Cổ phiếu của các hàng không ở Mỹ bùng nổ sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống, được kỳ vọng sẽ giảm bớt quy định cho ngành.
Sau khi ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hoà Mỹ, ông Donald Trump, đạt được hơn 270 phiếu đại cử tri, chính thức đánh bại ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris và quay trở lại Nhà Trắng, cổ phiếu của các hãng hàng không lớn của Mỹ lập tức tăng vọt.
Trong khi những cuộc kiểm phiếu cuối cùng vẫn đang diễn ra ở một số bang chiến trường như Michigan và Arizona, kỳ vọng về việc ông Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách ưu tiên doanh nghiệp đã mang đến làn sóng tăng giá mạnh trên thị trường chứng khoán.
Ngay từ phiên giao dịch trước giờ mở cửa vào ngày 6/11, cổ phiếu của “ba ông lớn” hàng không Mỹ đều khởi sắc.
Delta Air Lines (DAL) tăng 6,21% lên mức 61,91 USD, United Airlines (UAL) nhảy vọt hơn 7% lên 85,70 USD, trong khi American Airlines (AAL) tăng gần 5%, đạt mức 13,88 USD.
Đây là những mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm, cho thấy niềm tin của giới đầu tư vào một nhiệm kỳ mà các quy định kiểm soát doanh nghiệp có thể được nới lỏng.
Với kỳ vọng ít bị kiểm soát khắt khe hơn, cổ phiếu của các hãng hàng không giá rẻ như Spirit Airlines (SAVE) và Southwest Airlines (LUV) cũng đồng loạt tăng.
Theo các nhà đầu tư, chính quyền Trump được kỳ vọng sẽ có chính sách “ít can thiệp” hơn, giúp các hãng hàng không thuận lợi hơn trong việc tái cơ cấu và sáp nhập.
Một số người tin rằng việc cởi mở trong quản lý có thể tạo điều kiện cho JetBlue (JBLU) nối lại kế hoạch sáp nhập với Spirit Airlines sau khi thẩm phán liên bang chặn thương vụ này vào đầu năm 2024.
Matthew Klint, chuyên gia hàng không tại tạp chí Live And Let's Fly, nhận định: “Sự trở lại của chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ mang đến một cách tiếp cận ít can thiệp vào các quy định, đặc biệt là về bảo vệ hành khách và các vụ sáp nhập”.
Klint cũng cho biết American Airlines đang cân nhắc một liên minh mới với JetBlue và dự đoán rằng Liên minh Đông Bắc sẽ sớm được tái lập với rất ít sự phản đối từ các cơ quan quản lý Mỹ.
Ngoài ra, các nhà phân tích cũng dự đoán rằng một số biện pháp bảo vệ quyền lợi khách hàng, như yêu cầu hoàn tiền tự động khi hủy chuyến do Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg ban hành gần đây, có thể bị xóa bỏ.
Dù một số quy định sẽ vẫn được giữ nguyên, chính quyền Trump từng nhiều lần thể hiện chủ trương giảm bớt quy định đối với doanh nghiệp, và điều này có thể áp dụng cho ngành hàng không trong nhiệm kỳ sắp tới.
Sarah Kopit, Tổng biên tập của Skift, nhận xét: “Các chính sách của Trump có thể giúp giảm bớt áp lực cho các thương vụ trong ngành hàng không sau những năm bị giám sát chặt chẽ”.
Theo bà Kopit, Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt đầu điều tra về vấn đề cạnh tranh trong ngành hàng không trong năm nay, nhưng cuộc điều tra này có thể sẽ bị tạm dừng dưới sự lãnh đạo của ông Trump. Những quy định mới, như việc yêu cầu các hãng hàng không và khách sạn minh bạch về phí, cũng có thể bị gỡ bỏ hoặc giảm bớt.
Đồng thời, chiến thắng của ông Trump và chiến dịch “Nước Mỹ trên hết” cũng được kỳ vọng sẽ kéo theo những thay đổi lớn về thuế nhập khẩu đối với các vật liệu sản xuất máy bay, bao gồm thép và nhôm.
Các chuyên gia cho rằng thuế đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tăng tới 65%, trong khi thuế cho sản phẩm nhập từ các quốc gia khác có thể đạt mức 10%.
Nick Burgess, biên tập viên du lịch, nhận định: “Chiến lược kinh tế chủ chốt của Trump là áp thuế cao đối với các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ như một cách tăng cường sức mạnh sản xuất trong nước”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng mức thuế cao có thể khiến chi phí của ngành du lịch, bao gồm hàng không và khách sạn, gia tăng đáng kể.
Cổ phiếu của các hãng hàng không khác như JetBlue và Frontier (ULCC) cũng tăng mạnh trong ngày 6/11.
Alaska Airlines (ALK) tăng từ 48,56 USD khi đóng cửa phiên ngày 5/11 lên mức cao nhất trong 52 năm, vượt qua mốc 50 USD khi mở cửa ngày hôm sau. Với niềm tin rằng các chính sách giảm quy định sẽ mang lại lợi ích cho ngành, các nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu hàng không sẽ tiếp tục khởi sắc trong những ngày tới.
Với sự trở lại của ông Trump, ngành hàng không dường như đang đứng trước những thay đổi lớn, từ các chính sách về hợp tác đến các quy định bảo vệ hành khách. Trong bối cảnh này, các hãng hàng không hy vọng sẽ giảm được các rào cản về pháp lý, từ đó mở ra các cơ hội phát triển và tăng trưởng mới trong giai đoạn tới.