"Hạnh phúc vỡ òa", "xúc động", "may mắn", "tự hào"... là những cung bậc cảm xúc trong hành trình 5 ngày chinh phục đỉnh Ama Dablam của chị Nguyễn Thanh Bình.
Ama Dablam được biết tới như đỉnh Matterhorn của dãy Himalaya, một trong những đỉnh núi đẹp nhất thế giới và là giấc mơ của những người leo núi thực thụ. Nó còn được giới chuyên môn đánh giá là đỉnh núi biểu tượng kỹ thuật nhất Himalayas bởi địa hình cheo leo, dốc đá thẳng đứng.
Đặt chân đến đỉnh Ama Dablam, tận hưởng sự hùng vĩ của thiên nhiên trước không gian mênh mông trong ánh nắng vàng ruộm của buổi bình minh, một cảm giác mãn nguyện lâng lâng bao trùm tâm trí Thanh Bình khi chinh phục được mục tiêu sau những nỗ lực không ngừng nghỉ.
Nguyễn Thanh Bình công tác trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục tại Hà Nội. Trước khi đến với leo núi, chị từng là một vận động viên chạy bộ với thành tích đáng nể khi hoàn thành nhiều đường chạy marathon, trong đó có cự ly 50 km tại Vietnam Ultra Marathon 2024. Chính nền tảng thể lực vững chắc này giúp chị có sức bền để chinh phục những đỉnh núi cao.
Niềm đam mê khám phá, chinh phục thiên nhiên đã đưa chị đến với những đỉnh núi hùng vĩ. Thanh Bình đã lần lượt chinh phục thành công ngọn núi cao nhất Australia là Kosciuszko (2.228 m) và "nóc nhà châu Phi" Kilimanjaro (5.895 m) ở Tanzania đầu năm nay. Tại Himalayas (Nepal), chị Thanh Bình đã chinh phục đỉnh Nagarjuna (5.050 m), Kala Patthar (5.550 m), Trại 3 núi Everest (7.500 m) rồi tới đỉnh Lobuche (6.119 m).
Ama Dablam được đánh giá là một trong những đỉnh núi thử thách nhất về độ khó với địa hình hiểm trở, nhiều vách đá dựng đứng đòi hỏi kỹ thuật và thể lực, cùng lòng dũng cảm và ý chí mạnh mẽ.
Để chuẩn bị cho hành trình này, Thanh Bình đã dành 6 tháng tập luyện cường độ cao, kết hợp leo núi, chạy bộ, gym và yoga. Đồng thời, chị cũng nghiên cứu kỹ lưỡng về địa hình, khí hậu, kỹ thuật leo núi trên băng tuyết... "Tôi xác định tâm lý ngay từ đầu là sẽ phải dốc hết toàn lực cho hành trình đích này", chị cho biết.
Hành trình chinh phục Ama Dablam kéo dài 5 ngày với những thử thách khắc nghiệt như gió mạnh, bão tuyết, nhiệt độ xuống thấp, địa hình hiểm trở... Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, kỹ năng và kinh nghiệm, Thanh Bình đã từng bước vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước.
"Ama rất thách thức cho nữ với địa hình dốc đứng, kỹ thuật, vách đá trơn khó leo, phải đu dây thẳng đứng, cheo leo, khá nguy hiểm. Tôi đã chuẩn bị kỹ, giữ tâm thế bình tĩnh, có đội sherpa (hướng dẫn viên bản địa) hỗ trợ và có đồng đội tốt nên tôi hoàn thành từng mục tiêu và thành công", Thanh Bình chia sẻ.
Giây phút đứng trên đỉnh Ama Dablam, ngắm nhìn biển mây trắng xóa, những dãy núi trùng điệp, cảm xúc vỡ òa trong chị. Đó không chỉ là niềm vui khi đạt được cột mốc mang dấu ấn cá nhân mà còn là sự tự hào khi bao nỗ lực được đền đáp xứng đáng.
"Tôi vỡ òa sau bao nhiêu thời gian dồn nén, che giấu cảm xúc, hay cố quên đi mọi điều về núi hay thậm chí là suy nghĩ từ bỏ núi. Những giọt nước mắt hạnh phúc không ngừng tuôn rơi sau bao nỗ lực về thể chất và tinh thần", chị Thanh Bình tự hào nhớ lại.
Là người Việt đầu tiên chinh phục Ama Dablam, anh Ngô Hải Sơn - nhà sáng lập VietSummit (Công ty đào tạo, tổ chức các chuyến thám hiểm chinh phục 7 summit và 14 peak) - đánh giá đây là đỉnh núi yêu cầu nhiều kỹ thuật phức tạp như kỹ năng leo núi đá, leo băng tuyết chuyên sâu với các đoạn dây cố định dài và khó di chuyển hơn, đặc biệt cũng cần kết hợp nhiều kỹ năng như jumar (kỹ thuật leo vách đá có dây thừng hỗ trợ), rappel (kỹ thuật đu dây vách đá), prusik (kỹ năng thắt nút, cố định dây an toàn)...
"Ama Dablam là một trong những ngọn núi kỹ thuật khó nhất ở Nepal. Tôi rất vui mừng và tự hào khi Thanh Bình đã trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công ngọn núi này. Thành tích của chị là nguồn cảm hứng lớn, đặc biệt cho các nữ leo núi và khẳng định sự phát triển của phong trào leo núi Việt Nam trên bản đồ leo núi thế giới", anh Sơn bày tỏ.
Đặc biệt, sau hành trình gian khổ lên được đỉnh Ama Dablam, Thanh Bình lại ngồi đọc vài trang sách trên nền tuyết trắng xóa, dưới ánh nắng vàng như mật, giữa bốn bề tuyết sơn hùng vĩ.
Lý giải điều này, chị cho biết khi đến với hành trình chinh phục Ama, bản thân chị nhận thức rõ đây là một thử thách không dễ dàng và đỉnh núi này sẽ mang đến cho chị một trải nghiệm khắc nghiệt nhất trong số những hành trình từng đi qua.
"Tôi muốn hình ảnh lắng đọng cuối cùng của hành trình này sẽ là một cảm xúc trái ngược hẳn với những gì mình đã trải qua. Đó là một cảm giác thư thái, tận hưởng, thi vị khi đứng trên đỉnh Ama, ngắm nhìn ánh bình minh đầu tiên ló rạng", chị tâm sự.
Là người phụ nữ hiện đại, năng động và đầy nhiệt huyết, bên cạnh leo núi, Thanh Bình còn có niềm đam mê với vẽ tranh, viết lách: "Bản thân tôi có 3 điều vừa là sở thích, đam mê và là cách để tự mình cân bằng lại cuộc sống, đó là vẽ, viết và leo núi".
Theo chị, hiện trong suy nghĩ của nhiều người leo núi vẫn là lãnh địa của nam giới. Nhưng nhiều năm gần đây, phái nữ trên thế giới nói chung đã có những thành tích vượt trội trong leo núi khiến nam giới phải nể phục như Kristin Harila - người Na Uy với thành tích leo 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong 92 ngày, vượt xa kỷ lục của Nirmal Purja - nam VĐV người Nepal cũng chinh phục hành trình này trong 189 ngày.
Thế giới ngày nay hiện đại và bình đẳng, phụ nữ không phải là phái yếu. Phụ nữ là phái đẹp, có quyền ước mơ và dũng cảm thực hiện ước mơ của mình. Vì cuộc đời ngắn ngủi, phụ nữ hãy sống thật rực rỡ, sống hết mình và hiên ngang đón nhận ánh bình minh trên những "đỉnh núi ước mơ" của bản thân.
Nguyễn Thanh Bình - Người phụ nữ Việt đầu tiên chinh phục đỉnh Ama Dablam
Để vượt qua trở ngại, chinh phục những ước mơ trong môn thể thao "gai góc", theo Thanh Bình, niềm đam mê chinh phục độ cao luôn cần được nuôi dưỡng, khi nó đủ lớn chúng ta sẽ càng có nhiều nghị lực để vượt qua mọi khó khăn.
"Sống rực rỡ như một đóa hướng dương, ngẩng đầu đón ánh bình minh rực rỡ" là quan điểm sống tích cực của chị Thanh Bình muốn sẻ chia với cộng đồng leo núi. Đồng thời, chị cũng khuyến khích các bạn trẻ chăm chỉ tập thể thao để khỏe mạnh, xu hướng sống thoải mái, độc lập như bài thơ chị viết:
"Ta sẽ là cánh chim
Bay cao trên đỉnh núi
Ta sẽ là cánh gió
Thổi mây phủ non cao
Ta sẽ là vì sao
Rọi đường lên đỉnh tuyết".
Với Thanh Bình, hành trình chinh phục đỉnh cao chưa dừng lại khi đỉnh Ama Dablam là "bước chạy đà" trong hành trình chinh phục đỉnh Everest trong tương lai.
Thanh Bình là học viên đầu tiên của khoá đào tạo chuyên sâu về kỹ năng leo núi, sơ cứu y tế trong điều kiện hoang dã và dinh dưỡng thể thao trong môi trường khắc nghiệt của VietSummit.
Những buổi học trong bệnh viện về sơ cứu y tế, dinh dưỡng và buổi học về kỹ năng leo vách đá, vách băng dựng đứng đã góp phần quan trọng vào thành công của chuyến thám hiểm Ama Dablam lần này.
Ảnh: NVCC.