tạp chí bầu trời

Vietnam Airlines kiến nghị tăng trần giá vé máy bay

Vietnam Airlines vừa kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022.

Ngoài việc áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh giá trần áp dụng từ 1.4.2022; cũng như chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.

 

Theo văn bản do ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines ký gửi Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải do ảnh hưởng tăng giá dầu với hoạt động khai thác của doanh nghiệp này. Năm 2021, mạng bay quốc tế thường lệ đi/đến Việt Nam tiếp tục “đóng băng”, hoạt động vận tải hành khách quốc tế thường lệ hoàn toàn đình trệ chỉ có các chuyến bay chở chuyên gia hoặc công dân hồi hương. Tính chung cả năm, tổng thị trường quốc tế chỉ đạt gần 500.000 khách, bằng 1,4% so với trước đại dịch (2019).

 

Cùng đó, thị trường nội địa do ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào cao điểm Tết và cao điểm hè, nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh. Tổng thị trường nội địa đạt khoảng 14,6 triệu khách, giảm 61% so 2019. Các hãng hàng không Việt Nam hầu như chỉ có thể khai thác được trên 60% công suất đội tàu bay, trong đó riêng Vietnam Airlines chỉ đạt 40%”.

Trong bối cảnh Vietnam Airlines đang nỗ lực để hồi phục mạng bay, tăng tần suất trở lại các đường bay, tìm kiếm cơ hội kinh doanh để tận dụng cơ hội thị trường, việc chi phí khai thác không ngừng tăng cao do yếu tố khách quan không kiểm soát nhưng lại chiếm tỉ trọng lớn là giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, Vietnam Airlines kiến nghị miễn thuế bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định việc áp dụng miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm 2022 là cần thiết. Trong trường hợp áp dụng chính sách này, riêng Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỉ đồng.

 

Cùng đó, hãng này cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép các hàng không triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa. Theo thông lệ quốc tế, trước đây, khi giá nhiên liệu luôn biến động, các hãng hàng không đã tách phần phụ thu nhiên liệu ra khỏi giá vé để chủ động điều chỉnh giá bán nhằm bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao.

 

Với việc giá dầu ngày càng khó dự báo và phụ thuộc nhiều vào các biến động kinh tế, chính trị, việc triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa cũng là một giải pháp nhằm tạo sự linh hoạt cho các hãng điều chỉnh giá bán trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường trong khi không ảnh hưởng đến các chính sách giá của Chính phủ hiện nay.

Tuy nhiên, chính sách này cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá, đặc biệt là xác định và quy định các mức phụ thu theo các mức giá dầu để đảm bảo tính phù hợp, đúng nghĩa góp phần bù đắp kịp thời chi phí cho các hãng khi giá dầu tăng. Trước mắt, phương án sửa đổi quy định về giá trần sẽ khả thi và kịp thời hơn. Cụ thể, về pháp lý, để điều chỉnh giá trần, Bộ Giao thông Vận tải chỉ cần sửa Thông tư 17/2012.

 

Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, để một mặt có thể bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác có điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ tương xứng với giá vé cho đối tượng khách có khả năng chi trả cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời đảm bảo các quy định về giá bán hiện hành.

Theo https://laodong.vn/xa-hoi/vietnam-airlines-kien-nghi-tang-tran-gia-ve-may-bay-1023761.ldo?zarsrc=31&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận