Tin tức hàng không

COMAC cần 2-3 thập kỷ để 'chung mâm' với Boeing, Airbus

Thắng Nguyễn 09/06/2024 11:15

Các nhà phân tích cho rằng với sự đầu tư mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc, mục tiêu COMAC “ngồi chung mâm” với Boeing và Airbus chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ông Herman Tse, nhà quản lý định giá của công ty tư vấn và phân tích máy bay Cirium Ascend, nói với CNA rằng có thể phải mất từ ​​hai đến ba thập kỷ nữa để COMAC tăng tốc độ sản xuất, mở rộng hỗ trợ mặt đất và hỗ trợ bảo trì ở các địa điểm khác.

“C919, con bài chủ lực của COMAC sẽ vươn ra thị trường quốc tế trong dài hạn, đó là điều chắc chắn. Nhưng trong ngắn hạn, do tỷ lệ sản xuất thấp nên trọng tâm là thị trường nội địa”, ông Tse phân tích.

Ngành hàng không Trung Quốc phải đối mặt với các hạn chế kiểm soát xuất khẩu ngày càng tăng từ Mỹ vì cáo buộc có quan hệ quân sự với Nga. Điều này khiến Bắc Kinh phải cấp bách phát triển các linh kiện máy bay của riêng mình, đặc biệt là động cơ, để giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây.

download-3-.jpg
Tỷ lệ nội địa hóa thấp là một trong những rào cản chính ngăn C919 vươn ra thị trường quốc tế. Ảnh: AP News.

Mặc dù C919 có thể được dán nhãn “Made in China”, hầu hết các bộ phận của nó, bao gồm cả động cơ, lại không có nhãn này.

COMAC đang nỗ lực tìm giải pháp thay thế cho động cơ LEAP do CFM International, một tập đoàn liên doanh giữa GE Aerospace của Mỹ và nhà sản xuất động cơ máy bay Safran của Pháp, sản xuất.

Ngoài ra, hệ thống điều khiển và điện tử hàng không của máy bay xuất xứ từ Mỹ, còn bộ phận hạ cánh của máy bay là của Đức.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một cơ quan nghiên cứu của Mỹ, Bắc Kinh đã chi tới 72 tỷ USD hỗ trợ liên quan đến nhà nước để chế tạo C919.

Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc (AECC) thuộc sở hữu nhà nước đang gấp rút phát triển động cơ phản lực cánh quạt đẩy cao CJ-1000 để thay thế động cơ LEAP.

Theo truyền thông Trung Quốc, động cơ có thể được giới thiệu sớm nhất là vào năm tới.

Tuy nhiên, việc nội địa hóa linh kiện cũng khiến COMAC gặp nhiều khó khăn hơn để đạt được giấy chứng nhận từ FAA cũng như EASA (cơ quan Hàng không châu Âu).

Airbus và Embraer phải mất khoảng 30 năm để trưởng thành và có được chứng nhận từ FAA. Đây là điều cần thiết để một hãng sản xuất máy bay thành công trên thị trường quốc tế.

Phần lớn C919 được bán cho thị trường nội địa. Các hãng hàng không Trung Quốc được cho là đã đặt hơn 1.000 đơn đặt hàng C919. Boeing ước tính Trung Quốc sẽ cần khoảng 8.560 máy bay chở khách mới bay trong vòng 19 năm tới, trong một thị trường trị giá 2,9 nghìn tỷ USD.

Các quốc gia được nhắm đến trong sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn có quan hệ ngoại giao tốt với Trung Quốc, cũng là những khách hàng quốc tế tiềm năng của C919. GallopAir của Brunei là hãng hàng không nước ngoài đầu tiên đặt mua máy bay này, trong khi hãng hàng không TransNusa của Indonesia chỉ mới ở giai đoạn "đang xem xét mua".

Tuy nhiên, tốc độ sản xuất của COMAC không quá ấn tượng. Hãng dự kiến xuất xưởng 150 chiếc C919 hàng năm trong 5 năm tới, một con số khiêm tốn so với Airbus và Boeing, lần lượt giao 735 và 528 chiếc vào năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
COMAC cần 2-3 thập kỷ để 'chung mâm' với Boeing, Airbus
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO