Với những dự án hạ tầng giao thông, công nghiệp được khởi công liên tiếp gần đây, có thể nhận thấy T&T Group xác định hạ tầng là một trong những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn.
Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tư nhân lớn ngày 21/9, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T - cho biết tập đoàn đã đầu tư và đưa vào khai thác nhiều dự án quy mô lớn, tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ USD. Đặc biệt, những dự án công nghệ cao, tiên tiến và thông minh đang được chú trọng phát triển.
Hiện, doanh nghiệp đang triển khai hàng loạt dự án trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông và năng lượng.
Tiêu biểu là Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của hành lang Trung Quốc - ASEAN, cảng hàng không Quảng Trị cùng nhiều dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất lên đến hơn 1.000 MW trải rộng tại nhiều tỉnh thành. Đặc biệt, dự án điện khí 1.500 MW tại Quảng Trị được liên doanh với đối tác Hàn Quốc.
"Chúng tôi đang triển khai các dự án công nghệ cao đa phương thức, tiên tiến và thông minh, kết hợp nhiều loại hình giao thông từ đường sắt, đường bộ, đường thủy đến hàng không. Đây sẽ là động lực quan trọng để thu hút các tập đoàn đầu tư", ông Hiển nhấn mạnh.
Về dự án cảng hàng không Quảng Trị, lãnh đạo T&T Group cho biết trong khu vực sân bay này có quy hoạch tổ hợp đô thị công nghiệp hàng không với tổng diện tích 3.700 ha. Đây sẽ là trung tâm công nghiệp chế tạo và bảo trì, bảo dưỡng phụ kiện hàng không. Giai đoạn đầu sẽ tập trung vào bảo trì, bảo dưỡng, sau đó mở rộng sản xuất các linh kiện từ cấp độ 1 đến cấp độ cao hơn.
Hiện, quy hoạch sân bay Quảng Trị đang được tư vấn bởi các chuyên gia từ Singapore. Ông Hiển cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan liên quan ủng hộ quy hoạch khu vực này thành một tổ hợp công nghiệp hàng không và đô thị sân bay tại Quảng Trị. Dự kiến, sân bay được đưa vào khai thác, sử dụng vào tháng 7/2026.
Chủ tịch Tập đoàn T&T cũng báo cáo về những dự án đã và đang được tập đoàn tham gia triển khai trong lĩnh vực đường bộ, như cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng), hợp tác với Tập đoàn Ramky (Ấn Độ) để đầu tư một khu công nghiệp dược công nghệ cao…
Cũng tại hội nghị, ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ với các doanh nghiệp về những kinh nghiệm hợp tác với đối tác nước ngoài.
Ông nhấn mạnh 3 yêu cầu quan trọng: Thứ nhất, đối tác phải tuân thủ pháp luật và đảm bảo an ninh quốc phòng; thứ hai, đối tác cần cam kết đào tạo, chuyển giao công nghệ và nhân lực quản lý cho Việt Nam trong vòng 10-15 năm; thứ ba, mọi quyết định chuyển nhượng hoặc tăng vốn đều phải có sự đồng ý từ phía đối tác Việt Nam.
Trước đó ngày 8/8, để đảm bảo nguồn vốn để thực hiện các bước tiếp theo nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, UBND huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã xin bổ sung nguồn vốn với số tiền là 112,789 tỷ đồng. Đến ngày 19/7, UBND tỉnh bổ sung số tiền 50,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, số tiền thiếu so với nhu cầu bố trí kế hoạch vốn năm nay là 61,889 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị gồm dự án thành phần 1 (giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ quan Nhà nước tại cảng hàng không) thực hiện theo hình thức đầu tư công và dự án thành phần 2 (xây dựng cảng hàng không) thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT).
Tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 5.833,9 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của ICAO), có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, cho phép khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy hoạch tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 của Thủ tướng (khi có nhu cầu) và sân bay quân sự cấp II, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.