thí điểm tùy chọn, do Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc và Hyundai sản xuất. |
Loại hình taxi bay được kỳ vọng sẽ trở thành phương tiện vận chuyển của tương lai tại Nusantara. Các mẫu taxi bay cá nhân hoặc chở khách (OPPAV) do Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) và Công ty Hyundai Motors (HMC) phối hợp sản xuất sẽ được lắp ráp và thử nghiệm vào đầu tháng 6, để kịp ra mắt vào tháng 7.
Dự kiến, các taxi bay này được giới thiệu chính thức trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Độc lập tại Nusantara vào ngày 17/8. Ông Bambang Susantono, người đứng đầu cơ quan quản lý IKN, cho biết: "Việc lắp ráp taxi bay sẽ bắt đầu vào đầu tháng 6, sau đó là giai đoạn thử nghiệm kéo dài một tháng nhằm đánh giá kỹ thuật và hiệu suất của phương tiện".
Hồi năm 2022, cơ quan quản lý IKN và Hyundai đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về phát triển hệ sinh thái vận tải hàng không tiên tiến ở Indonesia. Sau giai đoạn thử nghiệm, Hyundai có kế hoạch thiết lập mô hình kinh doanh thương mại thông qua Supernal, công ty con chuyên về “di chuyển hàng không trong đô thị”. Công ty cũng sẽ tiếp tục phát triển công nghệ để tự động hóa quy trình.
Taxi bay của Hyundai có sức chứa 5 người, vượt trội hơn so với mẫu tương tự được EHang của Trung Quốc thử nghiệm năm ngoái, chỉ chở được 2 người. Taxi bay của Hàn Quốc cũng nổi bật với tốc độ tối đa cao hơn, phạm vi bay xa hơn và sử dụng pin làm nguồn năng lượng chính, thân thiện với môi trường. Pin có thể duy trì trong quãng đường tới 100 km với tốc độ tối đa 200 km/h.
Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy việc xây dựng Nusantara trở thành một thành phố thông minh kiểu mẫu. Ngoài taxi bay, chính phủ cũng yêu cầu tất cả các phương tiện trong thủ đô mới phải chạy bằng hydro hoặc xe điện chạy bằng pin nhiên liệu (EV) sau năm 2040, với mục tiêu tạm thời là 50% số phương tiện sẽ đạt được tiêu chuẩn này vào năm 2035, nhằm giảm thiểu lượng phát thải.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng có kế hoạch dành 65% quỹ đất để phát triển rừng nhiệt đới, tạo nên một môi trường xanh cho thủ đô mới. Theo quy định hiện hành, Jakarta vẫn sẽ là thủ đô của Indonesia cho đến khi Tổng thống ban hành sắc lệnh chính thức đặt tên Nusantara là thủ đô mới.
Việc xúc tiến thử nghiệm taxi bay không chỉ đánh dấu sự phát triển của Nusantara mà còn thể hiện quyết tâm của Indonesia trong việc tiên phong áp dụng các công nghệ hiện đại vào giao thông vận tải, góp phần xây dựng một thành phố thông minh và bền vững trong tương lai.