Việc thành lập khu thương mại tự do được đánh giá là sẽ tạo động tăng trưởng mới cho tỉnh Đồng Nai, khi mà địa phương này cần có mô hình kinh tế mới để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương nhằm thực hiện kết luận của Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế tổ chức ngày 21/2 vừa qua, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do gần sân bay Long Thành.
Việc thành lập khu thương mại tự do này tạo điều kiện cho Đồng Nai có thể tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sân bay khi đưa vào hoạt động.
Theo ông Đức, nằm trong chuỗi các giải pháp ngắn hạn thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số bắt đầu từ năm 2025, hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ thành lập khu công nghệ thông tin tập trung và xin Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do, khu công nghệ cao để xây dựng các cơ sở dữ liệu số và thay đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh.
Việc thành lập khu thương mại tự do được đánh giá là sẽ tạo động tăng trưởng mới cho tỉnh Đồng Nai, khi mà địa phương này cần có mô hình kinh tế mới để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.
Mới đây, Đồng Nai cũng vừa tổ chức hội nghị Thảo luận về việc thành lập khu thương mại tự do trên địa bàn tỉnh.
Theo đơn vị tư vấn và các chuyên gia kinh tế, Đồng Nai hội tụ các lợi thế về đất đai, vị trí, nhân lực, hạ tầng, môi trường…, rất thuận lợi để phát triển khu thương mại tự do. Thành lập khu thương mại tự do sẽ tăng thương mại, đầu tư, tạo việc làm và có các cơ chế vượt trội cho doanh nghiệp hoạt động.
Theo đó, Khu thương mại tự do Đồng Nai được các chuyên gia đề xuất, lựa chọn 8 ngành công nghiệp, dịch vụ chính để phát triển là: sản xuất dược phẩm, hóa chất; phụ tùng và lắp ráp ô tô, máy bay; hàng điện tử công nghiệp, điện tử tiêu dùng; các sản phẩm bán dẫn, AI, IoT; chế biến nông sản chất lượng cao để xuất khẩu; bảo dưỡng máy bay; thương mại điện tử; dịch vụ chuyển phát nhanh. Các sản phẩm sản xuất ra chủ yếu dành cho xuất khẩu.
Theo đánh giá, việc nhanh chóng đầu tư khu thương mại tự do sẽ giúp Đồng Nai khai thác được các lợi thế từ sân bay Long Thành, cảng Phước An, thúc đẩy thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao. Điều này sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh vượt 10%/năm.
Hiện nay, Việt Nam chưa có mô hình cụ thể cho khu TMTD, nhưng một số quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận đã xây dựng các khu TMTD và hoạt động rất hiệu quả. Có thể kể đến như Hàn Quốc, gần Sân bay quốc tế Incheon đã tích hợp khu thương mại tự do với hệ thống kho bãi hiện đại, khu vực sản xuất gia công hàng hóa và dịch vụ thương mại miễn thuế.
Tại Singapore, đã kết hợp giữa cảng biển, Sân bay Changi, khu công nghiệp để tối ưu hóa chuỗi cung ứng; ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, vận hành, tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội…
Tại Việt Nam, ngoài Đồng Nai, các tỉnh thành như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM... cũng đề xuất phát triển FTZ ở địa bàn.
Tại Hội nghị với Thủ tướng ngày 21/2 nêu trên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thành phố Đà Nẵng đang xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội đối với Khu thương mại tự do Đà Nẵng và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng.
Đồng thời, chuẩn bị Đề án Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính khu vực, khẩn trương hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025 sắp tới.
Mới đây nhất, ngày 25/2, Đà Nẵng và Vingroup đã ký kết ghi nhớ cùng nghiên cứu chính sách phát triển khu thương mại tự do. Theo đó, trong biên bản ghi nhớ, hai bên sẽ nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển khu thương mại tự do, trung tâm tài chính.