Trong tháng cao điểm Tết 2024, 4.856 chuyến bay về chậm giờ. Riêng trong ba ngày 4-6/2, gần 700 chuyến bay bị trễ.
Theo số liệu khai thác các chuyến bay do Cục Hàng không Việt Nam thống kê, trong tháng 2, tỷ lệ chậm chuyến có dấu hiệu tăng rõ rệt so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, Vietnam Airlines có 20,5% số chuyến bay bị chậm, Vietjet có 45,6%, Bamboo có 31,5%. So với tháng 2/2023, tỷ lệ số chuyến muộn tăng 20%.
Trong khi đó, tổng số chuyến bay của các hãng tăng tới 15,1%, tải hành khách cũng tăng 11%.
Nguyên nhân chiếm tỷ lệ lớn nhất là tàu bay về muộn tăng 12,7%. Vietnam Airlines có 1.355 chuyến về muộn, Vietjet có 2.546 chuyến, các hãng khác như Pacific Airlines, Vietravel, Bamboo Airways cũng gặp tình trạng tương tự với khoảng 200 chuyến bị chậm.
Trước đó, các hãng đều đã thuê ướt (thuê cả tàu bay lẫn phi hành đoàn) thêm tàu bay cho dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024. Vào cuối tháng 1/2024, Vietnam Airlines tăng cường thêm 4 máy bay Airbus A320 thuê ướt. Bamboo Airways cũng tiếp nhận thêm 2 máy bay thuê ướt ngay từ đầu tháng 1/2024 để tăng 20% tải cung ứng trong giai đoạn cao điểm Tết. Vietjet tiếp nhận thêm 4 máy bay thuê nâng số lượng máy bay lên 107 chiếc trước thềm Tết. Tổng số chuyến đã tăng đáng kể, số lượt cất/hạ cánh tăng nhưng tình hình chậm chuyến do máy bay quay đầu không kịp vẫn diễn ra.
Vào hồi đầu tháng 3, Tổng công ty quản lý cảng ACV đã báo cáo về sản lượng hạ cất cánh tháng 2 đạt 62.712 lượt/chuyến, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng hành khách tháng 2 đạt 9.669.791 khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2023.
Tình hình chậm, hủy chuyến đã diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất ngay trước dịp Tết 2024. Từ 0h ngày 1/2 đến 16h ngày 3/2 (22-24 tháng Chạp), cảng hàng không này khai thác hơn 1.100 chuyến. Trong số này, 659 chuyến chậm giờ, chiếm gần 60%. Dù sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất đều được tăng slot lên mức tối đa, áp dụng các công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu, ra quyết định chung, bài toán giảm ùn tắc, chậm chuyến vẫn còn nan giải.
Bên cạnh các nguyên nhân về số lượng hành khách tăng đột biến, thời tiết sương mù dày đặc vào khoảng ngày 1-3/2 cũng gây nên nhiều cản trở cho công tác điều hành bay. Các chuyến bay không thể cất cánh, cảng hàng không Nội Bài không thể tiếp nhận chuyến bay, từ đó gây ra sự chậm trễ kéo dài. Riêng tại sân bay Nội Bài, ước tính trong một buổi sáng có khoảng 40 chuyến bay đã bị chậm vì thời tiết xấu, tầm nhìn không đủ điều kiện cất/hạ cánh.