Chính sách

Đề xuất sửa quy định để khai thác máy bay do Trung Quốc sản xuất

Nguyệt Quỳnh 01/03/2025 13:28

Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã có công văn lấy ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp về áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn xây dựng nghị định và thông tư liên quan để cấp phép khai thác tại Việt Nam cho máy bay COMAC của Trung Quốc sản xuất.

comac-c919-aircraft.jpg
Ảnh: AeroTime.

Tại công văn số 1644/BGTVT-VT ngày 18/2 của Bộ GTVT, trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet), Công ty TNHH Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) về khai thác máy bay COMAC tại Việt Nam và kết quả cuộc gặp của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Phó chủ tịch COMAC, Bộ này đã rà soát các quy định của pháp luật hiện hành.

Sửa nghị định, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 21/1/2011 của Bộ trưởng GTVT ban hành Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay để phù hợp với tình hình thực tế hoạt động khai thác tàu bay và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đưa tàu bay COMAC vào khai thác tại Việt Nam.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Tan Wangeng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC). Ảnh: VGP.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Tan Wangeng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) chiều 15/1. Lãnh đạo COMAC đánh giá ngành hàng không Việt Nam là một động lực của hàng không khu vực và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam để cụ thể hóa, triển khai nhận thức chung, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Ảnh: VGP.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết Khoản 2 Điều 12d Nghị định số 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng (được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định số 89/2019/NĐ-CP của Chính phủ) quy định: "Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ loại tàu bay".

Như vậy theo quy định hiện hành, các chủng loại máy bay nhập khẩu vào Việt Nam được FAA hoặc EASA hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam (Cục Hàng không Việt Nam) cấp chứng chỉ loại tàu bay. Hiện quy định chưa cho phép nhà chức trách hàng không Việt Nam công nhận chứng chỉ loại tàu bay đối với những máy bay chưa được FAA và EASA cấp giấy chứng chỉ loại.

Trong thực tiễn, thủ tục cấp Giấy chứng chỉ loại chỉ được thực hiện khi Việt Nam là quốc gia thiết kế và Cục Hàng không Việt Nam xây dựng ban hành các tiêu chuẩn, có đầy đủ nguồn nhân lực có trình độ để đảm bảo thực hiện quá trình phê chuẩn Giấy chứng nhận loại.

Tuy nhiên, thời gian để xây dựng tiêu chuẩn, hoàn thiện quy trình và chuẩn bị đầy đủ nhân lực mất rất nhiều năm. Quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận cũng sẽ cần rất nhiều thời gian. Thực tế EASA thực hiện trong vòng 8 năm đối với máy bay Airbus A350, FAA thực hiện trong vòng 8 năm với máy bay Boeing B787.

4.jpg
Nguồn: CNA. Việt hóa: Hoàng Anh.

Theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, đại dịch COVID-19, chiến sự xảy ra trên một số khu vực đã ảnh hưởng đến dây chuyền cung cấp vật tư, khả năng cung cấp máy bay đầy đủ, đúng hạn từ các nhà sản xuất tàu bay truyền thống như Airbus, Boeing và Embraer (được FAA và EASA cấp Giấy chứng nhận loại).

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của lệnh triệu hồi đối với động cơ Pratt & Witney ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động khai thác máy bay của Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không nói riêng và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Trong tình hình đó, việc giới hạn cho phép các máy bay khai thác tại Việt Nam chỉ có giấy chứng nhận loại do Cục Hàng không Việt Nam cấp hoặc FAA hoặc EASA cấp (mà không cho phép Cục Hàng không Việt Nam công nhận) sẽ làm hạn chế cơ hội của các hãng hàng không Việt Nam trong việc tiếp cận các loại máy bay được thiết kế, chế tạo bởi các quốc gia khác có năng lực toàn cầu về khoa học và công nghệ.

Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của hoạt động hàng không, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không chủ động nguồn cung về tàu bay, tăng cường nâng cao hợp tác hữu nghị quốc tế với các đối tác truyền thông trên cơ sở đánh giá đúng mực và khách quan về năng lực khoa học công nghệ, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bãi bỏ khoản 2 điều 12d nghị định số 92/2016/NĐ-CP để phù hợp với tình hình thực tế và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam.

Đề xuất công nhận các tiêu chuẩn máy bay do Trung Quốc sản xuất

Ngoài sửa Nghị định, Bộ GTVT cũng đề nghị sửa đổi một số điều của Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ban hành bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Bộ này lý giải hiện nay bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng cho phép việc công nhận các tiêu chuẩn phê chuẩn tàu bay và công nhận giấy chứng nhận loại của 5 nhà chức trách hàng không gồm: Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA), Canada, Brazil và Liên bang Nga. Trong danh sách này chưa có Cục Hàng không Trung Quốc.

Máy bay C919 và ARJ21 của COMAC tại cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) hồi tháng 2. Ảnh: VDO.
Máy bay C919 và ARJ21 của COMAC tại cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) hồi tháng 2/2024. Ảnh: VDO.

Việc sửa đổi, bổ sung nội dung trên là rất cần thiết khi Trung Quốc hiện nay cũng là quốc gia thiết kế máy bay, đã sản xuất máy bay COMAC ARJ21-700 (C909) và C919 đang khai thác tại thị trường nội địa Trung Quốc và ở 1 quốc gia nước ngoài (máy bay C909 khai thác tại Indonesia), đã có lịch sử khai thác an toàn.

Bên cạnh đó, hiện các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay trong thiết kế chế tạo tàu bay trên thế giới được áp dụng theo quy định Phần 25 của Quy chế An toàn Liên bang Mỹ (FAR 25 - Federal Aviation Regulation) hoặc Tiêu chuẩn CS 25 (Certification Specification) của Cơ quan An toàn hàng không Châu Âu (EASA).

Qua đánh giá, các quy định về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay trong thiết kế, chế tạo tàu bay trong Quy chế An toàn hàng không Trung Quốc (CCAR 25 China Civil Aviation Regulations) không có sự khác biệt lớn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đảm bảo an toàn. Một số sự khác biệt chủ yếu liên quan đến ngôn ngữ tiếng Trung Quốc trong tài liệu, nhãn mác trên tàu bay.

Đồng thời, trên cơ sở công nhận về năng lực khoa học công nghệ của Trung Quốc nói chung và trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ nói riêng, việc sửa đổi bổ sung đưa thêm quốc gia Trung Quốc vào danh sách các quốc gia được Việt Nam công nhận, thừa nhận chứng chỉ loại tàu bay, sẽ tăng sự lựa chọn, chủ động nguồn cung về tàu bay cho các hãng hàng không Việt Nam trong việc tìm kiếm, bổ sung tàu bay.

Các hãng hàng không Việt Nam cũng có cơ hội được nhận chuyển giao công nghệ về khai thác, bảo dưỡng, hỗ trợ về mặt tài chính từ các tổ chức tín dụng của Trung Quốc trong trường hợp thuê, mua các tàu bay do Trung Quốc sản xuất.

Mới đây tại buổi tọa đàm "Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp Trung Quốc" chiều 28/2, ông Đàm Vạn Canh - Ủy Viên Hội đồng quản trị Công ty Thương mại máy bay Trung Quốc (COMAC) - cho biết hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam, mọi công tác chuẩn bị cho hợp tác thuê máy bay C909 của COMAC với Vietjet Air đã hoàn tất. COMAC hy vọng các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ phê duyệt để sớm triển khai vận hành.

Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất sửa quy định để khai thác máy bay do Trung Quốc sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO