Dấu chân

Chuyện 'lên giời' thời bao cấp

Nguyễn Như Phong 19/03/2024 16:53

Bây giờ đi máy bay đã trở thành chuyện thường ngày và quá dễ dàng, thậm chí không cần mua vé trước, ra sân bay “vớ chuyến nào” mua vé đi chuyến ấy. Đặc biệt là từ khi ra đời các hãng hàng không giá rẻ, cơ hội được “lên giời” có thể đến với bất cứ ai.

20240207011225_original_36.jpg

Còn tôi, mỗi lần đi máy bay, tôi lại nhớ đến những chuyến bay thời bao cấp - mà đặc biệt là trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Đi máy bay ngày ấy khổ hơn bây giờ tỷ lần, nhưng cũng sướng hơn không ít!

Ngày ấy, mua được vé máy bay thì thật là “thiên nan vạn nan”. Phải là cán bộ có đủ tiêu chuẩn đi máy bay đã đành, rồi lại phải có giấy công tác, giấy giới thiệu và để được cơ quan tài vụ duyệt cho mua vé máy bay là điều không đơn giản. Có được đủ thủ tục của cơ quan chủ quản thì phải mang ra phòng vé ở Hàng Trống, chờ xếp hàng có khi mất cả tuần.

Rất nhiều cơ quan nhà nước có quy định hẳn hoi về tiêu chuẩn được đi máy bay, thường phải là cán bộ cấp Cục, Vụ trở lên. Tôi là phóng viên báo Công an Nhân dân, nên cũng được ưu ái khi mua vé. Bởi vì thẻ nhà báo ghi rõ: được ưu tiên khi mua vé tàu, xe, ưu tiên qua cầu, phà. Tuy nhiên, phải là có việc gì đặc biệt lắm, cơ quan mới duyệt cho đi máy bay.

Giá vé máy bay ngày ấy không hề rẻ chút nào. Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ những năm 1984 - 1988, giá vé bay khứ hồi Nội Bài - Tân Sơn Nhất ngang với một chỉ vàng!

Thời ấy, mỗi ngày chỉ có 4 hoặc 6 chuyến bay Hà Nội - TP. HCM và ngược lại. Máy bay chủ yếu là TU-134A, TU-134B hoặc IL-18, thậm chí cả AN-26 của Liên Xô. TU-134 là máy bay 2 động cơ phản lực, có tốc độ ngang Airbus 320 hiện nay, nên bay từ Hà Nội vào TP.HCM cũng chỉ khoảng dưới 2 tiếng; còn IL-18 chỉ có tốc độ khoảng hơn 600km/h nên bay hết gần 2 tiếng rưỡi. Nếu đi AN-26, hoặc YAK-40 thì “chậm thê thảm” và phải tiếp dầu ở Đà Nẵng. Hiếm hoi lắm mới có chuyến bay bằng Boeing 707 của chế độ cũ Sài Gòn mà ta thu được.

20240207011317_original_16.jpg

Mua được vé máy bay đã gian nan, nhưng đến lúc ra sân bay làm thủ tục thì cũng thật nhiều cơ cực. Ngày ấy không có máy tính như bây giờ, mà nhân viên sẽ có một danh sách đánh máy. Cả sân bay Nội Bài chỉ có hai quầy làm thủ tục, khách đến đưa vé ra, nhân viên sẽ tra theo danh sách, nếu đúng thì cấp thẻ lên tàu.

Làm thủ tục xong, vào cửa an ninh thì tất cả hành lý bị dỡ ra để khám xét. Thời gian để làm thủ tục nhanh nhất cũng mất 2 tiếng. Rồi lại xếp hàng ra máy bay, ô tô chở hành khách thường là xe Hải Âu (Nga) hoặc xe Karosa (Tiệp Khắc).

Nhưng khi lên máy bay thì bao trùm tất cả là một cảm giác mãn nguyện vì đã được “lên giời”!

Máy bay cất cách khoảng 20 phút, tiếp viên bắt đầu phục vụ đồ ăn. Ôi chao, suất ăn hàng không ngày ấy sao mà đầy đặn đến thế, sang trọng như thế! Phục vụ bây giờ nhanh hơn, tần suất chuyến bay dày đặc hơn, nhưng những suất ăn trên máy bay bây giờ thua xa, rất xa ngày ấy!

Một suất ăn cho khách đi vé hạng phổ thông gồm 1 đĩa xôi khá đầy đặn; 1 khoanh giò lụa dày hơn một đốt ngón tay; lại có hoa quả như cam, chuối; rồi có cafe, có trà, caramen và ai thích uống bia thì cũng có bia. Chưa hết, trên máy bay ngày ấy được hút thuốc lá nên một cảm giác thật khó tả khi uống bia, ăn giò lụa, lại phì phèo điếu thuốc Tam Đảo hay Điện Biên.

Và nếu đi máy bay IL-18 thì còn sung sướng hơn nữa, bởi IL-18 bay ở độ cao thấp, tốc độ chậm nên nhìn rõ người đi xe đạp trên đường và thỏa sức ngắm nhìn non sông cẩm tú dưới cánh bay.

Quả thật, thời đó được đi máy bay là một cái gì cao sang lắm, hiếm hoi lắm và người được ngồi trên máy bay bao giờ cũng có cảm giác tự hào và sung sướng đến từng tế bào...

Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất là hiện đại nhất thời bấy giờ, còn nếu đi sân bay địa phương như Buôn Ma Thuột, Pleiku thì có lắm chuyện cười ra nước mắt.

Ở sân bay Pleiku, hành khách chỉ biết khi máy bay sắp xuống là có hai nhân viên phóng xe máy chạy dọc đường băng để… đuổi bò! Năm 1985, tôi bay từ Tân Sơn Nhất lên Pleiku bằng máy bay AN-26. Khi chuẩn bị hạ cánh thì một bên càng máy bay không hoạt động. Phi công phải cho máy bay lắc lư liên tục để bung càng ra. Hành khách thì sợ chết khiếp, nhưng cô tiếp viên nét mặt vẫn dửng dưng như không. Tôi hỏi: “Liệu có chữa được không hả em?”. Cô tiếp viên trả lời thản nhiên: “À, nó vẫn hay bị thế đấy mà!”. Rồi bỗng nghe tiếng “cục cục” dưới bụng máy bay, cô tiếp viên nở nụ cười tươi rói : “Đấy, nó thò ra rồi!”.

Nhớ lại những chuyến bay thời đó, bao giờ cho đến ngày xưa?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyện 'lên giời' thời bao cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO