Warren Hazelby, một trong những cơ giới trên không (flight engineer) trên Concorde, đã có những trải nghiệm khó quên khi ngồi sau bảng điều khiển của chiếc máy bay huyền thoại này.
Khi nhắc đến máy bay siêu thanh Concorde, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tốc độ vượt trội và khả năng chinh phục bầu trời chỉ trong vài giờ. Nhưng ít ai biết rằng ngoài hai phi công, còn có một người khác đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong buồng lái - đó là cơ giới trên không.
Warren Hazelby vẫn còn nhớ rõ cảm giác lần đầu tiên bước vào buồng lái Concorde năm 2002, khi chuẩn bị cho chuyến bay từ London (Anh) đến New York (Mỹ). Buồng lái nhỏ gọn hơn nhiều so với những chiếc Boeing 707 hay 747 mà ông từng làm việc, nhưng điều khiến ông ấn tượng chính là sự phức tạp của hệ thống điều khiển.
Mọi người đều biết đến phi công. Không ai từng nghe nói đến cơ giới trên không.
Cựu cơ giới trên không điều khiển máy bay siêu thanh Concorde - Warren Hazelby
Ngồi sau phi công, trước mặt Hazelby là bảng điều khiển đồ sộ, đầy nút bấm và hàng loạt đồng hồ để kiểm soát mọi thứ từ động cơ, nhiên liệu đến hệ thống thủy lực của máy bay. Điều này khác xa với những công nghệ hiện đại được sử dụng trên các máy bay thương mại ngày nay.
Trên máy bay siêu thanh Concorde, nhiệm vụ điều chỉnh toàn bộ hệ thống này phụ thuộc hoàn toàn vào bàn tay của cơ giới trên không.
"Ngày hôm đó, nhìn vào bảng điều khiển từ sàn đến trần máy bay, tôi thật sự cảm thấy hồi hộp", Hazelby chia sẻ. Các đồng nghiệp của Hazelby từng cảnh báo rằng công việc trên Concorde sẽ chiếm trọn sự chú ý, khiến ông hầu như không có thời gian để ăn uống hay thậm chí là nhấp ngụm cà phê trong suốt chuyến bay.
Dù đã có 6 tháng huấn luyện trên mô hình mô phỏng và hơn 20 năm kinh nghiệm làm cơ giới trên các dòng máy bay khác, cảm giác thực tế khi ngồi trên chiếc Concorde vẫn vô cùng khác biệt. Nhưng cũng chính điều này khiến cho mỗi chuyến bay trở thành một trải nghiệm đầy thách thức nhưng cũng đáng tự hào của Hazelby.
Hazelby lớn lên gần nơi Concorde được chế tạo, ở phía tây nam nước Anh. Từ nhỏ, ông đã say mê ngắm nhìn những chiếc máy bay này cất cánh. Bắt đầu sự nghiệp khi mới 16 tuổi với vai trò thợ học việc cho hãng BOAC (tiền thân của British Airways), ông chưa bao giờ ngừng mơ ước về ngày được làm việc trên Concorde.
"Khoảnh khắc lần đầu vượt qua rào cản âm thanh là một trải nghiệm khó quên. Lo lắng và áp lực nhưng cảm giác hoàn thành nhiệm vụ sau mỗi chuyến bay, đưa hành khách đến đích an toàn thật sự là một thành tựu lớn", Hazelby nói.
Khoảnh khắc lần đầu vượt qua rào cản âm thanh là một trải nghiệm khó quên.
Cựu cơ giới trên không điều khiển máy bay siêu thanh Concorde - Warren Hazelby
Sau mỗi chuyến bay, sự mệt mỏi là không thể tránh khỏi, nhưng Hazelby vẫn luôn cảm thấy mãn nguyện vì đã góp phần điều khiển một trong những chiếc máy bay nhanh nhất và phức tạp nhất thế giới.
Ngày nay, khi Hazelby kể với mọi người rằng ông từng là cơ giới trên không trên Concorde, không ít người tỏ ra ngạc nhiên. "Ai cũng biết đến phi công, nhưng cơ giới trên không thì ít người hiểu rõ", ông nói. Vai trò này thậm chí đã không còn tồn tại trên các máy bay thương mại trong hơn 20 năm qua, khi hệ thống máy tính hiện đại dần thay thế con người trong việc quản lý các hệ thống kỹ thuật.
Nhưng trong những năm 1970 và 1980, cơ giới trên không là một phần không thể thiếu của tổ bay. Họ chịu trách nhiệm giám sát và điều chỉnh các hệ thống của máy bay trong suốt chuyến bay, đảm bảo mọi thứ vận hành trơn tru.
Sự thay đổi bắt đầu vào cuối thập niên 1980, khi các dòng máy bay thương mại mới như Boeing 747-400 xuất hiện với công nghệ tự động hóa, không cần đến cơ giới trên không. Đến thập niên 1990, khi British Airways mua các dòng máy bay này, số lượng cơ giới trên không bắt đầu giảm mạnh.
Tuy nhiên, Concorde là một ngoại lệ. Máy bay này không được nâng cấp nhiều từ khi ra mắt vào thập niên 1970 và vai trò của cơ giới trên không vẫn là không thể thay thế. Đối với Hazelby, làm việc trên Concorde không chỉ là điều hành một chiếc máy bay mà còn là điều khiển một trong những cỗ máy phức tạp nhất từng được chế tạo. "Concorde thực sự là thử thách lớn nhất đối với một cơ giới trên không", Hazelby nói.
Dù đã là một cơ giới trên không dày dặn kinh nghiệm, Warren Hazelby nhanh chóng nhận ra rằng công việc trên một chiếc máy bay siêu thanh như Concorde là một thử thách hoàn toàn khác biệt.
Hazelby so sánh với công việc trên chiếc Boeing 747: "Khi bay trên 747, sau khi cất cánh và thực hiện các bước kiểm tra, máy bay gần như tự vận hành. Chúng tôi chỉ cần lo về điều hướng và một chút về hệ thống nhiên liệu, hầu như mọi thứ đã được tự động hóa".
Nhưng với Concorde, mọi thứ hoàn toàn khác. "Trên Concorde, chúng tôi liên tục thay đổi tốc độ và độ cao, không có giai đoạn nào mà bạn có thể thư giãn. Luôn có việc để làm, từ việc bật tắt hệ thống, theo dõi nhiệt độ, kiểm tra nhiên liệu và đảm bảo mọi thứ hoạt động đúng cách", ông cho hay.
Concorde có những chiếc cánh rất phức tạp. Chúng rất mỏng, điều cần thiết cho việc bay ở tốc độ cao, nhưng lại không tạo ra lực nâng trên mặt đất, đó thực sự là vấn đề lớn khi cất cánh.
Cựu cơ giới trên không điều khiển máy bay siêu thanh Concorde - Warren Hazelby
Chính vì vậy, các đồng nghiệp đã cảnh báo Hazelby rằng công việc của cơ giới trên không trên Concorde đòi hỏi toàn bộ sự tập trung và việc ăn uống sẽ trở thành thứ yếu. “Họ bảo rằng nếu sau một năm mà bạn có thể ăn được thứ gì đó trong chuyến bay, nghĩa là bạn đã làm rất tốt. Bởi lẽ, hoặc bạn đang làm việc hoặc đang nghĩ về việc tiếp theo cần làm”, Hazelby chia sẻ.
Ông nhớ lại rằng khi nào có thể dành ra 5-10 phút để ăn một bữa nhỏ, đó là khi ông bắt đầu cảm thấy tự tin hơn trong công việc. Nhưng ngay cả trong lúc ăn, ông vẫn liên tục theo dõi các đồng hồ và hệ thống điều khiển. “Bạn vẫn đang làm việc ngay cả khi đang ăn”, ông cười và nói.
Trong vai trò chuyên gia kỹ thuật trên chuyến bay, Hazelby là người đầu tiên được giao nhiệm vụ xử lý các vấn đề phát sinh giữa chuyến bay. “Nếu có bất kỳ sự cố nào, nhiệm vụ của tôi là tắt thiết bị đó đi hoặc kích hoạt hệ thống dự phòng. Nếu có sự cố rò rỉ nhiên liệu hoặc thủy lực, tôi phải chẩn đoán và xử lý”, ông kể lại.
Trong phần lớn thời gian của chuyến bay, cơ giới trên không sẽ ngồi vuông góc với phi công và cơ phó, đối diện với bảng điều khiển giám sát. Nhưng ghế ngồi của cơ giới có thể di chuyển và trong lúc cất cánh, ghế sẽ xoay về phía trước để ông có thể theo dõi sát sao tình hình cùng phi công. "Cất cánh là thời điểm quan trọng nhất, khi đó tôi phải theo dõi chặt chẽ các chỉ số của động cơ cũng như tốc độ của máy bay," Hazelby giải thích.
Khi làm việc trên Concorde, Hazelby nhanh chóng nhận ra rằng sự hợp tác giữa cơ giới trên không, cơ trưởng và cơ phó là vô cùng chặt chẽ. "Tất cả mọi thứ đều phải được tính toán chính xác đến từng giây. Trên Concorde, phi công không thể thực hiện một số thao tác mà không có sự trợ giúp của cơ giới trên không. Ngược lại, cơ giới trên không cũng không thể làm một số việc mà không có phi công”, ông chia sẻ.
Hazelby cũng nhận thấy rằng đội ngũ làm việc trên Concorde thường xuyên bay cùng nhau hơn so với các dòng máy bay khác như 747. "Vì đội ngũ trên Concorde rất ít nên chúng tôi thường xuyên bay cùng nhau, điều đó tạo ra một sự gắn kết cá nhân mạnh mẽ hơn", Hazelby kể.
Dù không có nhiều thời gian để trò chuyện cá nhân trong chuyến bay do khối lượng công việc lớn, nhưng sau khi hạ cánh tại New York, các thành viên thường cùng nhau đi ăn tối. "Những bữa ăn đó luôn tràn ngập tiếng cười. Mối quan hệ giữa cơ giới trên không và phi công luôn có sự tôn trọng lẫn nhau và không thiếu những câu chuyện hài hước", Hazelby kể lại.
Ông cũng nhớ về một trò đùa lâu đời trên các chuyến bay Concorde, khi cả cơ trưởng, cơ phó và cơ giới trên không không bao giờ ăn các món giống nhau để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. "Cơ trưởng thường chọn beefsteak, cơ phó chọn thịt cừu và cơ giới trên không như tôi thì thường bị đùa rằng phải ăn món gà."
Vai trò của cơ giới trên không trên Concorde có phần ít được chú ý hơn nhưng trong những lúc sự cố xảy ra, đó chính là lúc họ trở nên đặc biệt quan trọng. "Chúng tôi có thể đưa ra những lời khuyên kỹ thuật quan trọng cho cơ trưởng về việc nên làm gì tiếp theo", Hazelby chia sẻ.
John Tye, một cựu phi công Concorde, từng chia sẻ với CNN rằng cơ giới trên không là một thành viên "vô cùng quan trọng" trong tổ bay Concorde. Ông cũng lưu ý rằng việc ngồi trên ghế của cơ giới trên không trên Concorde là một trải nghiệm cực kỳ hiếm hoi. Trong số hàng trăm cơ giới trên không làm việc cho British Airways, chỉ có 57 người từng vận hành Concorde.
“Dù vai trò của cơ giới trên không thường không được đánh giá cao, chính kiến thức và kỹ năng của họ là nền tảng cho mỗi chuyến bay siêu thanh”, Tye khẳng định.
Dù đã nghỉ hưu, nhiều cựu nhân viên của Concorde, bao gồm cả Hazelby, vẫn giữ liên lạc và thường xuyên tổ chức những buổi họp mặt tại Bảo tàng Hàng không Brooklands, nơi trưng bày một trong 18 chiếc Concorde còn tồn tại.
Trong những năm làm việc trên Concorde, Hazelby có cơ hội gặp gỡ không ít người nổi tiếng. "Một trong những chuyến bay đặc biệt nhất tôi từng tham gia là chuyến đi đến Barbados hai tuần trước Giáng sinh. Tất cả 54 hành khách trên chuyến bay hôm đó đều là người nổi tiếng," ông kể lại.
Trong số những hành khách đó có Mick Jagger và Bianca Jagger. Hazelby nhớ về một tình huống khá hài hước khi ông phải chen ngang vào hàng chờ nhà vệ sinh trước Bianca Jagger. “Tôi phải nói với cô ấy rằng: ‘Xin lỗi, tôi không thể rời buồng lái quá lâu, nên tôi phải vào trước’”, Hazelby kể lại và cười lớn.
Ngoài những lần gặp gỡ người nổi tiếng, phi hành đoàn của Concorde cũng có cơ hội chiêm ngưỡng những kỳ quan thiên nhiên mà ít người có thể thấy được. Warren Hazelby nhớ lại: "Chúng tôi không thể nhìn nhiều qua phía trước máy bay, nhưng qua cửa sổ bên cạnh, ở độ cao 60.000 feet (khoảng 18.300 m), bạn có thể thấy rõ đường cong của Trái đất."
Còn khi bay vào ban đêm, có những lúc may mắn, phi hành đoàn có thể nhìn thấy cực quang. "Khi ở độ cao đó, bầu trời có màu xanh thẫm. Đó là một cảnh tượng tuyệt vời," Hazelby chia sẻ.
Một điều khác khiến Hazelby không bao giờ chán là trải nghiệm độc đáo về thời gian. Khi bay buổi tối từ London đến New York, Concorde di chuyển nhanh đến mức mặt trời lặn rồi lại mọc trở lại. “Khi chúng tôi tăng tốc về phía New York, máy bay di chuyển nhanh hơn vòng quay của Trái Đất và mặt trời lại mọc trở lại”, ông nhớ lại. "Thực sự là bạn có thể thấy mặt trời mọc từ phía tây - điều mà không nhiều người được chứng kiến".
Chuyến bay cuối cùng của Concorde vào tháng 11/2003 là một trải nghiệm đầy xúc động với Hazelby. Là cơ giới trên không trên chiếc máy bay huyền thoại này, Hazelby đã hy vọng được làm việc lâu dài hơn với Concorde, nhưng cuối cùng ông chỉ có một năm bay trên chiếc máy bay siêu thanh này trước khi British Airways quyết định ngừng vận hành chúng. Trước đó, Air France cũng đã cho dừng bay Concorde.
Ngày hôm đó, khi lái xe đến sân bay, Hazelby nghe radio và các chương trình phát thanh đều nói về chuyến bay cuối cùng của Concorde. "Thật kỳ lạ khi nghe mọi người nói về chuyến bay, và tôi nghĩ rằng: 'Ồ, họ đang nói về tôi trên radio,'" ông kể lại.
Chuyến bay cuối cùng của Concorde cất cánh từ sân bay Heathrow ở London và hạ cánh xuống Filton, gần Bristol (Anh), nơi nó được chế tạo cách đó bốn thập kỷ.
Hazelby không chỉ xúc động vì đây là chuyến bay cuối cùng của Concorde mà còn vì sự liên kết cá nhân đặc biệt của ông với Filton. "Tôi được sinh ra tại bệnh viện Southmead ở Filton. Thật trùng hợp ngẫu nhiên nhưng cũng rất kỳ lạ", ông kể.
Trong khi Hazelby bay qua bệnh viện Southmead, chú của ông đang điều trị ung thư ở đó. "Họ đã đưa chú tôi ra ngoài bằng xe lăn để ông có thể nhìn thấy chiếc Concorde bay qua. Đó là một ngày vô cùng cảm động”, ông xúc động kể lại.
Khi Concorde hạ cánh lần cuối cùng, một trong những phi công đã mời Hazelby và các thành viên khác trong phi hành đoàn đến nhà để ăn tối. Họ cùng nhau nâng ly chúc mừng Concorde cho đến tận sáng.
“Đó thực sự là một kết thúc đặc biệt cho sự nghiệp bay của tôi”, Hazelby chia sẻ.
Chiếc Concorde cuối cùng này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Vũ trụ Bristol, nơi du khách có thể tham quan nó, nhìn thấy những chữ ký của các hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay cuối cùng. Tên của Hazelby nằm trong số đó.
Trước chuyến bay cuối cùng của Concorde, Hazelby từng trả lời phỏng vấn trên tờ Wall Street Journal về việc vai trò cơ giới trên không đang dần biến mất. Vào thời điểm đó, Hazelby vẫn lạc quan cho rằng các máy bay siêu đường dài trong tương lai có thể cần đến cơ giới trên không.
Nhưng đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra. "Máy bay giờ đây gần như hoàn toàn tự động hóa", Hazelby thừa nhận.
Dù đã chấp nhận thực tế rằng sự nghiệp của mình giờ chỉ còn là một phần của quá khứ, Hazelby vẫn tự hào về những gì đã trải qua. "Chúng tôi biết rằng việc bị thay thế bởi máy tính là điều sớm muộn sẽ xảy ra, nhưng đó là thực tế mà chúng tôi phải sống chung," ông nói.
Một số đồng nghiệp trẻ của Hazelby đã tái đào tạo và trở thành phi công, trong khi một số cơ giới trên không lớn tuổi khác chọn nghỉ hưu sớm hoặc chuyển sang làm tài xế tàu cao tốc. Còn Hazelby thì ở lại British Airways thêm vài năm và trở thành người đứng đầu bộ phận an toàn hàng không.
Dù đã hơn hai thập kỷ trôi qua kể từ lần cuối cùng Hazelby ngồi trong buồng lái chuẩn bị cho chuyến bay, thỉnh thoảng ông vẫn mơ thấy mình đang chạy đua với thời gian để kịp đến sân bay làm việc trên Concorde.
Trong căn nhà của ông và vợ - một cựu tiếp viên hàng không của British Airways - treo nhiều bức ảnh và kỷ vật về Concorde. Bộ đồng phục của Hazelby vẫn còn treo đầy tự hào trong tủ quần áo của ông.
Hiện tại, ông và vợ dành nhiều thời gian để du lịch và tận hưởng quãng đời hưu trí. Mỗi khi ngồi trên những chuyến bay bị hoãn và nghe phi công thông báo về "vấn đề kỹ thuật" khiến chuyến bay chưa thể cất cánh, Hazelby không khỏi tự mình chẩn đoán vấn đề. Ông ngồi đó, suy nghĩ về các kịch bản và giải pháp, tự hỏi liệu một cơ giới trên không có thể là câu trả lời cho những rắc rối đó.
"Tôi luôn mong rằng vai trò cơ giới trên không có thể tồn tại lâu hơn. Nhưng công nghệ đang ngày càng tiến bộ và điều đó phải kết thúc. Thế nên tôi nghĩ đa số mọi người đều đã chấp nhận thực tế. Và để trở thành cơ giới trên không cuối cùng của British Airways, tôi thật sự cảm thấy đặc biệt và rất tự hào về điều đó", Hazelby nói.