Kinh doanh

Hàng không Việt trên đà phục hồi với nhiều dự báo tích cực

Châu Anh 06/11/2024 14:11

Ngành hàng không đang trên đà phục hồi với mức tăng trưởng doanh thu cao kể từ sau dịch COVID-19, nhưng lợi nhuận vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Tại Diễn đàn Diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không hàng đầu thế giới - Trinity Forum 2024, ông Justin Erbacci, Tổng giám đốc Hội đồng sân bay quốc tế thế giới (Airports Council International - ACI World) cho biết nhu cầu di chuyển trở lại mức trước dịch COVID-19, nhưng lạm phát tăng làm giá vé đắt thêm, ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội thống nhất cần thiết kiến nghị Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư sân bay Long Thành phù hợp với thực tế triển khai dự án hiện nay. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.
Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng bùng nổ với những sân bay hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ.

Bên cạnh đó, các yếu tố như xung đột địa chính trị và chính sách bảo hộ cũng gây khó khăn cho ngành, lợi nhuận các doanh nghiệp hàng không chưa đạt như kỳ vọng.

"Vẫn cần các giải pháp thay đổi về cơ sở hạ tầng tầng, nâng cao hiệu suất hoạt động tại các sân bay thông qua các giải pháp như số hóa giúp chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng", Tổng giám đốc ACI khuyến nghị.

Thời điểm chín muồi phát triển hàng không

Dẫu vậy, ông Erbacci cho rằng đây là thời điểm nhiều cơ hội đang mở ra khi quy mô lĩnh vực này tăng trưởng. Dữ liệu từ ACI dự đoán năm nay, toàn cầu có khoảng 9,4 tỷ lượt hành khách, vượt mức trước đại dịch (9,2 tỷ lượt năm 2019) và đạt khoảng 102,5% so với năm 2019.

Dự báo tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ ở các khu vực như châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông, nơi lưu lượng hành khách đang dần trở lại mức bình thường và phát triển.

CEO của ACI đánh giá Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng bùng nổ với những sân bay hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đây chính là cơ hội để mở rộng về doanh thu, khẳng định vị thế, quảng bá hình ảnh.

Tổng giám đốc ACI khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông Stefano Baronci cũng nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng rất lớn về kinh tế, đặc biệt là ngành hàng không khi mỗi năm phục vụ 44 triệu hành khách đã tăng lên cả trăm triệu hành khách chỉ trong một vài năm.

Ông Baronci đánh giá hiện nay là thời điểm chín muồi để ngành hàng không tăng trưởng sau giai đoạn phục hồi kể từ sau đại dịch COVID-19.

Với số lượng khách tăng, nhu cầu cần được chăm sóc của hành khách cũng sẽ tăng lên, đây là lý do để các doanh nghiệp có dịch vụ tốt, tăng doanh thu cho ngành hàng không.

Ông Xavier Rossinyol, Tổng giám đốc Tập đoàn Avolta - đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực miễn thuế và ẩm thực sân bay, cho rằng phân loại khách hàng để phục vụ theo nhu cầu là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển

Tại Việt Nam, 10 tháng đầu năm nay lượng khách quốc tế qua các cảng hàng không cải thiện rõ rệt, đạt 34,6 triệu khách, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Hai hãng hàng không lớn trong nước Vietnam Airlines và Vietjet Air đều ghi nhận kết quả khả quan trong 9 tháng với doanh thu hợp nhất lần lượt đạt 85.466 tỷ đồng và 52.200 tỷ đồng. Lãi sau thuế của hai "ông lớn" nắm hơn 85% thị phần vận chuyển hàng không trong nước lần lượt là hơn 6.263 tỷ đồng (Vietnam Airlines) và 1.405 tỷ đồng (Vietjet Air).

458075086_913097567524410_1605222301549972647_n.jpg
Lưu lượng hành khách đang dần trở lại mức bình thường và phát triển ở các khu vực như châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông. Ảnh minh họa: NIA.

Ngoài các hãng hàng không, đơn vị cung ứng dịch vụ sân bay như Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - SASCO cũng có lãi trước thuế 356 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023) sau 9 tháng. Trước đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu năm nay là 2.903 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước. Sau 3 quý, công ty đã hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và vượt 4% mục tiêu về lợi nhuận.

Hàng không Việt đón 200 triệu khách vào năm 2030

Theo AIC, dự báo tổng lượng hành khách qua các sân bay Việt Nam tăng mạnh, đạt 150 triệu vào 2025 và hơn 200 triệu khách tới 2030. Các dịch vụ phi hàng không tại sân bay, như thương mại và thông quan cũng phát triển, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đầu tư mới, mở rộng các sân bay trong nước để đón sóng khách quốc tế. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến rót 16 tỷ USD vào các dự án sân bay Long Thành, mở rộng nhà ga tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Doanh nghiệp này đang tìm đối tác quốc tế để ứng dụng tự động hóa và AI vào sân bay Long Thành, giúp hành khách check-in và nhận diện sinh trắc học nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - doanh nghiệp đầu tư, quản lý sân bay, cửa hàng miễn thuế - cũng tăng hợp tác với đối tác nước ngoài, mở rộng sản phẩm bán trong hệ thống cửa hàng miễn thuế tại các sân bay. Trong khuôn khổ Trinity Forum 2024, tập đoàn này ký thỏa thuận chiến lược với Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc (CDFG), bổ sung nhiều thương hiệu độc quyền cho thị trường Việt Nam.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch IPPG dự báo năm 2025 là thời điểm bùng nổ du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, thúc đẩy hoạt động cửa hàng miễn thuế.

Ông Trương Trung Thành, Phó giám đốc giải pháp vận hành, sân bay quốc tế Long Thành (ACV), cho biết cảng hàng không quốc tế Long Thành được coi là cam kết của ngành hàng không Việt Nam về sự phát triển đối với quốc tế.

"Đóng vai trò như “ngọn Hải Đăng”, sân bay Long Thành sẽ nâng tầm ngành hàng không Việt ra ngoài khu vực và trên toàn thế giới. Đó cũng là cam kết trong sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam cũng như việc thúc đẩy hợp tác quốc tế", ông Thành khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hàng không Việt trên đà phục hồi với nhiều dự báo tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO