Quốc tế

Cuộc chiến thuế quan thay đổi cục diện 'ván cờ' Boeing và Airbus

Thu Ngoan 24/03/2025 14:12

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và EU không chỉ là một cuộc xung đột thương mại, mà đang dần trở thành một ván cờ chiến lược giữa Airbus và Boeing, hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức áp mức thuế quan 25% lên nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ vào ngày 12/3 vừa qua. Đáp trả, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố cũng sẽ áp thuế lên 28 tỷ USD đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp Mỹ. Thuế quan của EU có hiệu lực vào ngày 1/4 tới và được thực hiện đầy đủ vào giữa tháng 4.

Cuộc chiến thuế quan này sẽ tác động như thế nào đối với Boeing và Airbus, hai nhà sản xuất quan trọng nhất trong ngành hàng không thương mại toàn cầu? Các chuyên gia dự đoán, nhiều kịch bản có thể xảy ra trong 12 đến 18 tháng.

Mức thuế quan của Mỹ áp dụng đối với nhôm và thép nhập khẩu từ châu Âu, khiến chi phí sản xuất của các hãng hàng không nước này bị ảnh hưởng. Ảnh: Simpleflight.

Thực tế, trong vài thập kỷ qua, ngành hàng không toàn cầu luôn duy trì sự kết nối chặt chẽ do các nhà sản xuất ngày càng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, các hãng hàng không cũng phân phối đa dạng sản phẩm ra thị trường các nước. Điều đó có nghĩa là, xét về cả góc độ cung và cầu, Boeing và Airbus phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của mình.

Và các mức thuế mà ông Trump áp dụng sẽ có tác động đáng kể đến chi phí sản xuất, cũng như tạo ra một sự thay đổi đáng kể trong cạnh tranh quốc tế. Nhiều nhà phân tích tin rằng Airbus sẽ có thể gặt hái được lợi ích từ các mức thuế này trong khi Boeing lại phải “loay hoay” đối mặt với không ít khó khăn.

Boeing “loay hoay”

Việc Mỹ áp thuế 25% đối với thép và nhôm - những vật liệu then chốt trong chế tạo máy bay, đã tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của Boeing. Do phần lớn các nguyên liệu này được nhập khẩu, mức thuế cao khiến hãng phải gánh thêm chi phí đáng kể.

Boeing đang đối mặt với nhiều khó khăn do chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: First Class Photography | Shutterstock.

Hơn nữa, các mức thuế bổ sung của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada và Mexico còn đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing – vốn được xem là "xương sống" trong quá trình sản xuất.

Một chiếc Boeing 737 bao gồm khoảng 2.000 bộ phận đến từ hơn 700 nhà cung cấp trên toàn thế giới. Nếu các liên kết này bị gián đoạn, thời gian chế tạo sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, điều mà Boeing đang nỗ lực cải thiện trong những năm gần đây.

Một số chuyên gia cho rằng Boeing có thể lựa chọn hấp thụ phần chi phí tăng thêm thay vì đẩy gánh nặng sang khách hàng, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận sẽ bị thu hẹp.

Trao đổi với Investor’s Business Daily, Tổng Giám đốc điều hành Boeing, ông Kelly Ortberg, thừa nhận cuộc chiến thuế quan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng của hãng, đồng thời khiến chi phí đội lên do phải tìm mua vật liệu, linh kiện từ thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, Boeing cũng phải đối mặt với nguy cơ từ các mức thuế đáp trả của EU, khiến giá bán máy bay tại khu vực này trở nên kém cạnh tranh hơn.

Một mối lo khác đến từ Trung Quốc – thị trường quan trọng hàng đầu của Boeing. Nếu giá cả tăng cao khiến Trung Quốc chuyển hướng ưu tiên sử dụng máy bay nội địa như COMAC hoặc tìm đến Airbus của châu Âu, Boeing sẽ đối mặt với tổn thất không nhỏ về thị phần.

Airbus hưởng lợi

Trong khi Boeing đối mặt với nhiều bất lợi do các chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ thì Airbus, nhà sản xuất máy bay lớn của châu Âu lạ đang nổi lên như một bên hưởng lợi.

Không giống như Boeing, Airbus có các nhà máy lắp ráp tại Alabama, Mississippi và Florida cho phép hãng không bị ảnh hướng với các mức thuế của ông Trump. Ảnh: Simpleflight.

Airbus đã thiết lập nhà máy lắp ráp tại Thiên Tân, Trung Quốc, thể hiện cam kết dài hạn với thị trường đông dân nhất thế giới này. Dự kiến thị phần của Airbus tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ vào lợi thế không bị ảnh hưởng bởi các rào cản thuế quan. Hơn nữa, các nhà sản xuất máy bay Trung Quốc hiện vẫn chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn trong nước sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho Airbus trong thời gian tới.

Một lợi thế khác của Airbus là hãng này có chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đa dạng hơn. Không giống như Boeing, Airbus có các nhà máy lắp ráp tại Alabama, Mississippi và Florida cho phép hãng không bị ảnh hướng với các mức thuế của ông Trump, duy trì vị thế cạnh tranh với Boeing trên thị trường Mỹ.

Ông Aengus Kelly, Tổng giám đốc điều hành của AerCAp, công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới, chỉ ra rằng thuế quan có thể làm tăng giá máy bay Boeing khoảng 25%. Mức tăng này có thể khiến các hãng hàng không chuyển sang Airbus và ông ước tính rằng thị phần toàn cầu của công ty châu Âu này có thể tăng lên hơn 75-80%.

A partially built Boeing 737 MAX airliner inside the Renton factory
Cuộc đua giữa Boeing và Airbus dự kiến sẽ còn nhiều thay đổi trong thời gian tới. Ảnh: Simpleflight.

Rõ ràng, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và EU không chỉ đơn thuần là xung đột thương mại mà đang dần trở thành một ván cờ chiến lược với Airbus và Boeing.

Trong khi Boeing phải chật vật ứng phó với hàng loạt khó khăn từ chi phí gia tăng đến nguy cơ mất thị phần thì Airbus lại hưởng lợi nhờ vào chiến lược toàn cầu hóa linh hoạt và sự nhạy bén với thị trường.

Dù vậy, theo các nhà phân tích, cuộc đua giữa hai "gã khổng lồ" ngành hàng không chưa bao giờ là dễ đoán. Cục diện có thể thay đổi bất cứ lúc nào, tùy thuộc vào bước đi tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách.

Ngày 20/3, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Olof Gill cho biết khối này sẽ hoãn việc thực hiện vòng áp thuế đầu tiên với hàng hóa Mỹ đến giữa tháng 4 để tạo thuận lợi cho đàm phán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc chiến thuế quan thay đổi cục diện 'ván cờ' Boeing và Airbus
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO