Khách bay

Giải mã lý do jet lag tệ hơn khi bay về hướng Đông

Hoàng Hà 11/10/2024 06:17

Jet lag thường khiến cơ thể mệt mỏi, đầu óc mơ hồ sau mỗi chuyến bay dài, đặc biệt nghiêm trọng hơn khi bay về hướng Đông.

jet lag

Những người thường xuyên bay đường dài chắc hẳn không còn xa lạ với hiện tượng jet lag - lệch múi giờ, với cảm giác mệt mỏi, chậm chạp và mất phương hướng.

Bạn có thể thấy mình thèm ngủ vào giữa trưa hoặc đói bụng lúc nửa đêm. Tuy nhiên, điều mà nhiều người công nhận là: bay về hướng Đông khiến tình trạng này tệ hơn hẳn so với hướng Tây.

Vì sao lệch múi giờ khi bay về hướng Đông lại nghiêm trọng hơn?

Nguyên nhân nằm ở nhịp sinh học của cơ thể. Đây là chu kỳ 24 giờ điều chỉnh giấc ngủ và các hoạt động quan trọng khác.

Theo các nhà khoa học tại Đại học Maryland, nhịp sinh học trung bình của con người thường dài hơn 24 giờ một chút, khiến chúng ta dễ thích nghi hơn với việc "kéo dài ngày" như khi bay về hướng tây. Ngược lại, việc "ép" cơ thể đi ngủ sớm hơn khi bay về hướng đông sẽ làm nhịp sinh học khó điều chỉnh hơn.

Giả sử bạn có chuyến bay từ Paris (Pháp) đến Hà Nội vào buổi sáng. Khi hạ cánh tại Hà Nội lúc 8h sáng theo giờ địa phương, cơ thể bạn vẫn nghĩ rằng đó chỉ mới 3h sáng (giờ Paris). Vì vậy, dù bên ngoài là buổi sáng và mọi người đều đã tỉnh táo, bạn vẫn cảm thấy buồn ngủ và uể oải như đang thức dậy sớm hơn 5 tiếng so với bình thường.

Ngược lại, nếu bạn bay từ Hà Nội đi Paris và cũng hạ cánh lúc 8h sáng theo giờ Paris, đồng hồ sinh học của bạn vẫn cho rằng là 13h như giờ Hà Nội. Bạn sẽ dễ thích nghi hơn vì cơ thể chỉ cần kéo dài thêm thời gian thức một chút, tương tự như việc bạn thức khuya thêm vài tiếng so với thường ngày.

Đồng hồ sinh học hoạt động thế nào?

Đồng hồ sinh học của cơ thể, hay còn gọi là nhân trên chéo là một nhóm nhỏ gồm các tế bào thần kinh nằm trong vùng dưới đồi của não, đóng vai trò như một "nhạc trưởng" điều phối nhịp điệu sinh học dựa trên ánh sáng.

Khi bạn di chuyển qua nhiều múi giờ, các tế bào thần kinh này cần thời gian để điều chỉnh lại. Đi từ Tây sang Đông đòi hỏi cơ thể "tiến pha" - tức điều chỉnh thời gian ngủ/thức sớm hơn, trong khi đi từ Đông sang Tây chỉ cần "trễ pha", gần giống như thức khuya thêm vài giờ.

Mẹo giảm tình trạng lệch múi giờ

Dưới đây là một số cách để giúp cơ thể thích nghi với múi giờ mới nhanh hơn:

Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: Ánh sáng tự nhiên là chìa khóa giúp đồng hồ sinh học điều chỉnh. Dành thời gian ngoài trời vào buổi sáng khi đến nơi sẽ giúp cơ thể dễ thích nghi hơn.

Uống đủ nước: Cơ thể dễ bị mất nước trong chuyến bay dài, khiến bạn thêm mệt mỏi. Uống nhiều nước trước, trong và sau chuyến bay sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.

Điều chỉnh giờ giấc trước chuyến bay: Thử đi ngủ và thức dậy theo giờ của nơi đến vài ngày trước khi bay giúp đồng hồ sinh học làm quen với nhịp mới.

Tránh thói quen múi giờ cũ: Khi đến nơi, hãy ăn uống và ngủ nghỉ theo giờ địa phương. Tránh theo nhịp của múi giờ cũ, vì điều này sẽ làm bạn khó thích nghi hơn.

Lệch múi giờ là hiện tượng không thể tránh khỏi với những ai du lịch bằng máy bay qua nhiều múi giờ, đặc biệt khi đi từ Tây sang Đông. Nhưng với một chút chuẩn bị và điều chỉnh, bạn có thể giúp cơ thể nhanh chóng thích nghi và tận hưởng hành trình trọn vẹn hơn.

Chỉ cần duy trì cân bằng nhịp sinh học và chăm sóc sức khỏe, bạn sẽ dễ dàng vượt qua jet lag và có những trải nghiệm tuyệt vời hơn trong mỗi chuyến đi.

Theo Business Insider
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải mã lý do jet lag tệ hơn khi bay về hướng Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO