6/10 hành trình dính nhiễu động mạnh nhất là các tuyến nội địa Nhật Bản và Trung Quốc.
Nhiễu động không khí là hiện tượng những dòng không khí có kích thước khác nhau chuyển động rối loạn trên một phạm vi không gian. Nhiễu động xảy ra ở những vùng không khí biến động về áp suất và dòng đối lưu, do ảnh hưởng của địa hình núi hoặc vùng đệm giữa các khối không khí nóng và lạnh.
Trang web dự đoán nhiễu loạn Turbli phân tích tốc độ tiêu tán xoáy (EDR) - thước đo cường độ nhiễu loạn - từ 150.000 tuyến bay trên thế giới. EDR 0-20 là nhiễu loạn nhẹ, 20-40 là trung bình, 40-80 là nghiêm trọng và 80 đến 100 là cực đoan.
Hành trình dài 1.900 km giữa Santiago (Chile) và Santa Cruz (Bolivia) có EDR 17,568, đứng hạng nhất trong những hành trình bay nhiễu loạn nhất hành tinh. Tuyến bay này chịu ảnh hưởng của những cơn gió mạnh từ đại dương thổi gần như vuông góc với dãy Andes.
6 vị trí trong top 10 những hành trình gặp nhiễu loạn mạnh nhất là các tuyến nội địa ở Nhật Bản và Trung Quốc. Bốn tuyến liên quan đến việc cất cánh hoặc hạ cánh tại Lan Châu, Thành Đô và Hàm Dương. Tại châu Âu, tuyến nhiễu loạn mạnh nhất là Milan (Italy) - Geneva (Thuỵ Sĩ).
Ông Gallego Marcos, người sáng lập Turbli, giải thích các tuyến bay qua dãy Andes ở Nam Mỹ và dãy Alps ở châu Âu đứng vị trí cao trên bảng xếp hạng do sự nhiễu loạn của sóng núi. Các tuyến bay ở Nhật Bản và Trung Quốc dính nhiễu loạn mạnh do hoạt động của dòng phản lực. Dòng phản lực là những dòng không khí trôi nhanh, hẹp và uốn khúc trong bầu khí quyển Trái Đất. Dòng phản lực tạo ra gió rất mạnh ở cùng độ cao máy bay thường hoạt động.
Trong 500 sân bay lớn nhất thế giới, sân bay Santiago ở thủ đô Chile là sân bay chịu nhiễu loạn mạnh nhất. Các chuyến bay đến và đi Santiago có EDR trung bình 17,137 năm 2023. Nhật Bản có đến 5 sân bay nằm trong bảng xếp hạng.
Polynesia thuộc Pháp, vùng lãnh thổ của Pháp ở Thái Bình Dương, dẫn đầu bảng xếp hạng các quốc gia, vùng lãnh thổ gặp nhiễu loạn mạnh nhất.
Giáo sư Todd Lane, Phó trưởng khoa khoa học của Đại học Melbourne (Australia), cho biết nhiễu loạn xảy ra vì một trong ba hệ thống thời tiết khác nhau.
Thứ nhất là là giông bão. Nhiễu loạn sinh ra trong cơn giông bão và cả không khí trong lành xung quanh cơn giông.
Thứ hai là luồng không khí trên núi. Các dãy núi lớn tạo ra sự xáo trộn đáng kể trong luồng không khí phía trên chúng, gây ảnh hưởng tới máy bay. Những dãy núi lớn như Andes ở Nam Mỹ, dãy Alps phía nam New Zealand, dãy Rocky ở Mỹ và dãy Himalaya thường tạo ra nhiễu loạn mạnh.
Nguồn nhiễu loạn chính thứ ba là dòng phản lực. Tốc độ gió mạnh trong dòng phản lực gây ra độ đứt gió mạnh. Nơi nào có độ đứt gió mạnh, nơi đó phát sinh nhiều nhiễu loạn.
Một tuần qua, hàng không thế giới liên tiếp xảy ra nhiều vụ nhiễu loạn khiến nhiều người bị thương. Dự báo nhiễu loạn ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.
Tháng 6/2023, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Reading công bố một báo cáo trên tạp chí Geophysical Research Letters, chỉ ra rằng nhiễu động trời trong (CAT) - loại nhiễu loạn không thể dự báo - ngày càng phổ biến ở nhiều khu vực, xét trong giai đoạn đo lường từ 1979 đến 2020.
Tổng thời gian nhiễu động nghiêm trọng (severe) đo lường tại một điểm trung bình trên Bắc Đại Tây Dương đã tăng 17%, từ 466,5 giờ năm 1979 lên 546,8 giờ vào năm 2020. Nhiễu động loại trung bình (moderate) tăng từ 70 giờ lên 96,1 giờ. Nhiễu động loại nhẹ (light) tăng từ 466,6 giờ lên 546,8 giờ.