Nếu bị cáo buộc hình sự, cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Boeing sẽ thêm sâu sắc.
Reuters cho biết công tố viên Mỹ lần đầu khuyến nghị các quan chức cấp cao Bộ Tư pháp đưa ra cáo buộc hình sự với Boeing. Công tố viên phát hiện nhà sản xuất máy bay vi phạm thỏa thuận tránh truy tố hình sự trong hai vụ tai nạn 737 MAX chết người năm 2018 và 2019.
Bộ Tư pháp phải quyết định trước ngày 7/7 có truy tố Boeing hay không. Hồi tháng 5, cơ quan này cũng xác định Boeing vi phạm thỏa thuận tránh truy tố năm 2021, dùng để bảo vệ Boeing khỏi cáo buộc âm mưu lừa gạt trong 2 vụ tai nạn làm gần 350 người thiệt mạng.
Theo thỏa thuận năm 2021, Bộ Tư pháp đồng ý không truy tố Boeing về những cáo buộc lừa gạt Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), miễn là Boeing phải xem xét lại các hoạt động tuân thủ an toàn và nộp báo cáo thường xuyên. Boeing cũng đồng ý trả 2,5 tỷ USD để giải quyết cuộc điều tra.
Boeing từ chối bình luận về thông tin công tố viên đề nghị truy tố hình sự. Trước đó, Boeing khẳng định họ “tôn trọng các điều khoản” của thỏa thuận năm 2021. Tháng này, Boeing nói với Bộ Tư pháp rằng họ không đồng ý với việc bị cho là vi phạm thỏa thuận dàn xếp.
Reuters tiết lộ thêm rằng công tố viên và Bộ Tư pháp đang thảo luận về giải pháp tiềm năng cho cuộc điều tra. Không gì đảm bảo các quan chức Bộ Tư pháp sẽ tiến hành đưa ra cáo buộc hình sự.
Nếu bị cáo buộc hình sự, cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Boeing sẽ sâu sắc thêm. Nhà sản xuất máy bay vốn đã đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các công tố viên, cơ quan quản lý và nhà lập pháp Mỹ sau vụ bung tấm bịt cửa hôm 5/1, chỉ 2 ngày trước khi thoả thuận tránh truy tố hết hạn.
Gần đây, CEO Boeing Dave Calhoun có phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ. Ông Calhoun thừa nhận nội bộ hãng có hiện tượng trả thù người tố cáo. Vị CEO bị các Thượng nghị sĩ chỉ trích dữ dội sau những lời thừa nhận "không làm gì" hoặc "không biết".