Quốc tế

Boeing 787 Dreamliner - cuộc cách mạng về du lịch hàng không hiện đại

Thu Ngoan 23/03/2025 06:04

Với thiết kế tiên tiến, hiệu quả sử dụng nhiên liệu vượt trội cùng khả năng kết nối các thành phố trên toàn thế giới, Boeing 787 Dreamliner đang trở thành một biểu tượng của ngành du lịch hàng không hiện đại.

boeing.jpg

Sự ra đời của dòng máy bay Boeing 787 đã thay đổi triết lý khai thác của các hãng hàng không, chuyển từ mô hình "hub-and-spoke" sang mô hình mới gọi là "point-to-point".

Sự khởi đầu nhiều khó khăn

Ý tưởng về Boeing 787 bắt đầu từ dự án có tên 7E7, được công bố vào ngày 29/1/2003. Trọng tâm chính của dự án là tăng cường hiệu quả sử dụng nhiên liệu – yếu tố quan trọng khi ngành hàng không toàn cầu đang phải đối mặt với chi phí nhiên liệu tăng cao và áp lực giảm khí thải carbon.

Tháng 4/2004 là dấu mốc quan trọng khi hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) trở thành khách hàng đầu tiên đặt hàng dòng máy bay mới này với 50 chiếc.

All Nippon Airways (ANA) là hãng hàng không đầu tiên sử dụng máy bay Boeing 787. Ảnh: Simple Flying.

Boeing đã nỗ lực không ngừng để biến 7E7 thành hiện thực. Tháng 7/2004, những chiếc 787 đầu tiên, chưa có hệ thống vận hành, đã được ra mắt.

Tuy nhiên, đường đến chuyến bay đầu tiên không suôn sẻ. Dự án đã trải qua nhiều lần trì hoãn sản xuất trong giai đoạn đầu do những thách về thức kỹ thuật và chuỗi cung ứng.

Cuối cùng, chiếc 787 Dreamliner đã cất cánh lần đầu tiên vào tháng 12/2009. Những chứng nhận cần thiết cuối cùng được cấp vào tháng 8/2011 và chiếc 787-8 đầu tiên đã được giao cho ANA vào tháng 9 cùng năm.

Tháng 10/2011 trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng không với chuyến bay thương mại đầu tiên của dòng máy bay thân rộng này.

Thiết kế đột phá

Dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner nổi bật với thiết kế tiên tiến, kết hợp nhiều công nghệ đột phá.

Đây là chiếc máy bay thương mại đầu tiên có khung máy bay chủ yếu làm từ composite, giúp giảm đáng kể trọng lượng so với các máy bay sử dụng khung nhôm truyền thống.

Trọng lượng nhẹ hơn đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiên liệu ít hơn, giảm chi phí vận hành và lượng khí thải.

Dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner mang nhiều thiết kế hiện đại, nổi bật. Ảnh: Simpleflight.

Bên cạnh vật liệu composite, 787 còn được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, thay thế nhiều hệ thống thủy lực truyền thống bằng các hệ thống điện. Điều này không chỉ giúp giảm trọng lượng mà còn tăng cường độ tin cậy và hiệu quả hoạt động.

Về mặt ngoại hình, dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner có thể dễ dàng được nhận biết bởi buồng lái bốn cửa sổ, đầu cánh cong vút và có các "chữ V" giảm tiếng ồn trên các ống động cơ.

Máy bay được trang bị hai động cơ phản lực, tuỳ chọn giữa động cơ General Electric GEnx và Rolls-Royce Trent 1000. Cả hai loại động cơ này đều nổi tiếng về hiệu suất và độ tin cậy.

Các phiên bản chính

Dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner có ba phiên bản chính, mỗi phiên bản được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các hãng hàng không.

Dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner có ba phiên bản chính. Ảnh: SimpleFlight.

787-8: Là phiên bản đầu tiên được đưa vào khai thác, 787-8 có chiều dài 57m, sức chứa tối đa 248 hành khách và phạm vi bay lên tới 13.529 km.

Đây là phiên bản nhỏ nhất và có trọng lượng cất cánh tối đa thấp nhất so với hai phiên bản còn lại. All Nippon Airways là hãng hàng không đầu tiên sử dụng phiên bản này.

787-9: Có chiều dài 63m, sức chứa lên tới 296 hành khách và phạm vi bay 14.010 km. All Nippon Airways cũng sử dụng phiên bản này.

787-10: Là phiên bản lớn nhất của dòng Dreamliner, 787-10 có chiều dài lên tới 68m và có thể chứa tối đa 336 hành khách trong cấu hình một hạng. Singapore Airlines là hãng hàng không đầu tiên đưa phiên bản này vào khai thác thương mại.

Định hình du lịch hàng không hiện đại

Sự ra đời của dòng máy bay Boeing 787 đã thay đổi triết lý khai thác của các hãng hàng không.

Trước đây, mô hình "hub-and-spoke" (hình thức tối ưu hoá mạng lưới vận tải, kết nối nhiều điểm xa nhau với một điểm trung tâm) thống trị ngành hàng không.

Theo đó, các hãng hàng không lớn tập trung vào việc vận chuyển hành khách từ các thành phố nhỏ đến các trung tâm chính (hub) bằng máy bay thân hẹp, sau đó sử dụng máy bay thân rộng lớn hơn cho các tuyến đường dài từ hub này đến hub khác.

111111.jpg
Sự ra đời của dòng máy bay Boeing 787 đã thay đổi triết lý khai thác của các hãng hàng không. Ảnh: Elle.

Máy bay Boeing 787, với hiệu quả sử dụng nhiên liệu vượt trội và tầm bay ấn tượng đã mở ra mô hình mới gọi là "point-to-point" (từ điểm nọ đến điểm kia).

Mô hình này cho phép các hãng hàng không khai thác các tuyến bay dài, ít phổ biến hơn mà trước đây không khả thi về mặt kinh tế với các máy bay như Boeing 777.

Những tuyến bay này, thường nối liền các thành phố không phải là trung tâm lớn, mang lại sự tiện lợi cho hành khách bằng cách giảm thiểu thời gian quá cảnh và tăng cường kết nối trực tiếp.

Ví dụ điển hình cho sự thay đổi này là các tuyến bay độc đáo mà Dreamliner hiện đang phục vụ, như Baku (Azerbaijan) đến New York, Christchurch (New Zealand) đến San Francisco và Auckland (New Zealand) đến New York.

dep.jpg
Các hãng hàng không lớn tập trung vào việc vận chuyển hành khách từ các thành phố nhỏ đến các trung tâm chính. Ảnh: Timeout.

Mặc dù đạt được nhiều thành công, Boeing 787 Dreamliner cũng đã phải đối mặt với không ít thách thức trong giai đoạn đầu. Các vấn đề về kiểm soát chất lượng đã xuất hiện từ năm 2019, dẫn đến việc sản xuất bị chậm lại đáng kể.

Trong quá trình vận hành ban đầu, một số vấn đề liên quan đến pin lithium-ion, bao gồm cả những vụ cháy xảy ra trên máy bay đã khiến Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phải đình chỉ bay toàn bộ đội bay 787 vào tháng 1/2013.

Tuy nhiên, Boeing đã nhanh chóng giải quyết vấn đề này bằng cách thiết kế lại hệ thống pin và các chuyến bay đã được khôi phục vào tháng 4 cùng năm.

Boeing đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ, ước tính hơn 32 tỷ USD, vào chương trình 787. Ước tính số lượng máy bay cần bán để hòa vốn dao động từ 1.300 đến 2.000 chiếc.

Cho đến nay, 787 đã nhận được 1.957 đơn đặt hàng và 1.165 chiếc đã được giao, cho thấy sự thành công vượt bậc của chương trình. Đáng chú ý, không có báo cáo về các trường hợp tử vong hoặc mất thân máy bay nào liên quan đến dòng máy bay này.

Chi phí đa dạng

Giá của một chiếc Boeing 787 Dreamliner không cố định và có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cấu hình máy bay, các tùy chọn bổ sung và các thỏa thuận thương mại giữa hãng hàng không và Boeing.

Các hãng hàng không thường mua nhiều máy bay cùng một lúc để có thể đàm phán giảm giá đáng kể.

Ước tính giá niêm yết của các phiên bản Dreamliner có thể dao động từ khoảng 248.3 triệu USD (với phiên bản Boeing 787-8) cho đến 338.4 triệu USD (với phiên bản Boeing 787-10).

787-dreamliner-gallery-1.jpeg
Boeing 787 Dreamliner có nhiều mức giá, tùy từng phiên bản. Ảnh: Boeing.

Thị trường máy bay đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, với nhu cầu tăng cao đối với các máy bay thế hệ mới như 787. Sự kết hợp giữa nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế đã đẩy giá trị thị trường của các máy bay này lên cao.

Ngoài việc mua mới, các hãng hàng không cũng có thể thuê máy bay 787. Giá thuê thông thường cho một chiếc 787-9 có thể vào khoảng 1,05 triệu USD/tháng, so với 1,14 triệu USD cho một chiếc Airbus A350-900. So với các máy bay cũ hơn, như 777-300ER 12 năm tuổi, chi phí thuê thấp hơn đáng kể.

Với thiết kế tiên tiến, hiệu quả sử dụng nhiên liệu vượt trội, khả năng kết nối các thành phố trên toàn thế giới cùng hơn 79 nhà khai thác đang sử dụng, Boeing 787 Dreamliner đã và đang tiếp tục định hình lại ngành hàng không toàn cầu.

Nổi bật
Mới nhất
Boeing 787 Dreamliner - cuộc cách mạng về du lịch hàng không hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO