tạp chí bầu trời

Vượt "bão" Covid-19, đường sắt chuyển hướng kinh doanh thế nào?

Kết quả sản xuất kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng buộc Tổng công ty Đường sắt VN phải có những hướng đi mới để vừa thích ứng với dịch, vừa phát triển.

 
4
Dịch Covid-19 và việc triển khai dự án nâng cấp hạ tầng đường sắt đã làm giảm năng lực thông qua của ngành Đường sắt Việt Nam (Ảnh minh họa)

Lợi nhuận âm 677,6 tỷ đồng

Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2021 của Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, dịch Covid-19 bước sang năm thứ 2 cùng với dự án đường sắt 7.000 tỷ tập trung triển khai để đảm bảo tiến độ thi công, giải ngân đã làm giảm năng lực thông qua trên tuyến Bắc - Nam và kéo dài thời gian chạy tàu, buộc phải giảm số đôi tàu khách, tàu hàng chạy trên tuyến, dẫn đến sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa.

Điều này khiến cho kết quả SXKD của Tổng công ty bị sụt giảm nghiêm trọng. Doanh thu Tổng công ty hợp nhất dự kiến thực hiện được 6.653,7 tỷ đồng, bằng 100,1% so với cùng kỳ và đạt 100,9% kế hoạch năm nhưng lợi nhuận sau thuế âm 677,6 tỷ đồng.

Riêng Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt VN, doanh thu thực hiện được 1.446,9 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ và đạt 90,4% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao. Lợi nhuận trước thuế âm 690,7 tỷ đồng.

Trong đó, khối vận tải, vận chuyển hàng hóa tăng trưởng tốt, thực hiện được 5,6 triệu tấn xếp, bằng 110,5% cùng kỳ. Tuy nhiên, sản lượng vận chuyển hành khách rất thấp, đạt 1,4 triệu lượt khách lên tàu, chỉ bằng 37,2% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải chỉ đạt 2.262,8 tỷ đồng, bằng 77,8% so với cùng kỳ. 

Khối quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đạt sản lượng 4.266,0 tỷ đồng, bằng 127,9% so với cùng kỳ và đạt 109,2% kế hoạch. Doanh thu 3.899,1 tỷ đồng, bằng 127,7% so với cùng kỳ và đạt 109,6% kế hoạch.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Vũ Anh Minh cho biết, đầu năm 2021, Tổng công ty đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động do không còn dòng tiền. Mặt khác, 5 tháng đầu năm chưa bố trí được nguồn vốn cho công tác bảo trì hạ tầng nên không có tiền để thay thế vật tư, trả lương cho khoảng 11.300 CBCNV khối hạ tầng. 

Trong khi đó, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến vận tải. Để có thể duy trì được đến ngày hôm nay là cả quá trình vượt qua đầy khó khăn. Tổng công ty thậm chí đã phải đưa ra quyết sách giảm chi phí, trong đó có giảm lương người lao động, mục tiêu là trụ vững vượt qua đại dịch.

Tập trung chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa

Ông Vũ Anh Minh cho biết thêm, kế hoạch năm 2022 được Tổng công ty Đường sắt VN xây dựng trong điều kiện sản xuất kinh doanh rất khó khăn khi dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải; áp lực về chi phí duy trì SXKD và trả lương cho người lao động ngày càng tăng trong khi doanh thu ngày càng giảm.

Bên cạnh đó, Nghị định 65/2018 có hiệu lực từ 01/7/2018 quy định các doanh nghiệp vận tải đường sắt có lộ trình 3 năm để thay thế các phương tiện hết niên hạn sử dụng.

Theo đó, tính đến cuối năm 2022, Tổng công ty sẽ phải thanh lý dần khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách nên sẽ gặp khó khăn lớn khi phải huy động khoảng hơn 6.800 tỷ đồng để đầu tư mới phương tiện.

Ngoài ra, những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động vận tải đường sắt chưa được giải quyết vẫn tiếp tục là trở ngại lớn cho Tổng công ty khi phục hồi sản xuất sau đại dịch.

Năm 2022, Tổng công ty sẽ tập trung xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch SXKD, đặc biệt chú trọng đến thúc đẩy SXKD vận tải khi đã khống chế được dịch Covid-19 và đạt được miễn dịch cộng đồng, trong đó tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa; Xây dựng và tích cực triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, công tác bán hàng, chăm sóc khách hàng, nhằm tăng sản lượng và doanh thu vận tải. Trước mắt triển khai kế hoạch chạy tàu Tết Nguyên đán 2022 đảm bảo an toàn, hiệu quả và thích ứng với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ tiếp tục giải trình với Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ gói đầu tư trung hạn 2021-2025 và các nội dung liên quan đến Nghị định 65/2018 nhằm tháo gỡ khó khăn khi Tổng công ty chưa thể đầu tư thay thế phương tiện mới; tích cực, chủ động báo cáo giải trình với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động đường sắt, đảm bảo đồng bộ với Luật Đường sắt 2017; Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Nghị định 46/2018 và Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt VN năm 2020, thực hiện 2021 - 2025 làm cơ sở triển khai các mục tiêu đề ra.

Năm 2022, toàn Tổng công ty dự kiến thực hiện được sản lượng và doanh thu bằng 89% trở lên so với cùng kỳ; đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Công ty Mẹ dự kiến doanh thu bằng 108,4% trở lên so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế là -580 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 100 tỷ so với năm 2021. 

Phấn đấu đảm bảo tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ 77% trở lên.

Doanh thu trực tiếp từ vận tải bằng 107,6% trở lên so với cùng kỳ.

Khối công nghiệp và cơ khí phấn đấu đạt sản lượng 118,9% và doanh thu bằng 83,5% trở lên so với cùng kỳ.

Khối Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt phấn đấu đạt sản lượng và doanh thu bằng 83,5% trở lên so với cùng kỳ.

Theo http://www.tapchigiaothong.vn/vuot-bao-covid-19-duong-sat-chuyen-huong-kinh-doanh-the-nao-d93849.html

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận