Sân bay Istanbul (IST, Thổ Nhĩ Kỳ) kết nối tốt nhất thế giới với 309 điểm đến, chủ yếu là các chuyến bay của hãng hàng không Turkish Airlines. Sân bay này chính thức đi vào hoạt động vào tháng 4/2019, thay thế sân bay Ataturk, trở thành sân bay lớn và đắt nhất thế giới với chi phí đầu tư lên đến 12 tỷ USD. Tới năm 2027, sân bay Istanbul dự kiến có 6 đường băng và 4 nhà ga, có khả năng đón 200 triệu hành khách/năm. Ảnh: CNBC. Sân bay quốc tế Frankfurt (FRA, Đức) đứng ở vị trí thứ 2 với 296 điểm đến. Đây là một trong những sân bay lớn nhất Châu Âu, có 4 đường băng để phục vụ việc cất/hạ cánh với 3 đường băng có chiều dài lên tới 4.000 m và một đường băng chiều dài 2.800 m. Ảnh: Đình Kiên. Sân bay quốc tế Charles de Gaulle (CDG, Pháp) với 282 điểm đến. CDG được thiết kế bởi kiến trúc sư Paul Andreu và được khánh thành vào ngày 8/3/1974. Đây là một trong những sân bay lớn nhất trên thế giới với diện tích hơn 32 km2. Ảnh: Đình Kiên. Sân bay Amsterdam Schiphol (AMS, Hà Lan) với 270 điểm đến. Nhà ga được bao quanh bởi 6 đường cất hạ cánh cùng tuyến đường bộ đâm xuyên qua đường băng. Những đường cất hạ cánh tại đây không song song mà giao cắt với nhau, giúp giảm thời gian chờ đợi cho các chuyến bay. Ảnh: Airport Industry-News. Sân bay quốc tế Chicago O'Hare (ORD, Mỹ) đồng hạng 4 với 270 điểm đến. Sân bay này nằm về phía tây bắc của thành phố Chicago, cách trung tâm 23 km và có diện tích khoảng 3.087 ha; có 4 nhà ga số 1, 2, 3, 5 gồm 9 phòng chờ, hơn 200 cổng và 8 đường băng. Trong đó, nhà ga số 5 chuyên phục vụ các chặng bay đi và đến quốc tế. Ảnh: Bloomberg. Sân bay quốc tế Dubai (DXB, UAE) với 269 điểm đến. Đây là đầu mối giao thông hàng không quan trọng của UAE, khu vực Vùng Vịnh và thế giới. Trong nửa đầu năm nay, sân bay này ghi nhận sản lượng khách kỷ lục với gần 45 triệu lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023, theo Businesstraveler. Ảnh: CNN. Sân bay quốc tế Dallas Fort Worth (DFW, Mỹ) với 261 điểm đến, nằm giữa 2 thành phố Dallas và Fort Worth. Đây là sân bay có diện tích lớn thứ 2 tại Mỹ và thứ 4 trên thế giới, với diện tích 6.963 ha, có 7 đường băng. Ảnh: Air Cargo News. Sân bay quốc tế Phố Đông - Thượng Hải (PVG, Trung Quốc) với 243 điểm đến, là trung tâm chính của các hãng hàng không lớn như Shanghai Airlines, China Eastern Airlines, Air China, Juneyao Airlines... Sân bay này có 4 nhà ga và 4 đường băng song song, công suất thiết kế đạt 80 triệu khách/năm. Ảnh: Airport Technology. Sân bay quốc tế Atlanta Hartsfield-Jackson (ATL, Mỹ) với 237 điểm đến. Nhiều năm liên tiếp ATL giữ vững phong độ do nằm ở vị trí vô cùng thuận lợi và có rất ít đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Năm 2023, sân bay này phục vụ 61,2 triệu lượt khách. Ảnh: HOK. Sân bay Rome Fiumicino (FCO, Italy) xếp ở vị trí số 10 với 234 điểm đến. Đây là sân bay lớn nhất của Italy, nằm cách thủ đô Roma 28 km. Sân bay có 4 đường băng với bề mặt đều là bê tông nhựa Asphalt. Ảnh: Afar.
Theo New York Post
Link bài gốc Copy Link
Copy Link
Link đã được copy
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO