Công nhân nhà máy Bờ Tây nước Mỹ của Boeing đã bỏ phiếu cho một đề nghị hợp đồng được cải thiện vào ngày 4/11.
Theo Reuters, cuộc bỏ phiếu lần này có thể chấm dứt cuộc đình công kéo dài bảy tuần và khởi động lại hầu hết hoạt động sản xuất máy bay phản lực tại nhà sản xuất máy bay đang gặp khó khăn này.
Đề nghị mới nhất của Boeing bao gồm mức tăng lương 38% trong 4 năm. Trước đó, hãng đã đề xuất mức tăng 35% trong trong 4 năm nhưng đã bị khoảng hai phần ba trong số 33.000 thợ máy đình công bác bỏ.
Đề nghị thứ tư của Boeing kể từ khi cuộc đình công bắt đầu vào ngày 13/9 được đưa ra vào thời điểm quan trọng đối với công ty. Hãng đã công bố phát hành cổ phiếu trị giá 24 tỷ USD vào tuần trước để củng cố tài chính sau khi cuộc đình công đã dừng sản xuất máy bay 737 MAX bán chạy chạy nhất của mình. Cổ phiếu của công ty đã tăng 0,3% vào ngày 4/11.
Hiệp hội Thợ máy và Nhân viên hàng không Quốc tế (IAM) ngày 3/11 cho biết công nhân có thể quay lại làm việc sớm nhất vào ngày 6/11 hoặc muộn nhất là vào ngày 12/11 nếu đề nghị được thông qua.
Brandon Bryant, chủ tịch của IAM District 24, đại diện cho khoảng 1.300 công nhân đình công ở Oregon (Mỹ), nhiều công nhân đang chờ đợi để được bỏ phiếu.
Công nhân đã sẵn sàng quay lại làm việc, Reuters dẫn lời Bryant cho biết. "Họ nghĩ rằng đây là một hợp đồng tốt, tích cực, và một bước tiến lớn", Bryant nói.
Không rõ Boeing sẽ mất bao lâu để quay lại mức sản xuất trước đây. Cuộc đình công được dự đoán sẽ trì hoãn mục tiêu sản lượng cuối năm là 38 máy bay phản lực mỗi tháng đến năm 2025.
Mặc dù Boeing không thường xuyên tiết lộ số liệu sản xuất MAX hàng tháng, Giám đốc tài chính Brian West trước đây đã nói rằng sản lượng hàng tháng khoảng 25 chiếc.
Theo bình luận của nhà phân tích Jefferies, mức tăng lương 38% có thể khiến Boeing tăng thêm khoảng 1,1 tỷ USD vào quỹ lương hiện tại khoảng 2,5 tỷ USD một năm.
Chủ tịch District 751 của IAM Jon Holden, người đang đàm phán với Boeing, đã ủng hộ hợp đồng mới nhất. Ông cũng cảnh báo người lao động rằng nếu họ từ chối thỏa thuận, đề nghị tiếp theo của Boeing sẽ tệ hơn.
Reuters cho biết vẫn có sự chia rẽ về hợp đồng mới nhất trong nội bộ công nhân. Một số người cho biết họ đã sẵn sàng quay lại làm việc trong khi những người khác sẵn sàng chờ đợi để được hưởng nhiều quyền lợi hơn và đạt được mức tăng lương 40% mà họ yêu cầu ban đầu.
Boeing đã loay hoay từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác kể từ tháng 1 khi tấm bịt cửa 737 MAX bị bật tung trên chuyến bay của Alaska Airlines.
Việc khởi động lại sản xuất 737 MAX cũng như 767 và 777 của Boeing cũng sẽ có lợi cho các nhà cung cấp đang cho công nhân nghỉ việc tạm thời, cũng như các hãng hàng không đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc giao máy bay.
Đề nghị mới nhất của Boeing vượt xa mức tăng lương gần đây của cả United Auto Workers vào năm 2023 và công nhân nhà máy Airbus A220. Tuy nhiên nhiều công nhân Boeing cho biết điều này không bù đắp được cho một thập kỷ mà tiền lương của họ tụt hậu so với lạm phát và mất đi chế độ lương hưu cố định.
Công đoàn cho biết các thành viên của họ chỉ nhận được 4 lần tăng lương 1% trong 8 năm qua.
Boeing cho biết mức lương trung bình hàng năm của thợ máy khi kết thúc hợp đồng bốn năm sẽ là 119.309 USD, so với 75.608 USD trong hợp đồng trước đó.
Ian Hill, 29 tuổi, cho biết anh có thể sẽ bỏ phiếu đồng ý thỏa thuận mới. "Chúng ta nên chấp thuận và cố gắng cải thiện trong bốn năm tới", Hill nói.