Các doanh nghiệp Việt Nam lo ngại, tình hình kinh tế sẽ khó khăn hơn trong giai đoạn tới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế đối ứng lên hàng loạt sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 công bố mức thuế ít nhất là 10% đối với hầu hết mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, riêng Việt Nam, mức thuế đối ứng ở mức 46%.
Phát biểu tại cuộc họp báo với tên gọi "Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại" ở Vườn hồng bên trong Nhà Trắng ngày 2/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump tuyên bố đây là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ khi ông công bố hàng loạt chính sách thuế mới.
Ông Donald Trump ca ngợi thuế nhập khẩu mới, gọi đây là "tuyên bố về sự độc lập kinh tế" của Mỹ. Ông khẳng định thuế nhập khẩu mới sẽ tạo ra nhiều hoạt động sản xuất hơn tại Mỹ, việc làm và các nhà máy sẽ quay lại Mỹ. Điều này sẽ có nghĩa là "cạnh tranh mạnh mẽ hơn và giá cả thấp hơn cho người tiêu dùng".
"Với các hành động hôm nay, chúng ta đang bảo vệ những người nông dân tuyệt vời của mình. Họ đã chịu tổn thương bởi các nước trên khắp thế giới" - ông nói.
Trong danh sách các quốc gia bị áp thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố, Việt Nam nằm ở top những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất, lên tới 46%.
Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng bị áp thuế như Campuchia ở mức 49%, Thái Lan bị áp mức thuế 36%, Đài Loan, Indonesia 32%. Riêng Trung Quốc trước đó đã bị đánh thuế 20%, giờ bị áp thêm 34% là 54%. Canada và Mexico, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ đã chịu thuế 25% đối với nhiều hàng hóa và sẽ không bị áp thêm thuế mới được công bố trong ngày 2/4...
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố mức thuế đối ứng, cổ phiếu hàng loạt các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ, giày da, may mặc đã rơi vào cảnh "đỏ lửa".
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (3/4), thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chung tình trạng khi nhiều mã đột ngột lao dốc mạnh. Thị trường ngập trong sắc đỏ, VN-Index có tới 373 mã giảm giá, bao gồm 28 mã giảm sàn. HNX có 148 mã giảm điểm.
Riêng đối với lĩnh vực hàng không, các chuyên gia lo ngại, chính sách thuế mới của Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp “chật vật” hơn khi lượng du khách được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới.
Chưa kể, với mức thuế cao đến 46%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể sẽ phải tìm phương án thay thế cho việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Khi đó, vận chuyển hành khách của các doanh nghiệp hàng không sẽ gián tiếp bị ảnh hưởng khi nhu cầu đi lại của người lao động, chuyên gia… giảm mạnh. Đối với vận tải hàng không, hoạt động xuất nhập khẩu giảm khiến vận tải hàng không cũng sẽ giảm theo.
Trao đổi với Opensky, Tiến sĩ Scott McDonald - Giảng viên Đại học RMIT, cho rằng, đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, mức thuế quan mới đặt ra những thách thức rõ ràng.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sớm phải đối mặt với bất lợi do giá cao hơn 46% so với hàng hóa nội địa của Mỹ hoặc các sản phẩm từ các quốc gia chịu thuế quan thấp hơn.
Các ngành công nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm điện tử, dệt may, đồ nội thất, giày dép và thủy hải sản – những ngành đóng vai trò trung tâm trong thành công xuất khẩu của Việt Nam.
Theo phân tích của Evercore ISI được báo chí thế giới trích dẫn, sắc lệnh mới khi được triển khai hoàn toàn có thể khiến mức thuế trung bình có trọng số của Mỹ tăng lên 29% – mức cao nhất trong hơn 100 năm.
Điều này tạo ra một tình huống chưa từng có đối với doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược tăng trưởng dựa trên khả năng tiếp cận thị trường Mỹ.
Tiến sĩ Scott McDonald, doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều hướng môi trường thuế quan mới này.
Theo đó, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Mỹ. Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do mang lại những giải pháp thay thế tiềm năng. Doanh nghiệp có thể tận dụng các khuôn khổ thương mại hiện có.
Có thể kể đến như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cung cấp quyền được ưu tiên tiếp cận các thị trường như Nhật Bản, Canada, Australia và New Zealand, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)…
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đánh giá liệu sản phẩm của họ có thể được phân loại lại theo các mã thuế quan khác, hoặc có thể điều chỉnh nguồn cung ứng linh kiện để giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ hay không.
“Doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu và thiết lập quan hệ đối tác sản xuất ở các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn hoặc được miễn khỏi khuôn khổ thuế quan mới, như Canada và Mexico, hai quốc gia tránh được các mức thuế mới của Tổng thống Mỹ do có sắc lệnh riêng cho họ liên quan đến nhập cư và ma túy”, Tiến sĩ Scott McDonald nhận định.