Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Boeing giảm giá máy bay, khuyến khích FedEx đầu tư kho hàng tại sân bay lớn và thúc đẩy cấp phép Starlink tại Việt Nam.
Đề nghị trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại cuộc tọa đàm với lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp và đại diện 38 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ sáng 1/3.
Phó đại sứ Mỹ tại Việt Nam Courtney Beale cho biết với quá trình phát triển nhanh chóng của Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là thị trường rất quan trọng, sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ phát triển các lĩnh vực của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Mỹ có thể thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực AI, chuỗi khối, lượng tử, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số như Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị Việt Nam; hợp tác an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, du lịch, hàng không, y tế…
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang triển khai việc mua 50 tàu bay Boeing với tổng giá trị khoảng 11 tỷ USD. Trong khi đó, Vietjet Air cũng đang triển khai việc mua 200 tàu bay từ Boeing. Một số hợp đồng máy bay khác giữa các đối tác hai nước cũng đang được xem xét.
Phát biểu tại tọa đàm, người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam có vị trí chiến lược và nhiều lợi thế để phát triển ngành hàng không. Thủ tướng đề nghị Boeing xem xét giảm giá cho các hãng hàng không Việt Nam, cũng như nghiên cứu đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện, trung tâm bảo dưỡng máy bay tại Việt Nam.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thí điểm cấp phép internet vệ tinh Starlink. Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan làm việc với FedEx để đầu tư kho hàng hóa, chuyển phát nhanh tại sân bay Long Thành (Đồng Nai), Chu Lai (Quảng Nam) và Gia Bình (Bắc Ninh).
Theo Thủ tướng, quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại hai nước có nhiều điểm sáng, nhưng chưa tương xứng với tiềm lực của Mỹ và điều kiện của Việt Nam. Do đó, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh nhiều hơn nữa với Việt Nam, tương xứng với mong muốn của hai bên.
Về môi trường đầu tư kinh doanh, người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy thương mại theo hướng cân bằng hơn với Mỹ, trong đó có các hợp đồng mua bán máy bay, thương mại quốc phòng, mua bán khí LNG, thương mại nông sản, dược phẩm…
"Việt Nam đang đổi mới toàn diện và bao trùm, phù hợp tình hình hiện nay. Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam tập trung vào cải cách thể chế nhiều như hiện nay để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tăng cường hơn nữa đầu tư chất lượng cao, nhất là chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, coi Việt Nam là cứ điểm đầu tư lâu dài, với tầm nhìn 50 năm, 100 năm.
Về thương mại, trong 20 năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2024 đạt gần 150 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 137 tỷ USD (tăng 19% so với cùng kỳ 2023), Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam đạt trên 13 tỷ USD (tăng 33%).
Về đầu tư, tính đến cuối năm 2024, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam ước đạt 11,94 tỷ USD với trên 1.400 dự án, đứng thứ 11 trong số các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.