tạp chí bầu trời

Vietnam Airlines chuyển đổi số bắt đầu từ Văn hóa số

Trong hành trình chuyển đổi số (CĐS), Công nghệ số - Dữ liệu số - Văn hóa số là 3 trụ cột quan trọng nhất. Trong đó yếu tố Văn hóa là thứ doanh nghiệp có thể thay đổi sớm nhất nhưng không hề dễ dàng.

CĐS, bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng CĐS không phải chỉ là công nghệ số, mà quan trọng hơn, CĐS là chấp nhận cái mới, do đó, CĐS là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, CĐS là về con người nhiều hơn về công nghệ số. Đây là nhận thức sau một thời gian các tổ chức thực hiện CĐS ồ ạt nhưng lại có rất ít nơi đạt được hiệu quả cao. 

Các công ty vẫn đang cố gắng đưa thật nhiều những hệ thống, giải pháp bằng phần mềm để quản trị và hỗ trợ sản xuất. Điều này sẽ cải thiện tình hình trước mắt nhưng xét về lâu dài lại không bền vững. Khi tư duy và nhận thức của mỗi thành viên trong tổ chức không theo kịp sự thay đổi về công nghệ sẽ dẫn đến sự đứt gãy về quy trình, tạo rào cản tâm lý cho CBNV.

Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Chính vì vậy việc xây dựng Văn hóa số là điều có thể làm sớm nhất và cần phải làm sớm nhất. CĐS là việc của cả tổ chức chứ không phải của mấy ông công nghệ. Khi mỗi người đều là công dân số thì việc một tổ chức trở thành doanh nghiệp số chỉ là điều sớm muộn.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, VNA đã nỗ lực, chủ động thực hiện ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của sản xuất kinh doanh và luôn coi đây là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu. Và đây chính là thời điểm để chúng ta tập trung xây dựng Văn hóa số. 

Theo Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà, Văn hóa số VNA bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị làm cơ sở cho tư duy và hành động hướng tới CĐS. Văn hóa số là “nền móng” quan trọng để chúng ta hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Hãng hàng không số vào năm 2025.

Văn hóa số là “nền móng” quan trọng để chúng ta hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Hãng hàng không số vào năm 2025. (Ảnh: VNA).

Với nhận thức rõ ràng đó, Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà cam kết và đặt quyết tâm cao nhất để xây dựng một nền Văn hóa số VNA vững mạnh và cùng nhau xác lập, tuyên bố 7 giá trị cốt lõi. Điều này khẳng định VNA đã bắt tay vào xây dựng Văn hóa số khởi đầu bằng xây dựng văn hóa và hành vi lãnh đạo thể hiện qua đường lối, chiến lược và kế hoạch rõ rang cùng sự cam kết, quyết tâm và chuyển hóa thành các hành động cụ thể trong toàn tổ chức. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “Chuyển đổi số thành hay bại 70% do người đứng đầu”, cho thấy tầm quan trọng và ảnh hưởng của lãnh đạo đến chiến lược CĐS của doanh nghiệp. Chuyển đổi số là chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy, nhận thức đúng là việc khó. Nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của một tổ chức. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải chỉ là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo.

Có được sự nhất quán trong ý chí lãnh đạo, VNA cần tập trung xây dựng lực lượng lao động số đi cùng với môi trường, chính sách, công cụ thúc đẩy cho các hoạt động CĐS. Văn hoá số sẽ dần được hình thành trên lộ trình CĐS sẽ tạo ra nguồn nhân lực với những giá trị nổi bật cho VNA. Đó là những nhân sự có tư duy đột phá tạo ra nhiều ý tưởng mới, có khả năng tự thích ứng với thay đổi của tổ chức, sẵn sàng tiếp thu các phản hồi để biến thành cơ hội mới, chia sẻ hợp tác với nội bộ và khách hàng, giúp doanh nghiệp luôn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong dài hạn.

Ban TTHH tích cực chuyển đổi số thông qua hệ thống báo cáo thương mại và các phần mềm của Salesforce. (Ảnh: VNA).

Người VNA được cung cấp công nghệ tốt nhất có thể, được tiếp cận nguồn dữ liệu đã được chuẩn hoá và đã có những mô hình phân tích để tạo ra giá trị mới, nhưng nếu CBNV không hiểu lý do tại sao TCT phải CĐS, và tại sao nó tốt đối với cá nhân mỗi người thì trong chúng ta không phải ai cũng hào hứng tham gia, thậm chí có những biểu hiện chống đối hoặc chỉ làm hình thức. 

Nhiều công cuộc CĐS thất bại vì nhân viên phản kháng không tham gia hỗ trợ. Vì vậy, sự thống nhất về tư duy và nhận thức, sự đồng lòng trong việc theo đuổi các mục tiêu trong toàn bộ VNA là vô cùng cần thiết để hành trình CĐS thành công.

Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà tin tưởng rằng, với những nguyên tắc, những giá trị đã được xác lập rõ ràng, chúng ta sẽ kiến tạo được một môi trường thuận lợi để phát triển văn hóa số. Từng lãnh đạo, từng nhân viên sẽ hiểu rõ và làm việc theo những phương châm – giá trị cốt lõi Văn hóa số, từng bước xây dựng một nền văn hóa số vững chắc, tiên tiến của VNA.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận