Trong nước

Chuyên gia: Vận tải hàng không sẽ chịu tác động khi Mỹ áp thuế với Việt Nam

Thu Ngoan (thực hiện) 03/04/2025 14:43

Việc Mỹ áp mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải hàng không, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa. Chuyên gia kinh tế nhận định ngành hàng không nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nhanh nhất nếu xuất khẩu sang Mỹ bị thu hẹp.

Các chuyên gia lo ngại, mức thuế đối ứng vừa được công bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khiến lĩnh vực vận tải hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp trong thời gian tới. Ảnh minh họa.
Các chuyên gia lo ngại, mức thuế đối ứng vừa được công bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khiến lĩnh vực vận tải hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp trong thời gian tới. Ảnh minh họa.

Chiều 2/4 theo giờ địa phương (tức sáng 3/4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chính sách thuế mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% cho hàng nhập khẩu và thuế đối ứng cao hơn cho hơn 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mức thuế đối ứng 46% áp dụng cho Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề, trong đó có ngành hàng không.

Trao đổi với Tạp chí Hàng không Opensky, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài Chính, nhận định rằng vận tải hàng hóa sẽ là lĩnh vực đầu tiên trong ngành hàng không chịu tác động trực tiếp.

- Thưa ông, Tổng thống Donald Trump vừa công bố danh sách nhiều quốc gia bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về việc Việt Nam bị áp mức thuế đối ứng 46%?

- Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Theo bảng danh sách, đây là một trong những mức thuế cao nhất trong đợt điều chỉnh vừa qua của Mỹ. Điều khiến dư luận quan tâm là hiện chưa có thông tin rõ ràng về cơ sở cụ thể để đưa ra mức thuế này đối với Việt Nam, trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương đang phát triển tốt.

Mức thuế cao như vậy phần nào gây bất ngờ, bởi Việt Nam vốn không phải là đối tượng chính trong các cuộc cạnh tranh thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu và cần chủ động theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.

vudinhanh-1548067571.jpg
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh. Ảnh: VOV.

- Theo ông, mức thuế cao như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ thương mại với Mỹ đang ngày càng mở rộng?

Hiện Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt gần 140 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng lên tới hơn 120 tỷ USD, và con số này đã liên tục gia tăng suốt hàng chục năm qua.

Có thể khẳng định, Mỹ là thị trường lớn và có vai trò quan trọng bậc nhất trong thương mại quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, khi Mỹ áp mức thuế đối ứng cao tới 46% chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu cũng như ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng cân bằng cán cân thương mại. Đáng chú ý, thặng dư thương mại với Mỹ hiện là nguồn bù đắp quan trọng cho thâm hụt thương mại của Việt Nam với nhiều đối tác khác.

1.jpg
Mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: CNN.

Kéo theo đó tôi cho rằng mức thuế này cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thời gian qua, phần lớn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và mức thuế quan ưu đãi. Khi thuế nhập khẩu với hàng hóa Việt Nam bị đẩy lên quá cao, rõ ràng, sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư sẽ bị suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến quyết định mở rộng hoặc rót vốn mới vào Việt Nam.

- Liệu động thái này có làm giảm sức hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam – vốn đang dựa nhiều vào lợi thế thuế quan và FTA?

- Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam nên bất kỳ sự sụt giảm nào – dù về quy mô hay khả năng tiếp cận – cũng sẽ kéo theo tác động tiêu cực đến tổng kim ngạch xuất khẩu và nhiều yếu tố kinh tế - xã hội khác. Nếu mức thuế đối ứng 46% không được điều chỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ phải cân nhắc hai phương án chính.

Thứ nhất, doanh nghiệp có thể điều chỉnh lại giá bán để bù đắp phần thuế bị áp. Tuy nhiên, nếu mức giá sau điều chỉnh vượt quá khả năng chấp nhận của thị trường, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Ngược lại, nếu vẫn duy trì xuất khẩu thì doanh nghiệp buộc phải hy sinh một phần lớn lợi nhuận, do mức thuế này sẽ được tính vào chi phí bán hàng – tức người tiêu dùng Mỹ sẽ gánh chịu dưới dạng thuế gián thu.

Thứ hai, một số doanh nghiệp có thể cân nhắc tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chuyển hướng sang các thị trường khác ít rủi ro hơn về thuế quan. Tuy vậy, điều này không dễ thực hiện trong ngắn hạn, bởi Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua.

- Còn với lĩnh vực hàng không thì sao, theo ông, đâu là những ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt với hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách?

- Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Tác động đầu tiên và trực tiếp nhất đến ngành hàng không sẽ là ở lĩnh vực vận tải hàng hóa. Khi xuất khẩu giảm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cũng sẽ suy giảm tương ứng. Vận tải hành khách cũng chịu ảnh hưởng nhất định, bởi nhu cầu đi lại thường gắn liền với hoạt động thương mại – thương mại càng sôi động, lưu lượng hành khách càng cao và ngược lại.

Tuy nhiên, do thuế quan của Mỹ chỉ áp lên hàng hóa, không áp lên dịch vụ, nên vận tải hành khách phục vụ du lịch có thể không bị ảnh hưởng rõ nét như nhóm hành khách đi lại vì mục đích thương mại.

Vietnam Airlines dự kiến đầu tư 50 tàu thân hẹp, với giá trị khoảng 92.800 tỷ đồng, tức bằng 1,6 lần tổng giá trị tài sản của hãng này. Ảnh minh họa.
Vận tải hành khách của ngành hàng không cũng chịu ảnh hưởng nhất định bởi mức thuế của Mỹ. Ảnh minh họa: Vietnam Airlines.

Một điểm đáng chú ý khác là thời gian qua, ngành hàng không từng được xem là một trong những lĩnh vực góp phần quan trọng vào việc thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, thông qua các hợp đồng mua bán máy bay quy mô lớn. Tuy vậy, với mức thặng dư hiện đã vượt 100 tỷ USD, riêng ngành hàng không là không đủ để cân bằng cán cân thương mại.

Vấn đề then chốt hiện nay là cơ sở nào khiến Mỹ đưa ra mức thuế đối kháng lên tới 46% với hàng hóa Việt Nam. Theo một số nguồn tin, phía Mỹ căn cứ vào hai yếu tố: quy mô xuất khẩu và chênh lệch cán cân thương mại để đưa ra mức thuế, dựa trên giả định rằng Việt Nam đánh thuế hàng hóa Mỹ tới 90%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin chưa xác thực, và điều quan trọng nhất lúc này là cần làm rõ Mỹ dựa vào đâu để xác lập mức thuế đối kháng cao bất thường như vậy.

- Theo ông, giải pháp nào là khả thi nhất lúc này để doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Việt Nam ứng phó với mức thuế vượt ngưỡng chịu đựng như vậy?

- Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Với mức thuế quá cao như hiện nay, khả năng duy trì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ gần như không còn. Dù điều chỉnh giá bán hay chấp nhận hy sinh lợi nhuận, các phương án này đều vượt quá sức chịu đựng của phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu.

Chuyển hướng sang các thị trường khác cũng không phải giải pháp dễ dàng, bởi Mỹ từ lâu đã là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Do đó, vấn đề hiện tại không chỉ nằm ở phía doanh nghiệp, mà đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Cần có các nỗ lực đàm phán sớm và hiệu quả để thuyết phục phía Mỹ điều chỉnh mức thuế về ngưỡng hợp lý hơn – ít nhất tương đương mức mà Mỹ đang áp với một số đồng minh, khoảng 23–24%.

- Xin cảm ơn ông!

Chiều 2/4 theo giờ địa phương (sáng 3/4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu mới áp dụng với hàng hóa từ hàng chục nền kinh tế.

Cụ thể: Anh, Brazil, Singapore chịu mức thuế 10%; Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ chịu mức 20–26%. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%.

Ông Trump cũng cho biết kể từ ngày 5/4, toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu mức thuế chung 10%. Từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ sẽ chịu mức thuế đối ứng cao hơn, theo danh sách đã công bố.

Sáng 3/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành sau thông tin về chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam. Cùng thời điểm, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề cũng đã tổ chức họp nhằm tìm giải pháp giảm thiểu tác động và ứng phó kịp thời.

Nổi bật
Mới nhất
Chuyên gia: Vận tải hàng không sẽ chịu tác động khi Mỹ áp thuế với Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO