Trong nước

Hàng không Việt có nhiều thuận lợi để bứt phá

Nguyệt Quỳnh 26/12/2024 15:07

Ngành hàng không Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá hơn nữa trong giai đoạn tới, đặc biệt từ những tiền đề quan trọng sau sự phục hồi tích cực trong năm 2024.

san bay (35)

Ngày 26/12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức "Diễn đàn Dịch vụ Logistics Hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam".

Sẵn sàng cho chặng đường bứt phá

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Võ Huy Cường - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - đánh giá năm nay ngành hàng không Việt đã đạt những kết quả tiệm cận với năm 2019 - vốn được xem là đỉnh cao của ngành trước khi bước vào giai đoạn suy thoái do đại dịch COVID-19.

Theo đó, sản lượng vận chuyển quốc tế đạt khoảng hơn 41 triệu lượt hành khách, tăng 27% so với năm 2023 và tương đương sản lượng năm 2019. Bốn hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines khai thác 98 đường bay quốc tế đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, có 72 hãng hàng không nước ngoài của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác 124 đường bay kết nối đến các thành phố và địa phương trọng điểm trong phát triển du lịch của đất nước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt.

Về thị phần khai thác vận chuyển quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam vẫn duy trì ổn định trên 42%, trong đó, Vietnam Airlines chiếm 17,9% và Vietjet Air chiếm khoảng 24,2% thị phần với hệ số sử dụng ghế bình quân đạt gần 80%.

Kết quả này rất có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh đội tàu bay của các hãng bị suy giảm mạnh do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW).

Lý giải về nguyên nhân của sự phục hồi này, ông Cường cho biết trước hết là việc Việt Nam đã tạo lập và duy trì được vị thế, hình ảnh một điểm đến an toàn, đặc biệt là bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

Về thước đo, ngành hàng không Việt Nam được trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 - Category 1 (CAT 1). Nhìn vào chứng chỉ CAT 1, các hãng bay nước ngoài cảm thấy an tâm khi đến Việt Nam.

opensky_img_5911.jpg
Ảnh: Nguyệt Quỳnh.

Ngành hàng không tự hào vì góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam là một điểm đến an toàn. Hàng không Việt phát triển chậm nhưng chắc và có nhiều triển vọng phát triển.

Ông Võ Huy Cường, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Thứ hai, thủ tục cấp thị thực của Việt Nam hiện nay được đánh giá thông thoáng so với các nước trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam.

Thứ ba, kể từ sau đại dịch, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và nhà chức trách hàng không Việt Nam đã tích cực trao đổi với các đối tác nước ngoài để khôi phục các đường bay quốc tế bị đứt gãy do dịch bệnh. Điều này góp phần tạo dựng niềm tin của các hãng bay nước ngoài về sự đồng hành và trách nhiệm của Việt Nam

Thứ tư, cơ sở hạ tầng hàng không không ngừng được nâng cấp, mở rộng. "Ngành hàng không đã chứng kiến sự thay da đổi thịt về hạ tầng từ nhà ga, đường dẫn tới nhà ga, đường lăn cất hạ cánh. Từ sau 2025, với việc hoàn thành sân bay quốc tế Long Thành, diện mạo hạ tầng của ngành hàng không sẽ càng được nâng cao", ông Cường nói.

Bên cạnh đó, nhiều quy trình có liên quan đến việc đi lại của khách du lịch như quản lý xuất nhập cảnh cũng được cải tiến, làm tăng thiện cảm của điểm đến.

Thứ năm, dù có số lượng không lớn nhưng các hãng bay Việt rất chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định dấu ấn Việt trên đường bay quốc tế.

"Chúng ta chỉ có 4 hãng hàng không với 2 hãng chủ lực (Vietnam Airlines, Vietjet) nhưng đã khai thác đến 29 đường bay quốc tế. Trong khi đó, có đến 72 hãng bay nước ngoài khai thác 124 đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam. Nhưng các hãng nội địa vẫn chiếm đến 42% thị phần bay quốc tế", ông Cường phân tích.

Đánh giá bức tranh toàn cảnh có nhiều gam màu tích cực, ngành hàng không Việt đang có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá hơn nữa trong giai đoạn tới.

Trước hết là những tiền đề quan trọng từ sự phục hồi tích cực trong năm 2024. Bên cạnh đó, tiềm năng rộng mở từ sân bay quốc tế Long Thành với tư cách là một dự án trọng điểm do người Việt Nam tự xây dựng, tự đầu tư, tự khai thác và có thể khai thác không kém các nước khác. Dự án hứa hẹn sẽ tạo là không gian phát triển mới cho cả vùng kinh tế phía Nam.

Đặc biệt, năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không từng bước phục hồi và nâng cao. "Chúng ta có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế và sẵn sàng cạnh tranh. Có 2 hãng có sức cạnh tranh rất lớn là Vietjet và Vietnam Airlines đều đang đàm phàn với các đối tác để bổ sung đội tàu", ông Cường nói.

Các thách thức cho quá trình tăng tốc

Bên cạnh thuận lợi, ông Võ Huy Cường cũng chỉ ra 9 thách thức có thể tác động đến sự tăng tốc của ngành hàng không Việt.

Đầu tiên là tình hình chính trị thế giới vẫn còn những biến động rất lớn. Hai là các biện pháp cấm vận kinh tế, đóng cửa không phận của Liên bang Nga. Ba là đứt gãy chuỗi cưng ứng về nguyên, nhiên liệu, tác động trực tiếp đến khả năng sản xuất mới đội tàu bay.

Bốn là, chi phí khai thác của các chuyến bay sẽ tăng cao, nhất là khi gắn với yêu cầu về sử dụng nhiên liệu bền vững (thậm chí đắt gấp đôi nhiên liệu thông thường).

san bay Noi Bai_16
Sản lượng vận chuyển quốc tế đạt khoảng hơn 41 triệu lượt hành khách, tăng 27% so với năm 2023 và tương đương sản lượng năm 2019. Ảnh minh họa: Khánh Huyền.

Năm là các yêu cầu về bảo đảm an ninh hàng không ngày càng cao, nhất là từ sau những dẫn chứng về sử dụng máy bay không người lái (UAV) trong xung đột Ukraine và sự cố phần mềm trên Windows khiến hàng không toàn cầu đình trệ ngày 19/7.

Sáu là biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến chi phí bảo dưỡng và mua sắm bổ sung các thiết bị cảnh báo thời tiết.

Bảy là các nguy cơ về dịch bệnh vẫn hiện hữu. Tám là việc đào tạo nguồn nhân lực cho hàng không cần có một chiến lược dài hạn. Chín là sự thay đổi của bức tranh thị trường hàng không, du lịch, nhất là các thị trường truyền thống, đòi hỏi phải có sự thay đổi chiến lược tổng thể.

"Dù có nhiều nhưng khó khăn không thể bó buộc chúng ta và có rất nhiều giải pháp để đối diện với các thách thức này", ông Cường khẳng định.

Nổi bật
Mới nhất
Hàng không Việt có nhiều thuận lợi để bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO